11:06, 23/06/2016

Đóng, và... mở

Mới đây, tại hội nghị Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận: Chính phủ sẽ đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu héc-ta rừng tự nhiên còn lại cho mục đích khác, ....

Mới đây, tại hội nghị Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận: Chính phủ sẽ đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu héc-ta rừng tự nhiên còn lại cho mục đích khác, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án liên quan an ninh, quốc phòng quan trọng. Từ nay, các địa phương không được cấp phép tận thu gỗ, nhằm ngăn chặn việc lợi dụng chủ trương chuyển đổi rừng nghèo để phá rừng.


Theo số liệu của ngành nông nghiệp, rừng giao cho người dân chỉ chiếm 4%, số còn lại 96% được giao cho các tổ chức, nhưng công tác quản lý, giám sát chưa được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Nói về nguyên nhân mất rừng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, căn bản là rừng chúng ta đang vô chủ, cha chung không ai khóc. Nhiều diện tích rừng giao rồi nhưng do lực lượng mỏng, cùng với tình trạng tiêu cực, tham nhũng, bảo kê, bao che dẫn đến tình trạng mất rừng diễn ra tương đối phổ biến.


Có thể thấy, nhu cầu tiêu thụ lâm sản ngày càng cao; nhu cầu về đất canh tác của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số cũng ngày càng cao; lợi nhuận từ việc buôn bán gỗ trái phép lại quá lớn... là những nguyên nhân chính khiến các đối tượng phá rừng trái phép rất liều lĩnh, chống đối quyết liệt khi lực lượng chức năng phát hiện, xử lý vi phạm. Do đó áp lực lên công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngày càng gia tăng, nhiều lúc trở nên bức bách.


Trên địa bàn Khánh Hòa, huyện Khánh Sơn thực hiện đóng cửa rừng từ những năm 1996 - 1997. Đến năm 2014, toàn tỉnh Khánh Hòa chấm dứt hoàn toàn việc khai thác gỗ rừng tự nhiên. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn và kịp thời của tỉnh, nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của địa phương.


Vậy nhưng, rừng vẫn mất, thậm chí mất ở mức nghiêm trọng. Nguyên nhân do đâu? Có lẽ, chúng ta cần suy ngẫm thêm những ý kiến kết luận nói trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong câu chuyện này, Thủ tướng còn nói rằng: “Cây gỗ chứ có phải cây kim bỏ trong túi đâu mà giấu được!”.


Trước đây, khu vực rừng giáp ranh giữa tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Đắk Lắk, gồm huyện Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa với các huyện: M’Đrắk, Krông Bông (Đắk Lắk) là nơi các đối tượng tập trung khai thác rừng trái phép. Sau một thời gian triển khai phối hợp, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng vùng giáp ranh đã được kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả hơn trước. Đây là một trong những ví dụ sinh động về hiệu quả của sự phối hợp của nhiều địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.


Theo kế hoạch năm 2016, toàn tỉnh dự kiến trồng 380.000 cây phân tán; 651ha rừng tập trung; 216ha rừng phòng hộ và 435ha rừng sản xuất, cố gắng nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 47,5% vào năm 2020.


Đóng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên. Mở, tăng diện tích đất rừng che phủ. Cả hai nhằm hướng tới xây dựng môi trường sinh thái, phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng, tất cả đều cần những giải pháp thật sự quyết liệt, hiệu quả.


PHONG NGUYÊN