07:02, 10/02/2016

Đại thi hào Nguyễn Du và Tiếng thơ động cả đất trời

"Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn", đó là đánh giá của học giả Phạm Quỳnh đối với trước tác của Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820). Thời gian càng lùi xa, giá trị của Truyện Kiều càng hiện lên rực rỡ, tư tưởng của Nguyễn Du càng bộc lộ sự thâm thúy, sâu sắc mà cao hơn hết đó là tình thương con người.

“Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”, đó là đánh giá của học giả Phạm Quỳnh đối với trước tác của Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820). Thời gian càng lùi xa, giá trị của Truyện Kiều càng hiện lên rực rỡ, tư tưởng của Nguyễn Du càng bộc lộ sự thâm thúy, sâu sắc mà cao hơn hết đó là tình thương con người.


Nhắc đến thi hào Nguyễn Du là nhắc đến Truyện Kiều, bởi đó là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông cũng như của nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay, kết tinh của đỉnh cao văn hóa dân tộc. Cái hay, cái đẹp của Truyện Kiều được ẩn chứa trong thể lục bát, trở thành “quốc hồn, quốc túy”, có thể so sánh với bất kỳ kiệt tác văn học nào của thế giới mà không hề sợ thua kém.

 


 
“Tiếng thơ ai động đất trời”


Mấy trăm năm đã qua, đọc lại những vần thơ của Nguyễn Du vẫn như thấy hình bóng văn nhân lặng lẽ trong cô phòng viết nên những vần thơ đau đáu với đời.


Xuất thân là con nhà danh gia vọng tộc nhưng chẳng hưởng được mấy vinh hoa, sớm chịu cảnh mồ côi cha mẹ, sống đời tha hương nên ông đã sớm hình thành tâm thế thương người có số phận long đong, bị xã hội vùi dập. Chính vì vậy, khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã vượt lên trên mọi thành kiến của xã hội để ca ngợi vẻ đẹp hình thức, tài năng, đặc biệt là vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Kiều - người phụ nữ “dưới đáy” xã hội. Chính Nguyễn Du đã đưa Kiều từ thân phận một kỹ nữ trong Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thành một biểu tượng về thân phận phụ nữ có tài sắc nhưng bị xã hội chà đạp, có sức lan tỏa và tạo xúc động sâu sắc. Nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận định, vấn đề đặt ra trong Truyện Kiều chính là “quyền sống của con người trong xã hội phong kiến”. Hay nói cách khác, Truyền Kiều là hiện thân của tiếng nói đề cao tình yêu tự do qua mối tình Kim - Kiều, khát vọng công lý và vẻ đẹp con người giữa một xã hội đầy rẫy bất công, tù túng; tiếng nói lên án các thế lực bạo tàn chà đạp quyền sống của con người được điển hình qua các nhân vật Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, Hồ Tôn Hiến... Trong lời tựa Truyện Kiều lần in đầu tiên năm 1820, Mộng Liên Đường chủ nhân (Nguyễn Đăng Tuyển) đã viết: Nếu không phải có con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy.


Thế nhưng, Nguyễn Du đâu phải chỉ có Truyện Kiều, tư tưởng nhân đạo “vì con người” gần như xuyên suốt các tác phẩm của ông. Những ai từng đọc Văn tế thập loại chúng sinh hay các tập thơ chữ Hán (Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục) đều nhận thấy văn thơ của ông luôn chứa đựng tình thương con người. Ở Văn tế thập loại chúng sinh, nhà thơ tỏ lòng thương đối với tất cả mọi người trong xã hội, đặc biệt là những kiếp người bất hạnh như kẻ đi buôn về bán “đòn gánh tre chín rạn hai vai” phong sương dầm dãi, bỏ mạng giữa đường; những kẻ mắc vào khóa lính “nước khe cơm vắt” chiến trận xông pha, thân vùi nghìn dặm; giang hồ ca kỹ bán nguyệt buôn hoa “tuổi già cô quạnh thác làm ma không chồng”; kẻ hành khất “sống nhờ hàng xứ, thác vùi đường quan”; kẻ bần dân vì miếng ăn mà bất đắc kỳ tử. Nhà thơ khóc người đã khuất nhưng cũng là lời tâm sự, chia sẻ những nỗi khổ ải mà con người đang phải gánh chịu trong xã hội loạn ly. Những bài thơ chữ Hán xuất chúng như Độc Tiểu Thanh kí, Long thành cầm giả ca, Sở kiến hành... thể hiện nỗi ưu tư của nhà thơ trước cuộc đời và vận mệnh con người. Có lẽ vì thế, nhà thơ Tố Hữu đã gọi những vần thơ của thi hào Nguyễn Du là những tiếng thơ làm “động đất trời”, “lời non nước vọng về nghìn thu”.

... “đất nước hóa thành văn”


Thi hào Nguyễn Du đã nâng tầm thể thơ lục bát dân dã, kết hợp tài tình tinh hoa của ngôn ngữ bác học với ngôn ngữ bình dân. Những ai đọc Truyện Kiều đều dễ dàng nhận thấy ngôn ngữ thơ đã đạt đến độ tinh tế vi diệu xứng đáng được ca tụng “lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu” mà như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: Khi Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn. Nghệ thuật tự sự của Truyện Kiều cũng phát triển vượt bậc, từ nghệ thuật dẫn chuyện đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách nhân vật và miêu tả tâm lý. Chính vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định Nguyễn Du với Truyện Kiều đã đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học Việt Nam hiện đại.

