04:03, 05/03/2018

Thiên thần sáng!

Những ngày qua câu chuyện về bé Hải An đã làm lay động triệu con tim. Mới 7 tuổi, Hải An mắc phải một căn bệnh ung thư hiếm gặp ở trẻ em. Biết khó qua khỏi, cháu và gia đình quyết định hiến mô tạng. Tuy nhiên, do còn quá nhỏ nên Hải An chỉ có thể hiến giác mạc.

Những ngày qua câu chuyện về bé Hải An đã làm lay động triệu con tim. Mới 7 tuổi, Hải An mắc phải một căn bệnh ung thư hiếm gặp ở trẻ em. Biết khó qua khỏi, cháu và gia đình quyết định hiến mô tạng. Tuy nhiên, do còn quá nhỏ nên Hải An chỉ có thể hiến giác mạc.


Ngày 26-2, chỉ 4 ngày sau khi cháu Hải An qua đời, các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương đã thực hiện ca ghép giác mạc thành công cho hai bệnh nhân từ giác mạc của Hải An đã hiến. Giác mạc của cháu Hải An có tế bào nội mô tốt, trong nên mắt của hai bệnh nhân có chuyển biến rất tốt. Hai bệnh nhân này đã nhiều năm sống trong bóng tối, Hải An đã đưa họ tới nguồn ánh sáng của cuộc sống. Thật trân quý biết dường nào! Có lẽ, bởi chính vì vậy nên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trong lời tri ân gửi đến “con gái nhỏ Hải An” xúc động nói: Món quà này thực sự là một viên ngọc sáng giữa đời!


Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi bác sĩ đến nhận giác mạc của cháu Hải An. Mẹ Hải An âu yếm nói cùng con: “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé!”, rồi hôn lên trán cháu. Có mấy người mẹ làm nổi điều ấy? Nghị lực lắm! Bản lĩnh lắm! Nghe cảm kích vô cùng!


Câu chuyện Hải An đã thôi thúc rất nhiều người đến Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tạng. Chỉ trong mấy ngày qua, đã có hơn 160 người đến đăng ký hiến tặng mô, tạng, số lượng gấp hàng chục lần so với những ngày trước đó. Có thể nói, ấy là hiệu ứng Hải An, được chăng?


Sau 20 năm kể từ ngày tiến hành ca ghép tạng đầu tiên đến nay, chuyên ngành ghép tạng Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, có thực tế đau xót là hiện nay có tới hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày; chờ đợi có tạng để ghép từ nguồn hiến tặng mô, tạng quốc gia. Đơn cử như cả nước có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trong đó có hơn 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc. Nguồn mô, tạng có từ hiến tặng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu ghép cho bệnh nhân.


Thực tế, từ năm 2006, Quốc hội đã ban hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Như vậy là chúng ta đã có một hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác tương đối hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho ngành ghép tạng Việt Nam phát triển.


Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, bên cạnh việc tăng cường công tác thông tin, truyền thông đủ sức thay đổi nhận thức, hành vi của người dân để họ có thể tình nguyện hiến tặng hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não, chúng ta cần phải giải quyết một số vướng mắc về: quyền lợi, chế độ người hiến tặng mô, tạng liên quan đến chế độ bảo hiểm y tế; hình thức đăng ký hiến tặng mô, tạng; vấn đề kiểm tra sức khỏe và cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng...


Câu chuyện Hải An đang thổi bùng lên một ngọn lửa thiêu đốt mọi định kiến, trở lực; thắp sáng nhân văn để mọi người trong xã hội cùng chia sẻ những nỗi đau bệnh tật của người bệnh. Hải An thật sự là một thiên thần nhỏ, trao truyền một thông điệp đầy nhân văn về câu chuyện nhận, cho. Cho đi, để còn mãi mãi.


PHONG NGUYÊN