04:07, 24/07/2017

Những câu hỏi

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh mới đây, ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đặt ra nhiều câu hỏi khi nghe báo cáo phân tích, đánh giá các chỉ số PCI của tỉnh năm 2016.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh mới đây, ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đặt ra nhiều câu hỏi khi nghe báo cáo phân tích, đánh giá các chỉ số PCI của tỉnh năm 2016. Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, điểm số của Khánh Hòa đạt 59,59 điểm, tăng 0,9 điểm so với năm 2015 và xếp hạng 24/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2015. So với khu vực duyên hải miền Trung, Khánh Hòa xếp hạng 5/12, tăng 1 bậc so với năm 2015. Tăng hạng là một tín hiệu tốt, phản ánh nỗ lực của tỉnh trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Câu hỏi đầu tiên của chủ tịch tỉnh là, tại sao đã nỗ lực nhưng thứ hạng chưa cao, vậy vướng mắc chỗ nào, khâu nào?


Kết quả khảo sát cũng cho thấy, doanh nghiệp (DN) đánh giá về chất lượng phục vụ và điều hành kinh tế, môi trường kinh doanh của tỉnh còn một số mặt chưa tốt, thể hiện ở các lĩnh vực có chỉ số thành phần tụt giảm điểm số và thứ hạng như: chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số minh bạch, gia nhập thị trường, chi phí không chính thức… Chẳng hạn như về chỉ số gia nhập thị trường, DN cho biết thời gian thực hiện thủ tục đăng ký DN trung bình tại Khánh Hòa là 7 ngày; thời gian DN chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 45 ngày (trong khi đó ở Phú Yên chỉ 17,5 ngày; Quảng Ngãi 15 ngày). Ngay lập tức, Chủ tịch tỉnh đặt câu hỏi tại sao các tỉnh khác làm được mà Khánh Hòa không làm được? Quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 10 ngày nhưng không bao giờ thực hiện được, vì sao? Chủ tịch tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư phải khắc phục, rút ngắn thời gian đăng ký DN trung bình là 5 ngày; nếu năm sau vẫn còn 7 ngày thì sở phải chịu trách nhiệm. Tương tự, Chủ tịch tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên - Môi trường rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xuống còn 25 ngày; đồng thời phải kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định này.


Về chỉ số minh bạch, Khánh Hòa xếp thứ 41/63 tỉnh, thành, giảm 15 bậc so với năm 2015. Theo kết quả khảo sát, có đến 72,5% DN cho rằng cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh; 44,94% DN cho rằng thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh. Về chỉ số chi phí không chính thức, có 68,82% DN cho rằng họ thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; 66,67% DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến… Chủ tịch tỉnh tỏ ra không hài lòng, ông lại đặt tiếp câu hỏi: Vì sao các DN phải cần có “mối quan hệ” mới có được thông tin, trong khi chúng ta đang nỗ lực minh bạch, vậy minh bạch nhưng có dễ hiểu không hay muốn hiểu được các thông tin đó, DN phải nhờ đến các mối quan hệ khác? Tại sao vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, trong khi lãnh đạo ngành khẳng định không có nhưng DN vẫn nói có, vậy giải pháp gì để chấn chỉnh mạnh hơn tình trạng này?


Cùng với những câu hỏi tại sao đặt ra cho các sở, ngành, Chủ tịch tỉnh cũng có những động thái hết sức quyết liệt khi nêu rõ, cần phải xác định những địa chỉ cụ thể để phân công rõ ràng và quy trách nhiệm, không thể nói chung chung, vì cứ nói chung chung thì cuộc họp năm sau lại vẫn nghe tiếp điệp khúc “còn nhiều tồn tại, hạn chế, sẽ khắc phục”. Khi chúng ta đang nỗ lực hướng đến chính quyền kiến tạo thì nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhà nước là ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật và đặc biệt là kịp thời phản ứng chính sách, tạo điều kiện cho DN và người dân làm việc, sáng tạo theo khả năng, được bảo hộ pháp lý, khơi dậy tiềm năng, trí tuệ để phát triển. Trong khi đó, hướng đến trách nhiệm và giải trình thì sự hài lòng của người dân, DN chính là thước đo hiệu quả nhất để đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công và công tác cải cách hành chính.


Những câu hỏi tại sao và những động thái quyết liệt của Chủ tịch tỉnh một lần nữa cho thấy, đã đến lúc cần phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong cải cách hành chính. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần tập trung nâng cao năng lực, kỷ luật, đạo đức và thái độ thực thi pháp luật, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đó chính là khâu then chốt của cải cách hành chính.


HẢI NGUYỆT