11:05, 23/05/2018

Quốc hội thảo luận Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Ngày 23-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Ngày 23-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu, QH họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc của Ủy ban Thường vụ QH. Theo đó, dự thảo luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung về quy hoạch, các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, các nội dung về phân cấp, phân quyền cho chính quyền đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh cùng nhiều nội dung khác nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Sau khi chỉnh lý, dự thảo luật gồm 6 Chương, 85 Điều và 6 Phụ lục, kèm theo dự thảo nghị quyết về việc thi hành luật.


Về ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu, tiếp thu ý kiến các đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo bổ sung trong dự thảo luật một số ngành, nghề: sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong; đồng thời, điều chỉnh quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino, dự án đầu tư cảng hàng không quốc tế.


Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu cũng được chỉnh lý quy định 131 ngành, nghề (tăng 23 ngành, nghề so với dự thảo luật đã trình QH tại kỳ họp 4). Đối với quy định về thủ tục đầu tư kinh doanh, dự thảo luật phân quyền mạnh mẽ việc xem xét chấp thuận dự án đầu tư cho chính quyền đặc khu; cải cách tối đa thủ tục đăng ký đầu tư theo hướng đơn giản, thuận tiện; tăng tính công khai, minh bạch nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

 

Ông Lê Xuân Thân phát biểu tại phiên thảo luận
Ông Lê Xuân Thân phát biểu tại phiên thảo luận

 

Về mô hình chính quyền địa phương đặc khu, sẽ vẫn có HĐND và UBND, song HĐND đặc khu có không quá 15 đại biểu, đa số hoạt động chuyên trách; không tổ chức Thường trực HĐND và các ban của HĐND. UBND đặc khu có trách nhiệm xây dựng để trình HĐND quyết định các vấn đề quan trọng của đặc khu; quyết định một số vấn đề về tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật. Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện hầu hết các thẩm quyền về quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại đặc khu, được phân quyền mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế với nhiều thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp trên.


Ngoài ra, dự thảo luật đã bổ sung quy định một số nguyên tắc về quyền sở hữu căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, văn phòng làm việc kết hợp lưu trú; quy định chặt chẽ hơn về phương thức ứng vốn và hoàn trả kinh phí ứng trước; chỉnh lý một số cơ chế, chính sách về tiền tệ, ngân hàng, ngoại hối, hải quan, nhập cảnh, đi lại và cư trú, chính sách đặc biệt riêng của từng đặc khu như được thể hiện trong dự thảo luật.


Tại phiên họp thảo luận, các đại biểu QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về những nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như: vấn đề về ngành nghề ưu tiên phát triển tại các đặc khu, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cơ chế chính sách ưu đãi, chính sách ưu đãi về thuế, quyền sử dụng đất, hiệu quả và lợi ích khi phát triển các đặc khu, cấp giấy phép đầu tư theo thủ tục rút gọn, về vấn đề quy hoạch, thẩm quyền của người đứng đầu đặc khu… QH cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình làm rõ một số vấn đề có liên quan.


Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị xem xét về Thường trực HĐND đặc khu. 15 vị đại biểu của HĐND đặc khu mỗi năm chỉ họp 2 đến 4 lần theo quy định, vậy cơ quan giúp việc cho HĐND để giám sát quyết định những vấn đề liên quan tới các chính sách cơ động của đặc khu phải làm việc và cần có bộ máy thường trực. Thực tế Thường trực HĐND, Thường trực các Ủy ban của QH thực hiện rất hiệu quả các nội dung liên quan để thực hiện nhiệm vụ QH và HĐND. Vì vậy, nên thiết kế có Thường trực HĐND đặc khu. Chủ tịch, Phó chủ tịch là đại biểu Hội đồng chuyên trách tạo thành thường trực. Thống nhất với cơ chế Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu ra, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo giới thiệu của Chủ tịch UBND tỉnh và được sự phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành.


Ông  Lê Xuân Thân cũng kiến nghị: “Về thời hạn sử dụng đất để sản xuất kinh doanh. Lần trước chúng ta thiết kế đặc khu có quyền sử dụng đất trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp và cá nhân với thời hạn 70 năm và 99 năm. Lần này đã có sự cân nhắc và tiếp thu ý kiến đại biểu QH cho nên chỉ đặt vấn đề 99 năm đối với những trường hợp thật đặc biệt và quy trình này phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định một cách thận trọng. Như vậy, tôi thấy rất phù hợp với cơ chế mới để chúng ta thúc đẩy việc đầu tư. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên rà soát kỹ lại và quan tâm các quy định về thủ tục hành chính, sao cho gọn nhẹ, nhanh nhưng quản lý Nhà nước một cách hiệu quả. Vấn đề cuối cùng liên quan tới đặc khu Bắc Vân Phong, cho tới giờ này thì Khánh Hòa cùng với các bộ, ngành Trung ương đã chuẩn bị đầy đủ và tất cả các nội dung liên quan đã trình và đang chờ ý kiến và chờ việc thảo luận hôm nay cũng như ngày 15-6 theo chương trình kỳ họp thì sẽ thông qua luật này. Tuy nhiên những ngành nghề ưu đãi của Khánh Hòa, trong đó chúng tôi có văn bản đề nghị nhiều lần và lần này cũng tiếp tục đề nghị nên cho Bắc Vân Phong có ưu đãi ngành nghề về công nghệ cao vì đây cũng là một trong những nội dung rất cần thiết”.


T.A (Tổng hợp)