09:10, 21/10/2016

Mãi ngân vang bản hùng ca của lòng yêu nước

Cách đây 55 năm, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, ngày 23-10-1961 Đoàn 759 ra đời, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay với nhiệm vụ đặc biệt vận chuyển hàng hóa trên biển, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cách đây 55 năm, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, ngày 23-10-1961 Đoàn 759 ra đời, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay với nhiệm vụ đặc biệt vận chuyển hàng hóa trên biển, chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tên gọi “Đoàn tàu Không số”, trong một điều kiện vô cùng gian khổ và thiếu thốn, với sự sáng tạo tài tình, mưu trí, các chiến sĩ đã vận dụng nhiều cách thức đi biển rất linh hoạt, kết hợp cả các yếu tố vừa công khai vừa bí mật để có thể vận chuyển vũ khí, hàng hóa một cách an toàn mà vô cùng hiệu quả, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.


Trong suốt 14 năm liên tục, kể từ ngày thành lập cho đến ngày toàn thắng lịch sử 30-4-1975, Đoàn tàu Không số đã dệt nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển, tạo ra một hướng tiếp tế chiến lược hết sức quan trọng, đưa hàng trăm ngàn tấn vũ khí, hàng hóa vào các chiến trường xa - nơi mà tuyến vận tải chiến lược đường bộ chưa với tới, với một số lượng vũ khí còn lớn hơn cả số đưa vào bằng đường bộ trong cùng một thời gian. Đóng góp của Đoàn tàu Không số là hết sức quan trọng cho phong trào cách mạng của miền Nam, góp phần đưa đất nước đến ngày toàn thắng.


Khánh Hòa vinh dự là một điểm cầu đón những chuyến tàu không số huyền thoại ấy. Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển mãi ghi sự kiện con tàu không số anh hùng mang bí số 235 của Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã anh dũng cảm tử tại vùng biển Hòn Hèo (Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa). Đây là chuyến tàu nhận lệnh đưa hàng trăm tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Đêm 29-2-1968, sau khi tàu đã gần tới vùng biển Hòn Hèo thì bị địch phát hiện, thế nhưng Nguyễn Phan Vinh vẫn chỉ huy tàu vào gần đến bến. Suốt ngày hôm sau, cuộc chiến đấu không cân sức của 20 chiến sĩ đã diễn ra để bảo vệ tàu, bảo vệ vũ khí. Đến đêm 1-3-1968, 14 thủy thủ đã anh dũng hy sinh, thuyền trưởng Phan Vinh đã điểm hỏa khối thuốc nổ phá hủy tàu, không cho vũ khí lọt vào tay địch. Máu xương các anh đã vĩnh viễn hòa vào vùng biển của đất Mẹ. Tên của anh sau này đã vinh dự được đặt cho một đảo ở Trường Sa.


Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, song bài học về tinh thần anh dũng, kiên cường, cảm tử hy sinh vì Tổ quốc của các liệt sĩ trên tàu không số mãi ngời sáng, như ngọn hải đăng định hướng cho thế hệ trẻ hôm nay sống xứng đáng với khí phách của cha anh. Bản hùng ca của lòng yêu nước mãi ngân vang, truyền qua từng thế hệ.


Hơn nửa thế kỷ trôi qua, tương quan lực lượng trên biển giờ đã khác. Đất nước đã có đủ phương tiện, trang thiết bị hiện đại để bảo về chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng. Một thế hệ chiến sĩ mới có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ để làm chủ kỹ thuật hiện đại trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Bản hùng ca của tinh thần yêu nước được các thế hệ cha anh truyền lại từ những ngày đầu trứng nước mãi mãi sáng ngời trong thế hệ trẻ.


Bản hùng ca ấy sẽ được các thế hệ mãi mãi tiếp nối trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.