11:04, 23/04/2018

Hội nghị về xây dựng hệ thống chính trị đặc khu

Chiều 23-4, ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị trực tuyến về "Tổ chức hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt"...

Chiều 23-4, ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị trực tuyến về “Tổ chức hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” với các tỉnh: Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Ninh. Tại Khánh Hòa, các ông: Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành, huyện Vạn Ninh dự hội nghị.

 

Tại hội nghị, ông Mai Văn Chính - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương báo cáo một số vấn đề về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (Vân Đồn - Quảng Ninh, Bắc Vân Phong - Khánh Hòa, Phú Quốc - Kiên Giang). Theo đó, chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đặc biệt được xác định là một cấp chính quyền địa phương, gồm có HĐND và UBND. HĐND không quá 15 đại biểu, theo hướng đa số đại biểu hoạt động chuyên trách, không tổ chức Thường trực HĐND và các ban HĐND. UBND gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch. Trong đó, Chủ tịch UBND do HĐND bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (sau khi thống nhất với Chủ tịch UBND tỉnh) sau đó do Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Tuy nhiên, tại hội nghị, ý kiến của các đại biểu đã thống nhất Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND bầu theo giới thiệu của Chủ tịch UBND tỉnh sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bộ máy giúp việc của HĐND, UBND gồm: Văn phòng HĐND và UBND, các cơ quan chuyên môn không quá 7 cơ quan; trung tâm hành chính công, các khu hành chính của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trong đó, trung tâm hành chính công phải đảm bảo tiếp nhận tại chỗ, thẩm định tại chỗ và phê duyệt tại chỗ phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có tính đổi mới.

 

Ông Lê Thanh Quang phát biểu ý kiến.

Ông Lê Thanh Quang phát biểu ý kiến.

 

Trung ương cũng định hướng hệ thống chính trị ở các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (định hướng mô hình tổ chức đảng, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể). Trong đó, về mô hình tổ chức đảng, thành lập Đảng bộ đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đảng bộ cấp huyện trực thuộc Đảng bộ tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ từ 21 đến 27 đồng chí; Ban Thường vụ đảng ủy không quá 7 - 9 đồng chí. Trong 2 phương án đề xuất, tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất chọn phương án Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND đặc khu, 1 Phó Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND và phụ trách khối Mặt trận, 1 Phó Bí thư Đảng ủy phụ trách khối chính quyền…


Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Quang kiến nghị, các khu hành chính vẫn giữ cấp đảng bộ cơ sở của đảng bộ đặc khu dù đảng bộ này không có chính quyền cùng cấp. Về bộ máy giúp việc, kiến nghị thống nhất ở 3 đặc khu đều có chung bộ máy và tên gọi của các phòng, ban. Về cán bộ, công chức, trong quá trình sắp xếp tinh gọn theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương chắc chắn sẽ dôi ra nhiều. Vì vậy, Trung ương cần có chính sách chung cho cán bộ, công chức dôi dư ở 3 đặc khu này. Ông cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách để đào tạo cán bộ, công chức có chất lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ban, ngành nhanh chóng xây dựng các nghị định hướng dẫn phù hợp cho các đặc khu để có thể vận hành ngay, nhất là trong quá trình chuyển tiếp; có định hướng lập quy hoạch cho các đặc khu vì công tác quy hoạch có ảnh hưởng rất lớn đến việc bố trí các khu dân cư, khu quy hoạch chức năng, ảnh hưởng đến việc hình thành các khu hành chính dẫn đến hình thành tổ chức bộ máy liên quan.


Phát biểu kết luận, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Về quan điểm, nguyên tắc, bảo đảm và tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân; bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; xây dựng hệ thống chính trị gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, với xây dựng nền dân chủ XHCN và Nhà nước pháp quyền XHCN. Việc thực hiện cần bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông và giải quyết tốt các mối quan hệ: giữa kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường, định hướng XHCN; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng; giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Trong quá trình thực hiện, những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện và mở rộng dần. Những việc còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, bàn bạc để thống nhất chủ trương, giải pháp phù hợp và tổ chức thực hiện.


Về xây dựng tổ chức Đảng ở các đặc khu sẽ thành lập tương ứng với mô hình tổ chức chính quyền và các khu hành chính vẫn có cấp đảng bộ cơ sở như ý kiến của ông Lê Thanh Quang. Về xây dựng bộ máy chính quyền, cần thực hiện đúng tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu và chuẩn bị thực hiện theo hướng: đảng bộ, chính quyền cũ phải tổ chức bầu được đảng bộ, chính quyền mới theo các luật và quy định của Đảng… Về ngành nghề và chính sách ưu đãi, phải phát triển những ngành, nghề, lĩnh vực chủ đạo phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, tiềm năng, lợi thế so sánh và điều kiện thực tế của từng địa phương. Chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội phải được quy định trong luật và bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế…


NAM DU