06:02, 09/02/2016

Soi lại gương xưa về phép dụng quan

Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, phần đánh giá những hạn chế, khuyết điểm của công tác xây dựng Đảng 5 năm qua có nhận định: "việc luân chuyển bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương thực hiện chưa đạt yêu cầu".

Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, phần đánh giá những hạn chế, khuyết điểm của công tác xây dựng Đảng 5 năm qua có nhận định: “việc luân chuyển bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương thực hiện chưa đạt yêu cầu”. Tại sao phải bố trí cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương? Nhân đầu năm mới, thử nhìn lại cha ông ta ngày xưa đã thực hiện việc này như thế nào?


. Luật hồi tỵ từ hơn 500 năm trước


Triết lý hồi tỵ - tránh đi, khởi nguồn từ sự nghiệp cải cách nền hành chính quốc gia toàn diện và sâu sắc của vua Lê Thánh Tông. Người là một vị vua anh minh của một triều đại phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc trong suốt 37 năm trị vì (1460 - 1497). Với quan điểm: Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Quan có đức, có tài thì nước trị. Quan vô đức, kém tài là thềm, bậc dẫn đến họa loạn, đức Vua đã sáng suốt đặt trọng tâm của sự nghiệp cải cách hành chính vào lĩnh vực cải cách thể chế và cải cách đội ngũ quan lại. Vua Lê Thánh Tông đã đặt ra chế độ hồi tỵ phục vụ cho việc bổ dụng đội ngũ quan lại phong kiến đương thời. Nội dung cơ bản của chính sách hồi tỵ giai đoạn này có thể được tóm tắt ở một số nội dung chính sau:

 

Tượng vua Lê Thánh Tông tại Văn Miếu Quốc Tử Giám
Tượng vua Lê Thánh Tông tại Văn Miếu Quốc Tử Giám


1. Không được bổ nhiệm một viên quan về cai trị huyện hoặc tỉnh mà ông ta xuất thân từ đó. 2. Không được bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo. 3. Trong thời gian trị nhậm tại một tỉnh hoặc một huyện, một viên quan không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa hạt đó. 4. Một viên quan không được phép tại vị quá lâu ở một địa phương hoặc một viện, bộ của triều đình.  

         
Khi nhà Nguyễn lên ngôi, vua Minh Mạng trị vì đất nước 21 năm (1820 - 1841) đã ban hành Luật hồi tỵ vào năm 1831 và sau đó là vua Thiệu Trị đã liên tục bổ sung vào các năm tiếp theo với phạm vi, đối tượng áp dụng mở rộng hơn, các quy định cũng nghiêm ngặt hơn so với thời vua Lê Thánh Tông. Những nội dung nghiêm ngặt được bổ sung trong giai đoạn này tập trung vào một số nội dung chính sau:


1. Quan lại không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai quản. 2. Quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc. 3. Người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở. 4. Các lại dịch nha môn, các bộ ở kinh đô và các tỉnh là con, anh em ruột, anh em con chú, con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác. 5. Các quan lại không được làm quan ở nơi trú quán (nơi ở một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi. 6. Các lại mục, thông lại cũng không được làm việc ở phủ huyện là quê hương mình. 7. Các quan viên từ Tham biện trở lên ở các trấn, tỉnh về kinh đô chầu được dự đình nghị, song nếu cuộc họp có bàn việc liên quan đến địa phương mà mình nhậm trị thì không được vào dự. 8. Các khảo quan (coi thi, chấm thi) có người thân thích dự thi ở trường mình thì phải báo lên cấp trên để tránh đi; nếu cố tình không khai báo sẽ bị trọng tội vì cố ý làm trái. 9. Các quan thanh tra, xét xử thấy trong vụ án, vụ điều tra có người thân quen của mình (bà con nội, ngoại, bạn thân...) đều phải khai báo và hồi tỵ ngay. 10. Cấm quan đầu tỉnh lấy vợ trong trị hạt vì sợ gia đình vợ nhũng nhiễu; cấm các quan tậu ruộng vườn, nhà cửa trong trị hạt vì sợ quan hiếp dân để được mua rẻ; cấm tư giao với đàn bà con gái trong trị hạt; cấm các quan lại đã về hưu quay lại cửa công để cầu cạnh...