 

Tranh về Truyện Kiều
Tranh về Truyện Kiều


Trước đây, khi nhắc đến Truyện Kiều của Nguyễn Du, tuy hết sức ngợi ca nhưng các nhà nghiên cứu đều phê phán là chưa thoát khỏi sự ảnh hưởng của chế độ phong kiến, mang tính nửa vời bởi bị chi phối bởi tư tưởng định mệnh. Tuy nhiên, thời gian càng lùi xa, vẻ đẹp của Truyện Kiều càng hiện lên rực rỡ, tư tưởng của Nguyễn Du càng bộc lộ sự thâm thúy, sâu sắc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Sĩ Đại cho rằng, với Truyện Kiều, lần đầu tiên chủ nghĩa nhân đạo được thể hiện một cách hoàn chỉnh và sâu sắc trong văn học Việt Nam, lần đầu tiên “thân phận” con người được đưa vào văn học. Việc Nguyễn Du để cho Từ Hải chết, Thúy Kiều tiếp tục rơi vào vòng trầm luân không phải là sự bế tắc, mà đó chỉ là sự thật của đời sống vốn dĩ đầy rẫy sự biến động, tang thương dâu bể. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã vượt qua việc mô tả cuộc đời của một con người trong giới hạn “trăm năm” trong thuyết “tài mệnh tương đố”. Hơn thế, đó chính là triết lý nhân sinh, nỗi niềm thế sự về mối quan hệ giữa cá nhân và cuộc đời; mâu thuẫn giữa mơ ước của con người và sự chi phối, hạn chế, thậm chí phũ phàng của hiện thực xã hội; giữa cái hữu hạn và vô hạn mà như nhà thơ đã viết: Trải qua một cuộc bể dâu/những điều trông thấy mà đau đớn lòng.


Trước đây, nhiều người cho rằng Nguyễn Du hoài vọng ở nhà Lê, Từ Hải là bóng dáng của những người anh hùng áo vải Tây Sơn. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Sĩ Đại lại cho rằng, lý tưởng của Nguyễn Du cao hơn thế, đó là hình bóng của xã hội tự do, bình đẳng, bác ái theo lý tưởng của cách mạng tư sản. “Tôi nghĩ rằng, Nguyễn Du đã đứng ở vị thế giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, sự sống và cái chết, biến và bất biến để nói với không phải chỉ người đương thời mà với muôn năm về những lẽ đời trên cơ sở của tình yêu thương vô hạn và tư tưởng tự do, bình đẳng. Đó là tư tưởng lớn nhất của người nghệ sĩ, của một thiên tài, chứ không phải Nho, Phật, Lão, bình dân hay quý tộc một cách máy móc”, Nguyễn Sĩ Đại viết.


Hơn 200 năm qua, vượt qua những thăng trầm của lịch sử, Truyện Kiều đã được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục mọi tầng lớp độc giả từ trí thức đến bình dân. Vượt qua khuôn khổ của một tác phẩm văn học, Truyện Kiều đã có những ảnh hưởng hết sức lớn lao trong đời sống xã hội, tạo cảm hứng sáng tác cho rất nhiều tác phẩm thi ca - nhạc - họa, tạo nên xung quanh nó một môi trường văn hóa đặc biệt với những hình thức như: bói Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, chèo Kiều... Trên bình diện quốc tế, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, đặc biệt phổ biến tại Pháp, Mỹ, Nga; góp phần khẳng định vị thế của văn học Việt Nam. Năm 1964, Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) đã tôn vinh thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới và nhân loại đã đi sâu tìm hiểu, chiêm ngưỡng tuyệt tác Truyện Kiều. Chuyện cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đến thăm Việt Nam đã trân trọng đọc câu Kiều: Sen tàn cúc lại nở hoa để thể hiện sự trân quý đối với Truyện Kiều và nền văn hóa Việt là một minh chứng.


X.T  
 


 

Ngày 2-12-2015, Tổ chức Liên minh Kỷ lục Thế giới đã chính thức gửi văn bản xác nhận kỷ lục thế giới dành cho tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du. Theo đó, “Truyện Kiều” trở thành “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”.


 Theo đánh giá của Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới, Truyện Kiều là một kiệt tác văn học đã chinh phục các thế hệ công chúng trong hơn 200 năm qua. Tác phẩm này cũng được chuyển ngữ sang hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới như: tiếng Anh, Nga, Pháp… với trên 35 bản dịch.


Trước đó, Truyện Kiều được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập tới 26 kỷ lục quốc gia. Đây cũng là tác phẩm có nhiều kỷ lục quốc gia nhất Việt Nam. Trong đó có nhiều kỷ lục đặc biệt như: thi phẩm đã đưa tác giả lên hàng Danh nhân văn hóa thế giới; quyển truyện thơ duy nhất không viết ra để bói mà được nhân dân dùng để bói, tạo nên hiện tượng bói Kiều; quyển sách tạo ra hiện tượng độc đáo “Vịnh Kiều”, tác phẩm tạo ra nhiều câu đố nhất...


Dự kiến, kỷ lục thế giới này sẽ được Liên minh Kỷ lục Thế giới trao trong Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 31 diễn ra vào tháng 3-2016 tại Việt Nam.