11:08, 07/08/2017

Bộ Giao thông vận tải trả lời kiến nghị của cử tri Khánh Hòa

Trước và sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, qua các buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Trước và sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, qua các buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri Khánh Hòa cũng như cử tri cả nước đã được Chính phủ, các bộ, ngành có văn bản trả lời.


Báo Khánh Hòa trích đăng một số nội dung trả lời của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về một số vấn đề được nhiều cử tri quan tâm.


. Ý kiến cử tri: Hiện nay, hành lang an toàn đường sắt chưa đảm bảo, việc quản lý lộ giới và vệ sinh môi trường bị buông lỏng. Đề nghị bộ quan tâm, chỉ đạo tăng cường quản lý bảo vệ hành lang an toàn đường sắt, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm vi phạm lộ giới hành lang an toàn đường sắt.


Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:


1. Về hành lang an toàn giao thông đường sắt:


- Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tính đến ngày 15-5-2017, trên toàn mạng lưới đường sắt có 13.320 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, trong đó trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 1.236 vị trí vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng thanh tra Cục Đường sắt Việt Nam đã kiểm tra và xử phạt 273 hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt.


- Trong tháng cao điểm tuyên truyền về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hành lang an toàn giao thông đường sắt (từ ngày 16-5 đến 15-6-2017), các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền đã ra quân giải tỏa được 494 điểm vi phạm.


2. Về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường:


Trong các năm qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đầu tư và thực hiện các giải pháp đảm bảo môi trường đường sắt, cụ thể:


- Lắp đặt hệ thống vệ sinh tự hoại cho 929 toa xe trên tổng số 1.047 toa xe khách (chiếm tỷ lệ 88,7%) để không xả thải trực tiếp các chất thải ra môi trường dọc hai bên đường sắt;


- Khử mùi hôi các toa xe trên tàu khách; bố trí các thùng đựng rác tại các khoang giường ngủ, 2 đầu toa xe để thu gom, tập kết rác và đưa xuống ga tàu có dừng đỗ để vận chuyển đến nơi tập kết xử lý rác theo quy định;


- Tại các ga thành phố, thị xã đều trang bị nhà vệ sinh tự hoại phục vụ hành khách. Tuy nhiên, do ý thức vệ sinh, bảo vệ môi trường của một số hành khách còn hạn chế, vẫn còn những trường hợp ném rác thải sinh hoạt từ trên tàu xuống đường sắt gây mất vệ sinh dọc hai bên đường sắt.


3. Các giải pháp:


Thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020, Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện các giải pháp sau:


- Cắm mốc giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt trên tất cả các tuyến và bàn giao cho các địa phương quản lý;


- Xây dựng, hệ thống đường gom và hàng rào cách ly để đóng toàn bộ các lối đi dân sinh mở trái phép trên các tuyến đường sắt quốc gia;


- Xây dựng các đường ngang, hầm chui; nâng cấp, cải tạo các đường ngang hợp pháp nhưng vi phạm các quy định về đường ngang do tồn tại lịch sử (cải tạo giảm độ dốc dọc, giải tỏa tầm nhìn, bổ sung tín hiệu, thay đổi hình thức phòng vệ…); xây dựng cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt;


- Xây dựng cầu vượt giao cắt lập thể tại những điểm giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.


4. Đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông theo nội dung của Quy chế phối hợp đã được ký kết giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh Khánh Hòa.

 

Ý kiến cử tri: Tại mỗi trạm thu phí BOT cần đặt các bảng điện tử công khai về thời gian thu phí, mức phí, thu phí phục vụ dự án nào để dân biết, giám sát.


Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:


Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đồng thuận với ý kiến của cử tri tỉnh Khánh Hòa về sự cần thiết phải lắp đặt các bảng điện tử công khai về thời gian thu phí, mức phí, thu phí phục vụ dự án để dân biết, giám sát. Trong quá trình triển khai các dự án BOT, Bộ GTVT xác định quản lý doanh thu là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình vận hành khai thác các dự án. Do vậy, ngày 30-12-2016, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (có hiệu lực từ tháng 3-2017), trong đó quy định: “Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu giá phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử được gắn tại khu vực nhà điều hành trạm thu giá, bao gồm: tên dự án, tổng mức đầu tư của dự án (tổng mức đầu tư cập nhật theo giá trị quyết toán nếu dự án đã được quyết toán), tổng thời gian thu, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước, doanh thu lũy kế của trạm thu giá tính đến thời điểm cuối tháng trước liền kề (số liệu doanh thu cập nhật chậm nhất vào ngày 10 của tháng tiếp theo), số điện thoại đường dây nóng để phản ánh tiêu cực tại trạm thu giá”. Để thực hiện các quy định tại thông tư này, hiện nay, Bộ GTVT đã và đang đàm phán với nhà đầu tư để đưa các quy định liên quan đến việc quản lý, vận hành, hoạt động của các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ vào hợp đồng. Sau khi bổ sung các nội dung trên vào hợp đồng BOT, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các nhà đầu tư nghiêm túc thực hiện.


