11:04, 19/04/2018

Quản lý du lịch

Theo báo cáo của UBND tỉnh, quý I/2018, doanh thu du lịch trên địa bàn đạt 4.531 tỷ đồng, tăng 33% so cùng kỳ; lượt khách lưu trú, ngày khách lưu trú tăng lần lượt 22,5% và 34%, trong đó, lượt khách quốc tế và ngày khách quốc tế tăng lần lượt 52% và 62%.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, quý I/2018, doanh thu du lịch trên địa bàn đạt 4.531 tỷ đồng, tăng 33% so cùng kỳ; lượt khách lưu trú, ngày khách lưu trú tăng lần lượt 22,5% và 34%, trong đó, lượt khách quốc tế và ngày khách quốc tế tăng lần lượt 52% và 62%.


Những con số trên cho thấy, ngành Du lịch đang có mức tăng trưởng rất cao. Ấy là điều rất mừng. Song, thực tế cho thấy, hãy còn rất nhiều việc phải làm, để du lịch phát triển đúng định hướng, một mặt đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, mặt khác bảo đảm an ninh quốc gia.


Một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là công tác quản lý nhà nước, quản lý các hoạt động du lịch. Bởi trên thực tế, công tác này còn nhiều hạn chế, bất cập.


Trước hết, nguồn nhân lực quản lý nhà nước về du lịch hiện đang rất khó khăn cả về số lượng lẫn chất lượng, nhất là ở các cơ quan chuyên môn, xã, phường. Phần lớn trong số họ đang phải hoạt động kiêm nhiệm, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau trong khi việc bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch còn rất ít. Vì vậy, có nhiều ý kiến đề xuất cần xây dựng chính sách bán chuyên trách đối với công chức làm quản lý hoạt động du lịch.


Vấn đề con người đã khó rồi, cơ chế, sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các ban, ngành cấp tỉnh với thành phố là một vướng mắc lớn. Đơn cử như do thiếu đồng bộ nên việc kiểm soát, thống kê số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, quốc tế, đại lý lữ hành, cũng như việc nắm bắt hạng sao của các cơ sở lưu trú trên địa bàn hiện đang rất khó khăn.


Năm 2018, ngành Du lịch tổ chức 14 đợt thanh, kiểm tra tại 96 doanh nghiệp. Qua kiểm tra, phát hiện một số cá nhân là người nước ngoài hoạt động không có giấy phép lao động; khai không đúng sự thật để được cấp thị thực Việt Nam. Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng phát hiện một số điểm kinh doanh chuyên bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc bán một số mặt hàng không có trong danh mục đăng ký, không niêm yết giá hoặc niêm yết giá quá cao so với giá thị trường. Tuy nhiên, có thể thấy, số lượt kiểm tra, số doanh nghiệp hoạt động du lịch được kiểm tra như vậy là quá thấp so với thực tiễn hoạt động của ngành Du lịch.


Có hay không hoạt động du lịch “chui”? Theo ngành Du lịch, hiện chưa phát hiện được, mới chỉ xử phạt một số trường hợp hướng dẫn viên, người lao động nước ngoài lao động không phép. Thế nhưng, Công an tỉnh cho biết, hiện đang củng cố hồ sơ để xử lý một nhóm 7 người quốc tịch Trung Quốc về hành vi hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành trái phép. Theo lời khai, nhóm người này hoạt động đã lâu. Những trường hợp này phải xử lý thật mạnh tay.


Hiện nay dư luận thông tin có nhiều địa điểm du khách nước ngoài tập trung rất đông, không cho người Việt vào; du khách nước ngoài lân la nhờ người Việt đứng tên mua đất, mua nhà. Câu chuyện này cần sớm điều tra xác minh để có hướng xử lý kịp thời.


Nhằm tạo hành lang pháp lý để có sự phối hợp tốt hơn, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tham mưu xây dựng một số quy chế về quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành; phối hợp liên ngành trong kiểm tra; phối hợp cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch...


Công tác quản lý nhà nước phải theo sát, theo kịp thực tiễn. Muốn vậy, công tác thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện đúng mức, đúng tầm.


PHONG NGUYÊN