11:04, 06/04/2017

Chuyện "trồng người" ở miền núi

Mới đây, HĐND tỉnh Khánh Hòa tổ chức giám sát công tác giáo dục tại các địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Mới đây, HĐND tỉnh Khánh Hòa tổ chức giám sát công tác giáo dục tại các địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh. Việc làm này thể hiện mối quan tâm đặc biệt sâu sắc của tỉnh tới công tác chăm lo phát triển thế hệ trẻ miền núi, vùng đồng bào DTTS.


Lâu nay, Khánh Hòa được đánh giá là một trong số rất ít địa phương có nhiều cố gắng và đã thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ trong công tác giáo dục,  đào tạo học sinh, sinh viên (HS-SV) miền núi.


Đơn cử, từ năm học 2016 - 2017, tất cả các trường mầm non của hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã tổ chức đầy đủ bữa ăn trưa cho trẻ người DTTS từ 3 đến 5 tuổi với mức 290.000 đồng/tháng/trẻ. Bên cạnh những chế độ, chính sách chung của Đảng và Nhà nước, Khánh Hòa đã linh động và sáng tạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp hiệu quả giúp HS-SV miền núi được ăn học tới nơi, tới chốn. Không có nhiều địa phương trên cả nước làm được điều này.


Chỉ tính riêng năm 2016, Khánh Hòa chi hơn 2 tỷ đồng thực hiện chế độ chính sách, hỗ trợ HS-SV con em đồng bào DTTS. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Sơn Nguyễn Tấn Lâm, nhờ đó, thời gian gần đây, giáo dục Khánh Sơn đã có bước phát triển khá tốt, tiêu biểu là sĩ số học sinh được giữ ổn định; số học sinh bỏ học giảm hẳn; chất lượng học tập có chuyển biến. Theo thống kê, năm học 2016 - 2017, Khánh hòa có 392 HS-SV người DTTS theo học tại 38 trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trên cả nước. Trong đó, đại học chiếm 24%; cao đẳng 54,6%, trung cấp 21,4%. Rất mừng, chất lượng HS-SV đồng bào DTTS Khánh Hòa từng bước nâng lên. Đây là nguồn nhân lực tiềm năng cho miền núi, vùng đồng bào DTTS; bởi các em có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều so với cán bộ từ dưới xuôi lên công tác.


Có thể nói, nhờ thực hiện tốt hàng loạt chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; chính sách về phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục; chính sách đối với trẻ em, học sinh… giáo dục miền núi Khánh Hòa đã có những bước chuyển khá rõ nét. Đơn cử như ở Khánh Sơn, đến nay, ở các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, khối phòng học đã đáp ứng được từ 90% đến 100% nhu cầu. Đặc biệt, tại 2 xã vùng đặc biệt khó khăn là Thành Sơn và Ba Cụm Nam đều đã có cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Đáng quý lắm!


Cố gắng là vậy, nhưng những người có trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục miền núi hãy còn băn khoăn khá nhiều điều. Đơn cử như ở Khánh Sơn, hiện mới có 4/22 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ... 18,2%. Do đó, đầu tư xây dựng để có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia hơn nữa đang là việc cần hết sức quan tâm, trong đó có vấn đề đất đai - một câu chuyện không quá khó so với các trường ở đồng bằng, thành phố. Mong rằng, câu chuyện này sẽ được giải quyết rốt ráo hơn.


Còn nhớ, có lần gặp gỡ con em HS-SV đồng bào DTTS, sau khi khen thưởng HS-SV khá giỏi, đồng chí Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành và đoàn thể tiếp tục quan tâm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS để các em lựa chọn được ngành học, nghề nghiệp phù hợp, theo hướng tiếp tục tăng dần số lượng HS-SV theo học các ngành nông - lâm nghiệp. Rõ ràng, nếu thiếu quan tâm, thiếu tình yêu thương chân thành sẽ khó lòng có sự chia sẻ sâu sắc, nhiều trách nhiệm như vậy.


PHONG NGUYÊN