Đồng thời, Bộ GTVT đã xây dựng và công bố trang web riêng để công khai các thông số chủ yếu của các dự án đầu tư theo hình thức PPP cho người dân quan tâm, giám sát (địa chỉ trang web: http://ppp.mt.gov.vn). Ngoài ra, định hướng trong tương lai khi triển khai đồng bộ hệ thống thu phí tự động không dừng thì người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các cơ quan quản lý có thể giám sát trực tuyến việc thu phí tại các trạm BOT thông qua hệ thống mạng Internet.

 

Ý kiến cử tri: Việc đặt 2 trạm thu phí BOT cách nhau chưa tới 8km trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (1 trạm ở xã Ninh Xuân, 1 trạm ở xã Ninh Lộc) là không đúng với quy định Nhà nước (khoảng cách giữa 2 trạm thu phí BOT là 70km). Đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu, xử lý vấn đề này.


Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:


- Về 2 trạm thu phí trên địa bàn thị xã Ninh Hòa:


+ Trên Quốc lộ 1 (Km1425+250, thuộc xã Ninh Lộc):


Triển khai Đề án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1374+525-Km1392 và Km1405-Km1425+500, tỉnh Khánh Hòa theo hình thức hợp đồng BOT tại các Quyết định số 825/QĐ-BGTVT ngày 2-4-2013 và số 2763/QĐ-BGTVT ngày 3-8-2015. Công trình dự án đã hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác và thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ từ ngày 20-1-2016 tại trạm Ninh An, đặt tại khoảng Km1425+250. Thời gian thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư dự kiến khoảng 21 năm 8 tháng.


Việc thành lập trạm được tiến hành theo đúng các quy định của pháp luật: UBND tỉnh Khánh Hòa có ý kiến thỏa thuận tại các văn bản: số 2600/UBND-XDNĐ ngày 11-5-2015, số 2828/UBND-XDNĐ ngày 11-5-2015 và Bộ Tài chính chấp thuận tại văn bản số 11810/BTC-HCSN ngày 22-8-2014; đảm bảo khoảng cách tới trạm phía trước là 71km (trạm Đèo Cả, chưa hoạt động), tới trạm phí sau là 92km (trạm Cam Thịnh).


+ Trên Quốc lộ 26 (Km8+800, thuộc xã Ninh Xuân):


Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh thị xã Ninh Hòa, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 26 đoạn Km3+411-Km11+504 (tỉnh Khánh Hòa) và đoạn Km91+383-Km98+800 (tỉnh Đắk Lắk) theo hình thức hợp đồng BOT được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 645/QĐ-BGTVT ngày 13-2-2015. Dự án triển khai thi công từ năm 2015, đến nay cơ bản hoàn thành và đang hoàn chỉnh thủ tục nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng đường bộ của 2 trạm đặt trên Quốc lộ 26 (tại Km8+800, thị xã Ninh Hòa và tại Km93+770, Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) với thời gian dự kiến khoảng 18 năm 6 tháng.


Việc thành lập các trạm này được tiến hành theo đúng các quy định của pháp luật: UBND tỉnh Khánh Hòa có ý kiến thỏa thuận tại các văn bản số 6017/UBND-XDNĐ ngày 26-9-2014 và Bộ Tài chính chấp thuận tại văn bản số 17641/BTC-HCSN ngày 3-12-2014; có khoảng cách giữa các trạm trên Quốc lộ 26 là khoảng 85km.


- Về nguyên tắc đặt trạm thu phí đường bộ (hiện nay gọi là trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ):


+ Quy định của pháp luật: theo quy định tại các Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 7-9-2004 và số 159/2013/TT-BTC ngày 14-11-2013 của Bộ Tài chính: (1) Trạm thu phí phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định; (2) Trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ GTVT thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với đường quốc lộ), UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định (đối với đường địa phương).


