08:10, 21/10/2016

Những năm tháng không quên

Kỳ 1: Chuyện về những chuyến "tàu không số"

 

Giữa tháng 10, chúng tôi tìm gặp những người cựu binh từng tham gia vận chuyển vũ khí vào Nam bằng đường Hồ Chí Minh trên biển. 55 năm đã qua kể từ những chuyến vượt biển đầu tiên, những người lính "tàu không số" nay đã xấp xỉ tuổi bảy, tám mươi. ....

Kỳ 1: Chuyện về những chuyến “tàu không số”

 

Giữa tháng 10, chúng tôi tìm gặp những người cựu binh từng tham gia vận chuyển vũ khí vào Nam bằng đường Hồ Chí Minh trên biển. 55 năm đã qua kể từ những chuyến vượt biển đầu tiên, những người lính “tàu không số” nay đã xấp xỉ tuổi bảy, tám mươi. Thế nhưng, ký ức về những năm tháng khắc nghiệt nhưng rất đỗi hào hùng ấy vẫn còn vẹn nguyên như mới hôm qua.


Những chuyến đi mở bến


Ông Phan Nhạn - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là người có thâm niên nhất trong số những cựu binh tàu không số ở Khánh Hòa. Là người gốc Bình Định tập kết ra Bắc, năm 1962, ông Nhạn được điều về Đoàn 759, đóng quân ở Đồ Sơn, TP. Hải Phòng. Ông được biên chế về làm máy trưởng tàu Phương Đông 2 (một trong 4 chiếc tàu gỗ đầu tiên của Đoàn 759 ) do đồng chí Nguyễn Dạt - người từng Nam tiến thời chống Pháp làm thuyền trưởng.  “Đêm 16-10-1962, tàu mang theo 20 tấn vũ khí rời cảng Đồ Sơn, thủy thủ đoàn 9 người đều là người miền Nam. Tàu gỗ, công suất yếu, lại đi đúng vào mùa biển động nên bị chậm 2 ngày. Khi vào đến bến ở Vàm Lũng, Cà Mau, chúng tôi không bắt được liên lạc với lực lượng trong bờ nên rất lo lắng. Gặp một tàu cá, xác định là tàu của ngư dân trong vùng giải phóng, chúng tôi nhờ bà con dẫn đường và cập bến an toàn. Lúc này, các thủy thủ trên tàu ai cũng kiệt sức vì suốt mấy ngày liền không ăn cơm nhưng tất cả đều vui mừng, ôm nhau khóc vì sung sướng khi đã hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nhạn nhớ lại.

 

Những cựu binh tàu không số ôn lại ký ức về đường Hồ Chí Minh trên biển
Những cựu binh tàu không số ôn lại ký ức về đường Hồ Chí Minh trên biển


Sau chuyến vượt biển đầu tiên thành công, ông Phan Nhạn trở ra Bắc và tiếp tục được điều về các tàu mang số hiệu 41, 43, 56… vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí vào Nam. Từ năm 1962 - 1968, ông đã có tổng cộng 15 chuyến vượt biển vận chuyển vũ khí vào Nam, trong đó có 3 chuyến đi vào Vũng Rô trên tàu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy, cung cấp hàng trăm tấn vũ khí, khí tài, đạn dược cho chiến trường Khu 5.


Cùng đi trên tàu 41 vào Vũng Rô với ông Nhạn còn có pháo thủ Nguyễn Văn Tuyên (hiện nay ở 27 đường Phan Vinh, TP. Nha Trang). Nhắc lại chuyến đi mở bến Vũng Rô, ông Tuyên kể với niềm tự hào: “Đêm 26-11, tàu 41 mang gần 50 tấn vũ khí xuất bến. Trên đường đi, tàu được ngụy trang thành tàu đánh cá. Khoảng 20 giờ ngày 28-11, từ hải phận quốc tế, tàu chuyển hướng vào bờ thì 3 chiếc tàu chiến của địch lập tức bám theo, chặn ngay mũi tàu của ta; trên không, máy bay địch quần đảo. Biết địch chỉ thăm dò nên thuyền trưởng Thạnh lệnh cho anh em “án binh bất động”, sau một hồi địch bỏ đi”. Khoảng 12 giờ đêm, tàu 41 vào cửa bến Vũng Rô. Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh  phát tín hiệu 3 lần vẫn không bắt được liên lạc với bến nên phái 3 thủy thủ chèo thuyền nhỏ vào liên lạc. Sau đó, anh Sáu Suyền - trưởng bến cùng các chiến sĩ bơi thuyền ra xem xét tình hình đã hết sức bất ngờ bởi lượng vũ khí quá lớn. “Do lượng vũ khí lớn nên không thể bốc dỡ hết ngay trong đêm, theo lệnh tàu phải quay ra rồi hôm sau vào bến nhưng cấp ủy tàu cùng với trưởng bến đánh điện xin cấp trên ở lại. Để tránh bị lộ, tàu được đưa vào một điểm sát vách núi, phủ kín lưới đánh cá. Qua đêm hôm sau, việc bốc dỡ hàng được tiến hành thuận lợi, an toàn. Tất cả mọi người đều vui mừng khôn tả vì đã mở ra một điểm đến mới cho “tàu không số”.  

