09:02, 11/02/2016

Chuyện... đỡ đẻ cho đà điểu

Nhiều năm nay, những công nhân của Trung tâm Giống đà điểu Khatoco (xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã trở thành "bà đỡ" cho những con đà điểu đang trong kỳ sinh sản. Việc đỡ đẻ cho đà điểu ở đây cũng lắm chuyện cười ra nước mắt!

Nhiều năm nay, những công nhân của Trung tâm Giống đà điểu Khatoco (xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã trở thành “bà đỡ” cho những con đà điểu đang trong kỳ sinh sản. Việc đỡ đẻ cho đà điểu ở đây cũng lắm chuyện cười ra nước mắt!


Đến thăm trang trại nuôi đà điểu của Trung tâm Giống đà điểu Khatoco, chúng tôi khá bất ngờ khi nhiều công nhân ở đây phải bỏ hết công việc để... đỡ đẻ cho đà điểu vào mỗi buổi chiều. Túm đuôi con đà điểu mái nâng nhẹ lên, anh Phạm Đông Thiện liếc nhìn con trống đang lượn quanh chuồng rồi nắn nắn, chưa đầy 1 phút đã ôm gọn quả trứng nặng gần 2kg ra lau chùi cẩn thận. Sau khi ghi chép số liệu đầy đủ lên vỏ trứng, anh Thiện nói: “Ca này thuộc loại dễ đẻ chứ nhiều ca ngồi vuốt ve đến 30 phút mới lấy trứng được”.

 

Thường 1 chuồng có 1 đà điểu trống “phụ trách” 2 đà điểu mái
Thường 1 chuồng có 1 đà điểu trống “phụ trách” 2 đà điểu mái


Kể về công việc đã làm 11 năm nay, anh Thiện cho biết đã gặp không ít ca... khó đỡ! “Thường con trống có xu hướng bảo vệ “bà xã” nên khi mình vào, nó sẽ dò xét và đe dọa. Với trọng lượng đến hơn 1 tạ, nếu để đà điểu trống “tung cước” thì chỉ có nước... trọng thương. Vì vậy, khi đỡ đẻ cho đà điểu mái, anh em phải vừa đỡ vừa đề phòng. Đã có trường hợp nhân viên đỡ đẻ bị đà điểu trống đuổi chạy vòng quanh chuồng". Anh Thiện cho hay.


Anh Võ Đại Tài - nhân viên của trung tâm, cũng có thâm niên đỡ đẻ cho đà điểu hơn 6 năm chia sẻ: khó khăn lớn nhất là mỗi “bà đỡ” được giao quản lý vài chục con đà điểu mái, trong khi đà điểu chỉ đẻ vào khoảng thời gian từ 15 đến 17 giờ chiều. Nhiều trường hợp đà điểu đẻ chỉ cách nhau vài phút khiến nhân viên rất khó xử. “Kinh nghiệm cho thấy, khi đà điểu gần đến ngày sinh, chúng thường có những biểu hiện như: bồn chồn, đi lại nhiều, ăn ít, đang ăn lại chạy... Phải nắm được quy luật và quen với tập tính mỗi con để có cách sắp xếp hợp lý”, anh Tài nói.

 

Sau khi lau chùi sạch sẽ, trứng đà điểu được ghi chép cẩn thận
Anh Phạm Đông Thiện thực hiện một ca đỡ đẻ cho đà điểu


Nhiều người thắc mắc, tại sao đà điểu lại cần đỡ đẻ? Ông Ngô Văn Tưởng, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Giống đà điểu Khatoco giải thích, do đà điểu được nuôi tập trung với số lượng lớn nên chuồng trại dù được dọn dẹp hàng ngày vẫn không đảm bảo vệ sinh. Nếu trứng đẻ ra mà tiếp xúc với đất sẽ bị nhiễm khuẩn, không ấp nở được (trứng bị ung). Chưa kể, nhiều đà điểu mái có tật xấu là đứng đẻ hoặc vừa chạy vừa đẻ, dẫn đến vỡ trứng. “Có trường hợp nhân viên tay thì hứng, chân thì chạy theo đà điểu để trứng khỏi rơi”, ông Tưởng kể.


Hiện nay, Trung tâm Giống đà điểu Khatoco đang nuôi 14.000 con đà điểu, trong đó có 1.000 con mái đang trong thời kỳ sinh sản. Thông thường, đà điểu sinh sản từ tháng 12 năm nay đến giữa tháng 10 năm sau. Mỗi con đẻ khoảng 10 trứng thì nghỉ khoảng 10 ngày rồi đẻ lại. Trung bình mỗi năm 1 con đà điểu đẻ chừng 50 đến 100 trứng. Đà điểu thường đẻ vào buổi chiều nên đó cũng là thời gian công nhân bận rộn nhất. “Đỡ đẻ cho đà điểu là công việc cực kỳ quan trọng. Nhân viên phải cần mẫn, chịu khó và có tâm với nghề; phải thường xuyên tiếp xúc mới hiểu được tâm sinh lý của mỗi con, từ đó có biện pháp phù hợp mỗi khi con mái khó đẻ hoặc giở chứng”, ông Huỳnh Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm Giống đà điểu Khatoco cho hay.

 

1
Sau khi lau chùi sạch sẽ, trứng đà điểu được ghi chép cẩn thận


Được biết, đà điểu trưởng thành được đeo thẻ bài trên cổ để ghi dòng dõi phát triển, còn mỗi quả trứng sau khi được lau chùi cẩn thận cũng được ghi thông tin phối từ bố - mẹ nào trước khi đem vào máy ấp. Theo tài liệu khoa học, đà điểu có thể sinh sản liên tục trong vòng 20 năm. Trung tâm Giống đà điểu Khatoco mới hoạt động được 11 năm nhưng hàng năm đều loại những con đà điểu mái bệnh tật hoặc có tật xấu “đẻ đứng”. Những con đà điểu mái bị thải được chuyển qua sản xuất thịt thương phẩm; da đà điểu dùng để sản xuất hàng mỹ nghệ như: túi xách, ví, dây nịt...


Văn Kỳ