Có biết những phép tắc nghiêm ngặt của người xưa nên khi đọc sử sách, ta mới hiểu vì sao cụ Hoàng Diệu quê Quảng Nam nhưng làm Tổng đốc Hà Nội; cụ Nguyễn Công Trứ, nhà thơ, nhà quân sự, nhà kinh tế kiệt xuất quê ở Hà Tĩnh nhưng để lại công lao lớn khi đưa dân lấn biển, khai khẩn lập làng vùng Thái Bình, Nam Định. Mới hiểu vì sao danh tướng Thoại Ngọc Hầu quê Quảng Nam nhưng dân miền Tây Nam Bộ đời đời ghi nhớ công ơn mở đất mà ngày nay, kinh Vĩnh Tế vẫn như một tượng đài sống của ông. Hay như cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc quê Nghệ An nhưng làm quan nổi tiếng thanh liêm ở Đồng Tháp...



. Những thí điểm của Đảng


Phát huy truyền thống và phương sách dùng người của ông cha ta để lại, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ, coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một khi đã có đường lối cách mạng đúng thì cán bộ là khâu quyết định. Người đã viết: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” và “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”...


Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc những ưu, khuyết trong việc cán bộ trưởng thành từ địa phương, gắn bó với địa phương. Vấn đề nào cũng có 2 mặt của nó. Đảng ta nhận thức rất rõ ngoài những ưu điểm, thì việc khép kín cán bộ ở địa phương sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực xuất hiện. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đặt vấn đề thí điểm bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương. Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện. Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, một trong những nhiệm vụ được nêu là “thực hiện bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương ở cấp tỉnh, cấp huyện và từng bước nghiên cứu thực hiện ở cấp xã, phường, thị trấn”. Kết luận của Bộ Chính trị cũng đặt ra yêu cầu: “thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt (bí thư, chủ tịch UBND, trưởng các ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát) không phải là người địa phương, phấn đấu đến năm 2015 trên 25% tỉnh, thành phố và trên 50% quận, huyện thực hiện chủ trương này”. Chủ trương này nhằm khắc phục tình trạng bè phái, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, khép kín trong đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Tuy nhiên, chủ trương thí điểm trên không đạt yêu cầu như Báo cáo chính trị đánh giá.


Vì sao thí điểm chưa thành công? Câu trả lời sẽ rất phức tạp. Trong dư luận vừa qua dậy lên chuyện có huyện nọ mà cán bộ chủ chốt cấp phòng có hơn chục người là họ hàng; chuyện giám đốc sở 30 tuổi là con bí thư tỉnh ủy, hoặc đại hội đảng bộ xã có những dòng họ chiếm áp đảo trong ban thường vụ... Dẫu cho những trường hợp đó có làm đúng quy trình cán bộ, nhưng dư luận vẫn cứ nghi hoặc.


   *
     *         *


Ông cha ta từ ngàn xưa đã có câu “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Và cũng chính ông cha ta đã tìm mọi cách khắc phục tình trạng này. Tư tưởng hồi tỵ có từ hơn 500 năm trước chính là tư tưởng hết sức tiến bộ của cha ông ta nhằm phòng, chống những hệ lụy xấu có thể xảy ra đối với đội ngũ quan lại.


Đầu năm soi lại gương xưa. Với thực tiễn phong phú về công tác cán bộ trong quá trình lãnh đạo thực hiện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tin trong thời gian tới, Đảng sẽ có những bước đột phá, triển khai thành công vấn đề này chứ không chỉ là thí điểm.


Trần Duy