10:07, 24/07/2016

Để nghị quyết đi vào cuộc sống

Sau 5 năm thực hiện (2011 - 2015), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đã có những khởi sắc rõ rệt; bộ mặt nông thôn nhiều nơi đã đổi mới, văn minh hơn; cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố.

Sau 5 năm thực hiện (2011 - 2015), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đã có những khởi sắc rõ rệt; bộ mặt nông thôn nhiều nơi đã đổi mới, văn minh hơn; cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố.


Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 22/94 xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 đề ra; 5/94 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, tăng 5 xã so với năm 2011; 43/94 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, tăng 39 xã so với năm 2011; 24/94 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, giảm 30 xã so với năm 2011; số tiêu chí bình quân chung của toàn tỉnh là 12,5 tiêu chí/xã, tăng 7,07 tiêu chí/xã so với năm 2011.


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: phong trào xây dựng NTM diễn ra không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh, tốc độ xây dựng NTM ở vùng miền núi, vùng khó khăn còn chậm. Các địa phương chỉ mới tập trung chủ yếu về xây dựng cơ sở hạ tầng; việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường sống chưa thật sự chuyển biến mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn đầu tư cho chương trình thấp, trong khi khả năng đóng góp của nhân dân còn hạn chế; nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và chính sách hỗ trợ còn thấp so với nhu cầu của người dân; chưa có giải pháp tích cực để huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt chưa có chính sách phù hợp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn.


Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4 đã ra Nghị quyết về Chương trình xây dựng NTM tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu cụ thể: tập trung đầu tư để có thêm 31 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020; 37/41 xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh có 54/94 xã đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí quốc gia (56,4% tổng số xã).


Để nghị quyết đi vào cuộc sống, giải pháp đưa ra là kiện toàn và củng cố hệ thống quản lý, thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên toàn tỉnh; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ được phân công theo dõi công tác xây dựng NTM; quan tâm công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về mục tiêu chương trình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ mục đích, lợi ích, cách làm, cơ chế, chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM. Bên cạnh đó, rà soát, xác định danh sách xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020 để tập trung nguồn lực thực hiện theo lộ trình đạt chuẩn đề ra; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là các xã tập trung đầu tư để có những chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Trong đó, tập trung đi sâu vào đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; giữ vững số tiêu chí đã đạt được, nhất là tiêu chí khó bền vững như: hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa và an ninh trật tự xã hội. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chính sách đổi mới, phát triển hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả; chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.


Để thực hiện thành công chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020, các ban, ngành của tỉnh cần tham mưu xây dựng chương trình hành động sát với tình hình thực tiễn của địa phương, có tính khả thi cao; kiên quyết khắc phục tình trạng sao chép, mô phỏng chương trình hành động của cấp ủy cấp trên, không bám sát tình hình nhiệm vụ của địa phương, thiếu thực tiễn, sáng tạo. Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương cũng cần xác định Chương trình xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cấp thiết, từ đó thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở, góp phần để nghị quyết đi vào cuộc sống.


CHÂU AN KHÁNH