03:02, 22/02/2013

Khéo “dụ” con làm việc nhà

Nếu mẹ có phương pháp “huấn luyện” tốt thì chỉ 2 tuần là bé sẽ tự giác làm việc nhà. Bé 6 tuổi đã hoàn toàn có thể giúp mẹ làm việc nhà.

Nếu mẹ có phương pháp “huấn luyện” tốt thì chỉ 2 tuần là bé sẽ tự giác làm việc nhà. Bé 6 tuổi đã hoàn toàn có thể giúp mẹ làm việc nhà. Hãy thử 3 bước hướng dẫn con dưới đây, chỉ trong vòng 2 tuần, bạn sẽ thấy bé lớn hẳn lên với những công việc mà ngay cả bé cũng cảm thấy tự hào.

1. Hiểu rõ mong muốn của con và của bạn

Các con bạn đều muốn được đi ngủ muộn hơn một chút so với giờ quy định? Hay con muốn một chuyến đi chơi cùng cả nhà vào dịp đầu xuân? Bất kể là con mong muốn gì, hãy tìm ra trước khi yêu cầu con làm việc nhà giúp bạn.

Không chỉ tìm hiểu những điều đáp ứng mong muốn của con để tạo nguồn động viên, khuyến khích con làm việc nhà, bạn cũng cần tìm nguồn động viên cho chính bản thân mình nữa.

Rõ ràng bạn phải hiểu rằng, các con sẽ không làm được mọi việc theo đúng như ý bạn, nhưng bù lại, bạn sẽ không phải làm việc đó nữa. Cách này không chỉ giúp bạn giảm bớt áp lực việc nhà mà còn giúp trẻ biết cách tự chăm sóc mình - một kỹ năng rất quan trọng cho cuộc sống.

2. Tìm công việc phù hợp

Không ai thích những công việc nhà nhàm chán, nhưng nói chung, cũng có những việc ta thấy “chán nhất” và những việc “ít chán hơn”. Với các con bạn cũng vậy, có khi với chúng, phải lau sàn nhà bếp sẽ “thích thú” hơn là phải tắm cho em.

Bạn có thể bắt đầu việc này bằng cách lên một danh sách những việc nhà cần con giúp đỡ, sau đó cùng con nhìn lại tất cả các công việc để đưa ra những lựa chọn cuối cùng.

Có thể cũng cần cân đối về mức độ công việc, chẳng hạn, việc lau sàn nhà bếp có thể tương đương mức độ với hai phần việc khác, việc đổ rác có thể chỉ tính là một nửa phần công việc mà thôi. Bạn có thể cùng con xem qua tất cả các phần việc để thấy quan điểm của chúng với các việc đó có giống bạn không. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng phân công kế hoạch công việc cho các con hợp lý.

3. Đưa ra những yêu cầu cụ thể

Ghi những yêu cầu cụ thể về công việc lên giấy, nếu con bạn tỏ ý thắc mắc hay tranh cãi về công việc chúng phải làm, bạn có thể chỉ vào tờ giấy đã ghi và bảo với chúng, rõ ràng đó là phần việc chúng đã nhận làm rồi.

Bạn cần ghi rõ ràng và chính xác những gì trẻ cần làm và những gì chúng sẽ nhận được sau khi hoàn thành công việc. Trong vấn đề này, bạn càng cẩn thận, chi tiết càng tốt. Chẳng hạn: Nếu con giặt đồ, sau khi gấp xong đồ trước 4 giờ chiều ngày Thứ bảy, con sẽ được đi chơi tối cùng các bạn.

Song lẽ dĩ nhiên, bạn cũng không nên kỳ vọng là trẻ sẽ làm được mọi việc tốt như mong muốn của bạn, mục đích lớn nhất vẫn chỉ là làm sao trẻ có thể hoàn thành công việc ở mức chấp nhận được và bạn không phải làm lại.

4. Hai tuần thử nghiệm

Không hệ thống nào có thể vận hành trơn tru ngay trong một sớm một chiều. Vì vậy, bạn hãy dành cho “dự án đào tạo nhân sự” này ít nhất 2 tuần rồi hãy đánh giá mức độ thành công hay thất bại.

Kết thúc đợt “tập huấn”, có thể ngồi lại với con để trò chuyện về những điều bạn hài lòng hay chưa hài lòng, rồi đưa ra những chỉnh sửa nếu cần thiết.

P.V (Theo Thegioibeyeu)