11:08, 28/08/2017

Triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính: Còn nhiều vướng mắc

Thời gian qua, việc triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013), trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, quá trình thi hành cũng cho thấy một số quy định còn vướng mắc.

Thời gian qua, việc triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC - có hiệu lực từ ngày 1-7-2013), trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, quá trình thi hành cũng cho thấy một số quy định còn vướng mắc.

Kết quả bước đầu


Từ năm 2012 đến tháng 3-2017, toàn tỉnh đã tổ chức 155 buổi tập huấn nghiệp vụ xử lý VPHC với gần 6.100 lượt cán bộ, công chức tham gia; hơn 850 buổi tuyên truyền, phổ biến, thu hút gần 158.000 lượt người. Quá trình triển khai cho thấy, số vụ việc vi phạm có xu hướng tăng do sự phát triển của đời sống xã hội, sự tăng trưởng kinh tế và sự tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý VPHC của cơ quan chức năng. Vi phạm hành chính ngày càng biểu hiện đa dạng trên các mặt, trong đó, các lĩnh vực: giao thông, xây dựng, đất đai, khai thác khoáng sản và an toàn vệ sinh thực phẩm có số vi phạm tăng nhanh và mạnh. Phương thức vi phạm cũng ngày càng tinh vi. Qua gần 5 năm, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện hơn 114.000 vụ việc VPHC, trong đó, gần 113.000 vụ việc đã bị xử phạt. Có gần 360 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, trong đó, có 330 đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

 

Công tác xử phạt được tiến hành nhanh gọn, dứt điểm hơn. Trong tổng số 115.847 quyết định xử phạt VPHC đã ban hành, có 111.347 quyết định đã được thi hành, chiếm 96%. Số quyết định bị cưỡng chế thi hành chỉ chiếm 0,01%, số quyết định bị khiếu nại, khởi kiện chiếm chưa tới 0,01%. Một số quyết định chưa được thi hành chủ yếu do đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc không có việc làm ổn định, bỏ địa phương đi làm ăn xa, không có tài sản để thực hiện cưỡng chế...

 

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang kiểm tra hành chính tàu cá trước khi xuất bến

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang kiểm tra hành chính tàu cá trước khi xuất bến

 

Còn vướng mắc


Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng cho thấy một số khó khăn, vướng mắc. Đến nay, nhân sự phụ trách công tác xử lý VPHC ở Khánh Hòa chủ yếu kiêm nhiệm nên việc theo dõi thi hành pháp luật, tham mưu ban hành, phổ biến, tập huấn văn bản còn hạn chế. Toàn tỉnh hiện có 210 công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác xử lý VPHC. 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa thành lập được phòng pháp chế; hầu hết các ngành không có cán bộ pháp chế chuyên trách.


Đặc biệt, một số quy định của Luật Xử lý VPHC chưa hợp lý. Ví dụ, luật quy định xử phạt VPHC chỉ áp dụng với cá nhân, tổ chức, nhưng Nghị định số 102/2014 của Chính phủ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai lại quy định đối tượng xử phạt gồm cả hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Luật giới hạn thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm theo thẩm quyền phạt tiền, nhưng một số trường hợp rất khó xác định giá trị hàng hóa vi phạm tại thời điểm xử lý. Việc tịch thu tang vật, phương tiện VPHC cũng khó vì không có kho, bến bãi cất giữ. Thời gian tạm giữ tang vật để xác định giá trị không được quá 24 giờ, nếu kéo dài cũng không quá 24 giờ tiếp theo, nhưng với tang vật là: rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…, rất khó hoàn thành trong 48 giờ. Thời hạn 2 ngày gửi quyết định xử phạt VPHC để thi hành cũng khó đảm bảo ở lĩnh vực giao thông, bởi số quyết định xử phạt nhiều, hầu hết người vi phạm là lái xe, nơi cư trú không ổn định, ít có mặt ở địa phương; hoặc địa chỉ ghi trong giấy tờ khác địa chỉ nơi cư trú. Luật còn quy định không được tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chỉ khi VPHC thuộc trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề mới được tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, khi phạt tiền, không thể tạm giữ các giấy tờ nói trên để đảm bảo thi hành, nên có tình trạng cố tình chây ì, trốn thi hành quyết định.


Quy định giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc trong thời gian làm thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính cũng chưa khả thi. Bởi các tổ chức xã hội tại địa phương chưa đủ điều kiện quản lý đối tượng, cũng chưa có quy định về chế độ, chính sách cho người được phân công quản lý, giáo dục đối tượng tại cộng đồng. Đối với trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, luật quy định theo dõi lâm sàng 24 - 72 giờ để xác định người nghiện ma túy, nhưng chưa có văn bản quy định ngành Y tế có quyền giữ người để theo dõi. Về thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, luật quy định thuộc về chủ tịch UBND cấp xã, trong khi Nghị định số 221/2013 của Chính phủ lại quy định thẩm quyền thuộc công an cấp xã.


Trường hợp người bị xử phạt VPHC đã chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản mà quyết định xử phạt còn thời hiệu, luật quy định người đã ra quyết định xử phạt phải ra quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt VPHC trong vòng 60 ngày, kể từ ngày người bị xử phạt được xác định đã chết, mất tích; tổ chức được xác định giải thể, phá sản. Thực tế cho thấy, lợi dụng quy định này, nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp phạt, nhiều doanh nghiệp bị xử phạt VPHC với số tiền lớn đã lập thủ tục xin giải thể, sau đó lại làm thủ tục thành lập doanh nghiệp mới.


Theo ông Phạm Quốc Đạt - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thời gian qua, việc triển khai thi hành Luật Xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng thực thi pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, nhanh gọn, phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, quá trình thi hành cũng cho thấy nhiều vướng mắc, chủ yếu về pháp luật. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị trung ương sớm điều chỉnh, xây dựng thể chế thống nhất trong xử lý VPHC; sớm ban hành quy chế liên ngành trong phối hợp, cung cấp thông tin; kiểm tra; xây dựng văn bản. Song song đó, kiến nghị kiện toàn nhân sự thực hiện công tác xử lý VPHC; đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ công tác kiểm tra; ban hành tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật; xác định hình thức kỷ luật, xử lý vi phạm trong theo dõi thi hành pháp luật xử lý VPHC.

N.V