09:09, 05/09/2017

Ý nghĩa từ một hội thi

Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn, các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn).

Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn, các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn). Triển khai vấn đề này trong quân đội, Bộ Quốc phòng đã chọn Khánh Hòa là đơn vị tổ chức hội thi, rút kinh nghiệm thực hiện tuyên truyền trong toàn quân.


Hội thi điểm


Là đơn vị làm điểm nên Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh cũng như các đội thi (Khối thi đua các huyện, thị xã, thành phố phía bắc; Khối thi đua các huyện, thành phố phía nam và Khối các đơn vị trực thuộc BCHQS tỉnh) đã tập trung chuẩn bị cho hội thi từ sớm và rất công phu. Nhờ vậy, tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng với hình thức sân khấu hóa, hội thi đã lồng ghép chuyển tải được nhiều nội dung, chương trình rất thiết thực về tuyên truyền Công ước chống tra tấn.

 

Phần thi chào hỏi của đội thi Khối các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Phần thi chào hỏi của đội thi Khối các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh


Đại úy Lê Ngọc Hải - giáo viên chính trị, Trường Quân sự tỉnh - người thể hiện thành công vai chính trị viên trong tiểu phẩm Lời thề thứ 7 tại hội thi, chia sẻ: “Hội thi này có ý nghĩa và tác động rất lớn trong việc tuyên truyền Công ước của Liên hợp quốc cũng như pháp luật Việt Nam về chống tra tấn. Đặc biệt, chỉ qua 4 phần thi (chào hỏi, kiến thức, năng khiếu, thuyết trình), với thời lượng rất ngắn nhưng được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa nên rất thu hút người xem và giúp cán bộ, chiến sĩ dễ tiếp cận hơn với các nội dung tuyên truyền”. Bạn Nguyễn Thị Thúy Hoa, sinh viên Khoa Marketing, Trường Đại học Nha Trang (đạt giải nhất phần thi thuyết trình) cũng bày tỏ: “Qua việc chuẩn bị cho hội thi này, em đã có thêm hiểu biết về Công ước của Liên hợp quốc cũng như các quy định của pháp luật Việt Nam về chống tra tấn”.


Dự và chỉ đạo hội thi, Đại tá Nguyễn Xuân Kiều, đại diện Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá: “Hội thi do BCHQS tỉnh Khánh Hòa tổ chức đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Sau hội thi này, Cục Tuyên huấn sẽ tham mưu cho Tổng cục Chính trị rút kinh nghiệm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tổ chức tuyên truyền, quán triệt công ước trong thời gian tới”.


Đẩy mạnh tuyên truyền


Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10-12-1984 và có hiệu lực thi hành từ ngày 26-6-1987. Việt Nam ký công ước trên vào ngày 7-11-2013 và chính thức trở thành thành viên thứ 158 của công ước vào ngày 7-3-2015. Từ trước khi gia nhập công ước cho đến nay, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp, cũng như các biện pháp khác để thực hiện tốt những yêu cầu công ước đặt ra, với mong muốn Việt Nam là một trong những thành viên có trách nhiệm của công ước, qua đó nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bảo vệ quyền con người, tạo ra những động lực, cơ sở mới tiếp tục thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta.


Bộ Quốc phòng cũng đã ban hành Đề án tuyên truyền, phổ biến công ước trong Quân đội giai đoạn 2016 - 2020. Từ đó đến nay, toàn quân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến công ước trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, phát hành nhiều tài liệu tuyên truyền; đưa nội dung phổ biến công ước vào kế hoạch tuyên truyền của cơ quan, đơn vị; bổ sung các nội dung phù hợp với công ước vào chương trình đào tạo trong các học viện, nhà trường quân đội… mang lại hiệu quả tích cực.


Việc đẩy mạnh tuyên truyền công ước hiện nay cũng đồng thời là cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và các quy định của pháp luật Việt Nam về chống tra tấn, bảo vệ quyền con người. Tuyên truyền, phổ biến công ước trong quân đội có ý nghĩa quan trọng, giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức và hành động, giữ nghiêm kỷ luật quân đội, góp phần đưa Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc đi vào đời sống xã hội.


THẾ ANH