+ Tính hợp lý khi đặt trạm: vị trí đặt trạm có điều kiện về địa hình thuận lợi để giảm chi phí đầu tư, đảm bảo an toàn và thông suốt khi vận hành khai thác, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp.


Như vậy, trạm Ninh An tại Km1425+250 trên Quốc lộ 1 (thuộc xã Ninh Lộc) và trạm tại Km8+800 trên Quốc lộ 26 (thuộc xã Ninh Xuân) đã được thành lập tuân thủ các quy định của pháp luật; có khoảng cách tới các trạm trên cùng tuyến đường lớn hơn 70km; đồng thời, đã được UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất và Bộ Tài chính quyết định theo đúng quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Việc đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 26, Bộ GTVT đã thực hiện đúng quy định pháp luật, các trạm này dùng để hoàn vốn cho các dự án giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.


. Ý kiến cử tri: Luật Đường sắt (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, đề nghị khi triển khai thi hành luật, cần quan tâm đến việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường sắt, nhất là tại các điểm giao nhau giữa đường sắt và đường tự mở.


. Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:


Đúng như phản ánh của cử tri, công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại hạn chế: tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt còn diễn biến phức tạp, vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém, nhiều vi phạm còn diễn ra khá phổ biến… Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm về đảm bảo trật tự ATGT đường sắt theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó chú trọng thực hiện một số nội dung sau:


Một là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; trong đó, tập trung tuyên truyền theo chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, tiếp tục tuyên truyền về siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải; thường xuyên, kịp thời đưa tin về tình hình trật tự ATGT đường sắt trong các bản tin thời sự hàng ngày, cảnh báo các nguy cơ cao gây TNGT đường sắt, hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn và các biện pháp phòng tránh TNGT.


Hai là, tích cực tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các công trình, dự án đảm bảo ATGT đường sắt, đặc biệt đẩy nhanh xây dựng đường gom, hàng rào hộ lan, hàng rào bảo vệ hành lang ATGT đường sắt theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, ngành Đường sắt đang tập trung triển khai xây dựng thiết bị cảnh báo tại đường ngang như: cần chắn, dàn chắn tự động, gờ, gồ giảm tốc tại đường ngang giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có nguy cơ xảy ra tai nạn cao để cắm bổ sung biển báo (Chú ý tàu hỏa); từng bước đóng các lối đi dân sinh bất hợp pháp để giảm dần số lượng giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ.


Ba là, thường xuyên theo dõi, phát hiện và có biện pháp xử lý các điểm đen về ATGT đường sắt; tổ chức cảnh giới tại các lối đi dân sinh, đường ngang không có người gác vào các dịp vận tải cao điểm, lễ, Tết, đảm bảo cho hành trình của mọi đoàn tàu an toàn, đúng giờ, không ùn tắc giao thông.


Bốn là, vận động các tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ các công trình lấn chiếm, xây dựng trái phép trong phạm vi chỉ giới hành lang ATGT đường sắt, giải phóng tầm nhìn tại các đường ngang theo đúng quy định của pháp luật, từng bước tạo lập môi trường gia thông vận tải đường sắt thông thoáng, thuận lợi, trật tự và an toàn.


Năm là, tiếp tục triển khai, thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua trong việc đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt; tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang và lối đi dân sinh có nguy cơ cao xảy ra TNGT; trong đó tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống đường gom, hàng rào cách ly, nút giao khác mức và cầu vượt đường sắt; cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép.


Sáu là, triển khai xây dựng gờ, gồ giảm tốc cưỡng bức tại các điểm giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt, trước mắt ưu tiên xây dựng trên các tuyến Quốc lộ và Tỉnh lộ nhằm đảm bảo ATGT đường bộ, đường sắt với tiêu chí xây dựng gồ giảm tốc theo thứ tự ưu tiên sau: các đường ngang phòng vệ bằng biển báo, cảnh báo tự động, lối đi dân sinh có chiều rộng lớn hơn 2,5m tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT cao, đường ngang không có người gác và lối đi dân sinh bị che khuất tầm nhìn. Kinh phí thực hiện lấy từ Quỹ bảo trì đường bộ.


Bảy là, nâng cao năng lực, trách nhiệm của các lực lượng thực thi công vụ, nhiệm vụ về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải, khai thác hạ tầng giao thông và kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT đường sắt.