02:07, 31/07/2017

Tuyên truyền pháp luật đi đôi với xử lý tàu cá, ngư dân vi phạm

Cùng với việc tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam khai thác trái phép, tàu thuyền và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển các nước để khai thác, đánh bắt hải sản, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý ngày càng gia tăng. Thực tế này đặt ra đòi hỏi cao hơn đối với công tác tuyên truyền pháp luật cho ngư dân Khánh Hòa.

Sáng 31-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đắc Tài chủ trì hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho ngư dân Khánh Hòa năm 2017.
 
Dự hội nghị có Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đề án Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo - Bộ Quốc phòng.

 

Ông Nguyễn Đắc Tài phát biểu tại hội nghị
Ông Nguyễn Đắc Tài phát biểu tại hội nghị
 
Những năm qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân các xã ven biển thuộc tỉnh Khánh Hòa luôn được các địa phương, ngành, đoàn thể, đơn vị quân đội phối hợp triển khai tích cực, với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú. 
 

Từ năm 2013 đến 2016, các đơn vị, địa phương đã thực hiện hơn 2.800 buổi tuyên truyền cho 210.000 lượt cán bộ, nhân dân. Cùng với tuyên truyền, các địa phương, đơn vị cũng tăng cường quản lý chặt chẽ tàu thuyền, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Nhìn chung, ngư dân Khánh Hòa chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, gần đây, tình hình an ninh, trật tự trên biển diễn biến khá phức tạp. Cùng với việc tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam khai thác trái phép, tàu thuyền và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển các nước để khai thác, đánh bắt hải sản, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý ngày càng gia tăng, trong đó có các tàu thuyền và ngư dân Khánh Hòa. 

 
6 tháng đầu năm 2017, các tỉnh tuyến biển cả nước có 69 vụ/123 tàu/1.005 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Khánh Hòa là 1 trong 3 tỉnh đứng đầu về số ngư dân và tàu thuyền bị nước ngoài bắt giữ. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, tài sản mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. 
 
 
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng phát biểu.
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng phát biểu.
 
Một trong những nguyên nhân là ý thức tôn trọng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế, ý thức tôn trọng chủ quyền vùng biển các nước của một bộ phận ngư dân Việt Nam chưa cao; biết nhưng vẫn cố tình vi phạm. Vì vậy, công tác tuyên truyền, PBGDPL cần kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao nhận thức pháp luật với hiểu biết đầy đủ về các hệ lụy xảy ra khi vi phạm đối với ngư dân.
 
Hội nghị đã thảo luận, làm rõ những hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, PBGDPL cho ngư dân, đề xuất giải pháp giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý, đồng thời tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản.

 

Ngư dân Văn Thì nêu bài học sau sự kiện tàu cá của ông bị nước ngoài bắt giữ.
Ngư dân Văn Thì nêu bài học sau sự kiện tàu cá của ông bị nước ngoài bắt giữ.
 
Ông Nguyễn Đắc Tài đề nghị, các ngành, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất, tiếp tục triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Khánh Hòa về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển các nước khai thác hải sản. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển, đặc biệt là ngư dân trực tiếp sản xuất trên biển. 
 
UBND các huyện, thành phố ven biển của Khánh Hòa cần tăng cường chỉ đạo, vận động các tàu cá khai thác xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; quản lý chặt chẽ, tổ chức kiểm điểm các chủ tàu, ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. 
 
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập trạm, kiên quyết không cho ra khơi những tàu cá chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định. Các tàu cá đã vi phạm không được xét hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước…
 
N.V