11:08, 07/08/2017

Cần đổi mới tuyên truyền pháp luật cho ngư dân

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho ngư dân đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đòi hỏi việc  tuyên truyền cần có bước chuyển mới.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho ngư dân đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đòi hỏi việc  tuyên truyền cần có bước chuyển mới.


Còn nhiều vi phạm


Thời gian qua, việc thực hiện Đề án Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo tại Khánh Hòa có nhiều chuyển biến. Nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả như: mô hình Tổ tàu thuyền tự quản, Bến bãi an toàn, Đồng hành cùng ngư dân; tổ chức cho ngư dân viết cam kết chấp hành pháp luật; phát động phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; phối hợp tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về biên giới quốc gia trên biển...

 

Tuy nhiên, tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền PBGDPL cho ngư dân trên địa bàn tỉnh năm 2017 vừa qua, Đại tá Nhữ Mai Pháo - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, từ năm 2016, số tàu thuyền Việt Nam khai thác thủy sản xâm phạm vùng biển các nước bị bắt giữ, xử lý có xu hướng tăng. Cách thức vi phạm tinh vi hơn. Có tàu dùng biển số giả đè lên biển số thật khi vào vùng biển nước ngoài. Một số chủ tàu, sau khi được nước ngoài thả về, đã làm thủ tục sang tên đổi chủ mới, thay thuyền trưởng mới để “né” tính vi phạm lần 2. Gần đây, xuất hiện dấu hiệu hình thành các đường dây môi giới đưa tàu cá Việt Nam ra vùng biển nước ngoài khai thác trái phép; hỗ trợ, thu mua thủy sản đánh bắt trái phép.

 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cam Ranh tuyên truyền để ngư dân không khai thác thủy sản trái phép

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cam Ranh tuyên truyền để ngư dân không khai thác thủy sản trái phép

 

Nguyên nhân


Hiện nay, nước ta chưa hoàn thành việc phân định một số vùng biển với các nước; chưa có cơ chế phối hợp giải quyết vấn đề liên quan đến hoạt động nghề cá. Lực lượng quản lý biển của các nước có xu hướng tăng cường tuần tra, kiểm sát, bắt giữ tàu thuyền, ngư dân Việt Nam hoạt động ở vùng biển tranh chấp. Lực lượng chấp pháp Việt Nam còn mỏng. Nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam bị suy giảm do công tác phục hồi còn hạn chế, trong khi nguồn lợi thủy sản nước ngoài phong phú, giá trị kinh tế cao…


Đáng chú ý, một số tàu cá, ngư dân Việt Nam vô tình xâm phạm vùng biển nước ngoài do mải bám theo luồng cá; hoặc biết mà vẫn cố tình vi phạm, bị xử lý lại tái phạm do ham lợi. Một số tàu cá muốn giấu ngư trường nên tắt định vị khi khai thác, dẫn tới tàu bị trôi ra vùng biển nước ngoài. Ông Văn Thì (ở Hà Ra, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, chủ tàu KH97276TS) nhớ lại tháng 3-2013, khi ông cùng 11 thuyền viên chuẩn bị thả lưới thì bị Indonesia bắt giữ, bị giam giữ 6 tháng: “Lúc đó, gia đình tôi vô cùng lo lắng, vợ con bươn chải từng ngày. Sau lần đó, tôi luôn chú ý xác định vùng biển, chấp hành quy định trong khai thác, đánh bắt”. Ông Nguyễn Tấn Lầu (ở Đoàn Trần Nghiệp, Vĩnh Phước, Nha Trang, chủ tàu KH96778TS) chia sẻ, 31 năm bám biển, năm nào ông cũng đi biển 10 - 11 tháng, mỗi chuyến 20 ngày và chỉ khai thác ở những vùng biển đã phân định. Vì vậy, tuy thu nhập không cao nhưng tàu của ông không vi phạm. Hiện nay, mỗi chuyến, tàu đánh bắt được 10 - 12 tấn cá, thu 200 - 250 triệu đồng, trừ chi phí, 12 bạn thuyền được chia hơn 5 triệu đồng/người, gia đình ông được hơn 30 triệu đồng. Các thuyền viên làm trên tàu của ông Mai Thành Phúc - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng, Nha Trang cũng được 6 - 7 triệu đồng/chuyến biển. “Thu nhập không cao nhưng yên tâm làm ăn. Tôi thường xuyên nhắc nhở mọi người nắm chắc tọa độ, vùng biển được phép khai thác, mở máy định vị 24/24 giờ, không vì ham lợi trước mắt mà sang vùng biển nước ngoài đánh bắt. Ngoài xử lý kiên quyết các tàu cá vi phạm, mong Nhà nước có chính sách “nghỉ biển” hàng năm để phát triển nguồn lợi”, ông Phúc nói.


Tuyên truyền đi đôi với kiên quyết xử lý vi phạm

 

Khánh Hòa hiện có 9.790 phương tiện/hơn 39.160 ngư dân khai thác thủy sản, trong đó hơn 500 tàu cá thường xuyên khai thác dài ngày, tập trung ở các khu vực: Trường Sa, DK1, Hoàng Sa và vùng biển giáp ranh Indonesia, Malaysia, Philippines. Năm 2016, Khánh Hòa có 5 vụ/5 phương tiện/39 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, tăng 4 vụ/4 phương tiện/31 ngư dân so với năm 2015. 6 tháng đầu năm 2017, có 5 vụ/5 phương tiện/57 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ.

Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đề án Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo - Bộ Quốc phòng cho biết, Khánh Hòa hiện là 1 trong 3 tỉnh đứng đầu về số ngư dân, tàu thuyền bị nước ngoài bắt giữ. Thời gian tới, tình hình trên biển dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, để giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu thuyền, ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển các nước bị bắt giữ, xử lý, cần kết hợp giữa tuyên truyền và cảnh báo hệ lụy cho ngư dân biết.


Về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu, thời gian tới, cần chú trọng tuyên truyền cho ngư dân trực tiếp sản xuất trên biển và khuyến khích, hỗ trợ ngư dân vươn khơi đánh bắt thủy sản. Các địa phương tăng cường vận động tàu cá khai thác xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, mở thiết bị định vị 24/24 giờ; kiểm điểm các chủ tàu, ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm soát chặt tàu cá khi xuất, nhập trạm; kiên quyết không cho tàu cá chưa đủ thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định ra khơi. Lực lượng chức năng phối hợp theo dõi, xử lý nghiêm các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; chuộc tàu cá, ngư dân về nước trái phép; kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu tái phạm. Tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, chuộc, thả hoặc trốn về nước phải tạm dừng chuyển quyền sở hữu, tước giấy phép khai thác thủy sản trong 6 tháng. Tàu cá đã vi phạm không được xét hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.


N.V