08:10, 11/10/2016

Thái quá và hậu họa

Trong những ngày này, trên mạng đang sôi sục lan truyền về 2 thông tin của Khánh Hòa: cô bé do thách đố trên facebook mà đốt trường ở Ninh Hòa và cơ quan An ninh bắt tạm giam blogger Mẹ Nấm.

Trong những ngày này, trên mạng đang sôi sục lan truyền về 2 thông tin của Khánh Hòa: cô bé do thách đố trên facebook mà đốt trường ở Ninh Hòa và cơ quan An ninh bắt tạm giam blogger Mẹ Nấm.


Ở câu chuyện thứ nhất, người bình thường sẽ không thể hiểu nổi tại sao cô bé 13 tuổi, chỉ vì câu đùa trên facebook rằng nếu đủ 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường. Chỉ cư dân mạng là thấy quen thuộc, bởi gần đây trên mạng đang bùng phát phong trào “nói là làm” với chiêu trò… không thể tin: đủ 10.000 like sẽ cởi áo, đủ 1.000 like sẽ “dạy” ai đó bài học… và đủ thứ vớ vẩn khác.


Mạng xã hội facebook xuất hiện từ năm 2004, khi vào Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một thứ gây nghiện với rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Một hình ảnh đã trở thành quen thuộc khi nhóm bạn vào quán ăn, kêu món xong còn chụp hình, post hình lên mạng chán chê rồi mới vào cuộc. Hoặc sáng Chủ nhật, một gia đình vào quán cà phê, vợ chồng mỗi người mỗi điện thoại cắm cúi vào mạng, 2 con nhỏ mỗi đứa chiếc iPad cũng chăm chú vào màn hình suốt buổi, không ai nói với ai một lời (!)


Tuổi trẻ bây giờ có rất nhiều người không thể thiếu mạng xã hội dù chỉ một giờ. Cái gì cũng chia sẻ, hình ảnh nào cũng muốn được cộng đồng mạng quan tâm. Tuổi trẻ hiếu kỳ, mạng xã hội với vô số bạn ảo đã kích thích, khuyến khích những mong muốn nhiều khi điên rồ nhất của mỗi cá nhân. Hơn 1.000 người bấm nút like kia cho cô bé ở Ninh Hòa, có mấy người thực sự quen biết cô bé ngoài đời? Việc sống với mạng ảo đến mức này đã trở thành một chứng bệnh mất rồi.


Có mấy bậc cha mẹ do bận rộn làm ăn đã quan tâm xem con mình dành thời gian bao nhiêu cho chiếc điện thoại trên tay? Chỉ đến khi hậu quả xảy ra mới giật mình hoảng hốt. May mà hậu quả thực xảy ra với cô bé không đến nỗi nghiêm trọng lắm, cô bé chỉ phỏng nhẹ, nếu không người lớn và chính cô bé sẽ ân hận đến đâu?


Câu chuyện thứ hai lại là chuyện hoàn toàn khác. Nhận rõ tính ưu việt của mạng xã hội về tính tương tác, sự cập nhật và chia sẻ tin tức nhanh chóng, có người đã dùng mạng này làm phương tiện truyền tải quan điểm, nhận thức của mình với xã hội. Tài khoản facebook của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) là trường hợp này. Trên facebook cá nhân, người này thường xuyên đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Trên địa bàn tỉnh còn nhiều facebook khác cũng tương tự như của Mẹ Nấm!


Khi làm những điều này, họ quên một điều là việc tự do múa may trên bàn phím, tự do đại ngôn trên mạng… muốn gì cũng không được phép vượt quá khuôn khổ của pháp luật. Ảo tưởng cuồng về “sứ mạng đấu tranh” trong thế giới mạng đã bị trả giá trong cuộc sống thật.


Mạng xã hội là một công cụ tuyệt vời để kết nối mọi người với nhau. Vấn đề là người sử dụng nó như thế nào, vào mục đích gì mà thôi. Các cụ có câu “thái quá bất cập”, đi quá giới hạn sẽ sinh chuyện, việc sống với mạng đến mức cuồng si như vậy, hậu quả sẽ đến ngay nhãn tiền.


THỦY NGÂN