08:02, 14/02/2013

Những con người bình dị ở Trường Sa

Ở Trường Sa không chỉ có những người lính kiên cường trước sóng gió mà còn có những con người rất đỗi bình dị…

Ở Trường Sa không chỉ có những người lính kiên cường trước sóng gió mà còn có những con người rất đỗi bình dị…

"Điêu khắc gia" bất đắc dĩ

Đã 1 năm kể từ cái ngày lần đầu tôi được đến Trường Sa. Khi ấy, đất liền đã se sắt vào xuân, còn nơi đây biển trời vẫn mịt mù chìm trong tâm bão. Cả Trường Sa gầm gào sóng lớn, tung bọt trắng xóa. Gió giật liên hồi, những cây bàng quả vuông nghiêng ngả như muốn bật gốc. Không thể sang các đảo, cánh phóng viên bèn xuống các đơn vị uống trà, tán dóc. Đang lúc trà dư tửu hậu, một phóng viên trẻ thốt lên: “Cụ” nào làm pa-nô, áp-phích mà trông hoành tráng thế nhỉ?”. Lập tức, vài người hóm hỉnh trả lời: “Hậu “khờ” điêu khắc đấy”. Hỏi ra mới biết, Đại úy Hoàng Đình Hậu (quê Khánh Hòa) biên chế thuộc Lữ đoàn 146 trên đất liền, nhưng anh xin ra Trường Sa. Năm ấy, anh đã sang tuổi 46 nhưng lấy vợ muộn nên con gái mới lên 3. Thấy chồng quyết tâm, vợ anh chỉ biết động viên chồng cố gắng giữ gìn sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở trong quân ngũ đã 27 năm, nhưng chỉ khi đến với Trường Sa Lớn, anh mới “phát tiết” năng khiếu kẻ, vẽ.

Những ngày đầu lên đảo, anh được chỉ huy đơn vị phân công làm nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật vũ khí trang bị. Thời gian rảnh rỗi, anh Hậu đi loanh quanh ngắm đảo. Chính trong những lúc đó, anh nhận ra các tấm pa-nô, áp-phích làm bằng tôn mới sơn được vài ngày đã hoen rỉ vì nước biển. Anh tự hỏi tại sao mình không đắp và kẻ vẽ bằng bê tông. Nghĩ rồi, anh xin ý kiến và được Đảo trưởng nhất trí. Tuy từ bé đến lớn anh chưa từng kinh qua thợ nề hay làm kẻ vẽ, nhưng anh vẫn mạnh dạn làm, ban đầu ngượng tay, dần dà, “trăm hay không bằng tay quen”, anh làm hết tấm pa-nô này đến tấm áp-phích khác, cái nào cũng bền chắc, sinh động. Thị trấn Trường Sa ngày càng khang trang, đẹp đẽ cũng phần nào nhờ đôi bàn tay khéo léo của anh.

“Anh nuôi” mát tay

Cảm phục anh Hậu bao nhiêu, chúng tôi lại ngỡ ngàng bấy nhiêu trước binh nhất Cao Trọng Vị (sinh năm 1991, quê Nghệ An). Lần đầu tôi gặp Vị là khi anh đang tất tả lùa đàn heo đi chăn, quần ống cao ống thấp. Tuy đời sống của bộ đội ở đảo đã khá hơn rất nhiều nhưng rau xanh vẫn chưa thể thoải mái như ở đất liền. Chính vì vậy, đều đặn ngày 2 buổi, anh Vị lùa heo đi ăn... cỏ thay rau. Vị biên chế về Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân tháng 12-2010. Ngày xách ba lô lên tàu ra đảo, anh vừa mừng vừa lo. Lo vì xa đất liền, xa nhà; nhưng mừng vì sắp được biết Trường Sa. Được phân về tổ chiến sĩ nuôi quân, Vị nhanh chóng thạo việc chăn nuôi gia súc và được giao phụ trách mảng này. Ngày 3 lần Vị kéo xe bò đi lấy nước gạo, cơm canh thừa ở các tổ đội rồi gom về cho heo ăn. Chẳng biết cậu lính trẻ huấn luyện thế nào mà hễ nghe anh gõ kẻng, gần trăm con heo thả rông từ khắp nơi đã ủn ỉn chạy về, tập trung đầy đủ trước cửa chuồng. Ngay cả những chú heo vừa mang từ đất liền ra đảo, chưa quen với khí hậu khắc nghiệt, nhưng qua tay Vị là đâu vào đấy. Đàn heo từ chỗ chỉ có 20 con, đã sinh sôi nảy nở thành 75 con... Đặc biệt, Vị còn có tài nhớ rõ đặc điểm của từng con heo. Con nào đưa từ đất liền ra, ra ngày nào hay sinh tại đảo, tất cả đều nằm trong bộ nhớ của chàng trai xứ Nghệ. Tôi thử chỉ tay vào con heo bất kỳ, Vị vanh vách ngay đặc tính, tốc độ tăng trưởng cũng như thời gian chú heo đó có mặt ở đảo. Thượng tá Phạm Văn Trung, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn nhận định: "Chăn nuôi đàn heo, đàn gà, nghe có vẻ bình thường nhưng đó cũng là nhiệm vụ quan trọng của bộ đội, nhất là ở đảo. Có chăn nuôi, trồng trọt, đời sống cán bộ chiến sĩ mới được cải thiện. Quân có no, có khỏe thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Nghệ sĩ canh đèn

Những ai từng đến đảo An Bang hẳn sẽ khó quên Trưởng trạm hải đăng Nguyễn Văn Thu (quê Hải Phòng). Ông có mái tóc và phong cách ăn mặc rất nghệ sĩ. Khi mới đặt chân lên đảo, không ít người trong cánh phóng viên nhầm tưởng ông là nhạc công hoặc nhà văn, nhà thơ. Đã bước sang tuổi 57 nhưng cứ có ông ở đâu là ở đó rôm rả tiếng cười. Những ngày ở An Bang, chúng tôi cũng được nghe ông hát và kể hàng tá chuyện tiếu lâm. Trong 31 năm canh đèn biển, có đến 19 năm ông ở Trường Sa. Ông cũng chính là người tiếp quản đầu tiên các trạm hải đăng tại Trường Sa. Bước chân ông đã đi qua các đảo Song Tử, Trường Sa Lớn, Đá Lát, Đá Tây và An Bang. Hôm chia tay chúng tôi, ông tâm sự: “Ra đảo, xa đất liền, xa người thân, đằng đẵng sống bên những cây đèn nằm khuất góc biển Đông, không gian chật hẹp khiến con người dễ chùn bước. Song, sóng nước Trường Sa lại cho con người thêm can trường và khắc sâu tình yêu biển đảo quê hương. Tôi nguyện gắn đời mình với những ngọn hải đăng nơi đây”...

Đất trời đã vào xuân, tôi lại thấy nhớ những con người bình dị nơi biên đảo. Các anh là những người góp phần để Trường Sa mãi trường tồn cùng đất nước.

ĐÌNH LÂM