09:10, 09/10/2016

Chủ động giảm nhẹ thiên tai

Ngày 13-10 hàng năm là ngày Quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đây là dịp để cộng đồng xã hội nâng cao nhận thức về những biện pháp cần thiết phải áp dụng nhằm giảm thiểu các nguy cơ có thể gặp phải trong trường hợp xảy ra thiên tai.

Ngày 13-10 hàng năm là ngày Quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đây là dịp để cộng đồng xã hội nâng cao nhận thức về những biện pháp cần thiết phải áp dụng nhằm giảm thiểu các nguy cơ có thể gặp phải trong trường hợp xảy ra thiên tai. Đại hội đồng Liên hợp quốc khuyến khích mọi công dân và chính phủ các nước tham gia xây dựng cộng đồng và đất nước có khả năng chống chọi thiên tai, chủ động ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.


Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai cũng như chương trình hành động, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, diễn biến bất thường của thời tiết vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Chỉ tính riêng từ đầu vụ đông xuân 2015 - 2016 đến vụ hè thu, tổng thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh lên hơn 90 tỷ đồng, gần 1.400ha đất nông nghiệp phải ngừng sản xuất do thiếu nước tưới, khoảng 1.150ha cây ăn quả và cây công nghiệp bị thiệt hại… Năm 2016, tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ hàng chục tỷ đồng để chống hạn, mua nước sinh hoạt và gạo cứu đói cho người dân.  


Những con số nói trên cho thấy, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, việc ứng phó với thiên tai là điều mà các quốc gia phải chủ động. Đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020. Tại Khánh Hòa, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 201/QĐ-UBND, ngày 21-1-2016 về việc cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020, hơn 90% cộng đồng dân cư và 100% công chức, viên chức hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu và các tác động của nó; đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ; ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến để hướng tới nền công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.


Tỉnh cũng đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng thực hiện nghiên cứu, triển khai các dự án, mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu như: xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp thoát nước, hồ thủy điện, thủy lợi; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu sản xuất ứng dụng các vật liệu mới, công nghệ mới trong xây dựng các công trình. UBND tỉnh đã đề ra danh mục 22 nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, dự kiến ngân sách địa phương dành cho một số nhiệm vụ hơn 22 tỷ đồng, kinh phí đề nghị Trung ương hỗ trợ để xây dựng các công trình quan trọng với hơn 1.783 tỷ đồng.


Trong giai đoạn này, nhiều công trình, dự án trọng điểm cần được đầu tư như: kè bờ biển phường Vĩnh Nguyên, đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang, kè hai bên bờ sông Cái tại các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang); hồ chứa nước Sông Cạn (TP Cam Ranh); đê Ninh Hà (thị xã Ninh Hòa)... Đây là những dự án cần nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ khá lớn. Ngoài kinh phí của Trung ương, tỉnh cũng phải có nguồn vốn đối ứng để thực hiện các công trình. Nguồn vốn ấy đang được tỉnh triển khai thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2020.


Hy vọng, với sự cân đối vốn hợp lý, các công trình có ý nghĩa trong việc phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, chống biến đổi khí hậu sẽ đưa vào sử dụng đúng kế hoạch, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở những khu vực thường xảy ra thiên tai; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


ĐẠI HẢI