05:05, 03/05/2018

Mua hàng online và những bất cập

Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.730 tài khoản bán hàng qua mạng, trong đó hơn 80% số tài khoản tại TP. Nha Trang. Việc mua bán online (trực tuyến) đã trở nên dễ dàng đối với nhiều người. Với người tiêu dùng, dịch vụ mua hàng trực tuyến là lựa chọn tối ưu để tiết kiệm thời gian mua sắm. 

Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 6.730 tài khoản bán hàng qua mạng, trong đó hơn 80% số tài khoản tại TP. Nha Trang. Việc mua bán online (trực tuyến) đã trở nên dễ dàng đối với nhiều người. Với người tiêu dùng, dịch vụ mua hàng trực tuyến là lựa chọn tối ưu để tiết kiệm thời gian mua sắm. Tuy nhiên, bên cạnh mặt được, mặt trái của mua hàng online cũng không ít, trong đó quan trọng nhất là chất lượng hàng hóa.


Người viết đã từng vài lần đặt mua hàng qua mạng xã hội nhưng khi nhận được hàng thì chất lượng hoàn toàn không giống với hình ảnh, lời quảng cáo. Một lần là cái váy rộng thùng thình cho người 60kg chứ không phải người 45kg như lúc đặt hàng, dù trước đó đã nói rõ những thông tin như: chiều cao, cân nặng và size; lần khác thì đặt mua cái mũ cho bé gái 3 tuổi nhưng khi nhận được sản phẩm chỉ vừa cho bé 7 tháng. Nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người viết cũng không dưới một lần rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi nhận hàng đặt mua qua mạng xã hội. Dù các địa chỉ facebook, bán hàng trực tuyến đều quảng cáo “cam đoan sản phẩm đúng như hình”, “bao đổi, trả, hoàn tiền nếu sản phẩm không đúng chất lượng” nhưng mấy ai khi đã nhận hàng mà đổi trả được hàng?

 


Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết, năm qua, hội nhận và giải quyết gần chục đơn thư phản ánh về việc mua bán hàng qua mạng với nội dung chủ yếu là chất lượng sản phẩm hàng hóa không đúng với lời quảng cáo, hàng bị lỗi… Trong đó có trường hợp giao sản phẩm lỗi, người mua phải đổi trả đến 4 lần mới nhận được đúng sản phẩm đặt mua. Tuy nhiên, đó chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế phát sinh khi mua hàng online, bởi người dân thường e ngại khiếu kiện nên đa số đều bỏ qua. Chỉ khi nào các trang mạng, địa chỉ facebook gây bức xúc hoặc giá trị món hàng tương đối lớn thì người tiêu dùng mới lên tiếng khiếu nại. Hội cũng chỉ giải quyết được những vụ việc có địa chỉ cụ thể; còn rất nhiều vụ việc khi người tiêu dùng phản ánh, hội không tìm được địa chỉ hoặc bài viết bán hàng đã bị xóa.


Có thể nói, chất lượng hàng hóa của các địa chỉ bán hàng qua facebook, trang web đang bị bỏ ngỏ. Làm thế nào để quản lý được vấn đề này đang là bài toán khó đối với cơ quan chức năng. Thời gian qua, các ngành chức năng, đặc biệt là ngành Thuế đã nỗ lực quản lý hoạt động bán hàng online khi đưa ra thông báo về việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với loại hình mua bán này. Tuy nhiên, theo ngành Thuế, việc thu thuế bán hàng qua mạng rất phức tạp và khó khăn, trong đó điều quan trọng nhất là khó nắm được doanh thu thực sự của người bán. Hoạt động mua bán hàng hóa trên mạng diễn ra trên toàn quốc. Những tài khoản bán hàng qua mạng nhiều khi không có kho hàng mà chỉ có mối hàng, sau đó họ đăng quảng cáo sản phẩm, khi có người mua thì liên hệ trực tiếp mối hàng chuyển cho khách. Hình thức nhận hàng - trả tiền mặt thông qua các dịch vụ chuyển phát, gửi hàng thay vì trả qua tài khoản ngân hàng, không có hóa đơn cũng khiến việc xác định doanh thu gặp khó. Ngoài ra, việc quản lý tài khoản bán hàng qua mạng cũng gặp khó do người bán không đăng ký địa chỉ cụ thể, lấy tên ảo…


Ngoài vấn đề chất lượng, hình thức mua bán trực tuyến hiện nay còn nhiều bất cập như: lợi dụng, cắt ghép hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm; công khai rao bán những lĩnh vực bị Nhà nước cấm (rao bán tiền giả, bằng cấp giả)… Vì vậy, để hình thức mua bán trực tuyến thật sự là kênh mua sắm hữu ích, rất cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cơ quan quản lý.


M.HOÀNG