 

Một trong những con tàu không số làm nên huyền thoại  đường Hồ Chí Minh trên biển
Một trong những con tàu không số làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển


Sau đó, tàu 41 tiếp tục chở thêm 2 chuyến hàng đến Vũng Rô. Trong chuyến đi thứ 3 đến Vũng Rô, cán bộ, chiến sĩ tàu 41 đã đón giao thừa ngay tại bến. “Gần 12 giờ đêm, tàu vào tới Vũng Rô. Khi tất cả đang mừng vui, bất chợt một loạt đạn pháo nổ liên hồi khiến mọi người lo lắng. Mọi người chưa kịp trấn tĩnh thì từ khoang báo vụ, chiếc radio vang lên lời chúc Tết của Bác Hồ. Giao thừa! Mùa xuân 1965 đã tới. Giây phút ấy, người trên bến, dưới thuyền quây quần chúc nhau những gì tốt đẹp nhất, mong muốn mùa xuân mới với những chuyến đi thắng lợi, an toàn”, ông Tuyên nhớ lại. Cũng chính tại bến Vũng Rô này, trong giờ phút chia tay, cô giao liên trẻ bất ngờ xuất hiện với nắm đất bọc cẩn thận trong chiếc khăn tay trao cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh với lời nhắn nhủ: “Bà con quê hương Phú Yên xin gửi theo tàu các anh nắm đất Vũng Rô ra Bắc. Nhờ các anh nói với các đồng chí lãnh đạo và đồng bào ngoài ấy, dù giặc càn quét, lùng sục gắt gao, nhân dân nơi đây vẫn một lòng, một dạ vững tin theo Đảng, theo Bác Hồ”.


Những trận chiến nảy lửa


Ngày 16-2-1965, chuyến tàu thứ 4 (tàu 143) chở vũ khí vào Vũng Rô bị lộ. Sau sự kiện Vũng Rô, việc vận chuyển vũ khí bằng đường biển trở nên đặc biệt khó khăn. Chiến trường ngày càng ác liệt, miền Nam đợi súng đạn từng ngày nên sau một thời gian tạm dừng để chỉnh đốn, rút kinh nghiệm, đến tháng 10-1965, đường Hồ Chí Minh trên biển được nối lại. Các chuyến tàu không số vào chiến trường Khu 5 đặc biệt nguy hiểm, đồn bốt của địch đóng dày đặc và kiểm soát rất gắt gao, hơn thế các bến thả hàng hầu hết là bãi ngang nên rất dễ bị địch phát hiện. Vì thế, trước lúc xuất bến, các cán bộ, chiến sĩ đều được làm “lễ truy điệu sống”. Ông Nhạn kể: “Hồi ấy, khi đi vào chúng tôi bao giờ cũng mang theo túi nilon cùng các thanh gỗ, một ít đá để lỡ có hy sinh trên đường đi thì có thể thủy táng”.

 

14 cán bộ, chiến sĩ còn sống của tàu 43 sau trận chiến trên biển ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, tháng 3-1968
14 cán bộ, chiến sĩ còn sống của tàu 43 sau trận chiến trên biển ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, tháng 3-1968


Trong khoảng thời gian này, có nhiều tàu không số của ta bị địch phát hiện và phải cho nổ tàu, hủy tài liệu, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong những trận chiến không cân sức. Ông Nhạn nhớ lại: “Ngày 19-11-1966, tàu 41 được lệnh chở 59 tấn vũ khí vào Đức Phổ (Quảng Ngãi), trên tàu có 17 chiến sĩ, do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và chính trị viên Đặng Văn Thanh chỉ huy. Trên đường vượt biển, gặp thời tiết xấu nên tàu phải dừng lại nhiều lần trên biển. Rạng sáng 27-11, tàu đến được bến quy định để thả hàng thì gặp sóng to gió lớn, tàu bị mắc cạn và hỏng máy nên không vào được bến. Để giữ bí mật, chi ủy và chỉ huy tàu đã quyết định hủy tàu. Tuy nhiên, do tàu nổ không đúng thời gian nên 2 chiến sĩ hy sinh, 15 thành viên còn lại (trong đó có ông Nhạn) đã vào được bờ. Đến đêm mới bắt được liên lạc trong bờ, sau đó tất cả đi bộ vượt dãy Trường Sơn và mãi đến 4 tháng sau mới trở về đơn vị an toàn.

 

Giải thích lý do đưa đến tên gọi “tàu không số”, ông Nhạn cho biết: Thực tế mỗi tàu đều có số, có tên, nhưng để đảm bảo bí mật, những chiếc tàu khi rời bến hoặc trở về nơi xuất phát đều không treo số hiệu. Trên mỗi tàu có hàng chục số hiệu và đủ loại cờ đa quốc gia. Tùy hoàn cảnh thực tế mà chúng tôi quyết định treo cờ nào, số hiệu nào cho hợp pháp để không bị phát hiện. Ngay cả màu sơn của tàu, chỉ cần một thời gian ngắn là đã có thể thay đổi.

Năm 1968, ông Phan Đình Thọ (76 tuổi, trú 71 Dã Tượng, TP. Nha Trang) làm báo vụ trên tàu 43 do thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng chỉ huy, Trần Ngọc Tuấn làm chính trị viên. Tàu chở 37 tấn vũ khí vào cửa Mỹ Á, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi để chi viện cho chiến trường này. “Trên đường đi, máy bay và tàu chiến địch đã phát hiện và theo dõi các hoạt động của tàu 43 nên chúng tôi phải vờ đánh bắt cá, lòng vòng suốt 3 ngày đêm trên biển. Đến gần 1 giờ ngày 1-3-1968, khi còn cách bờ khoảng 20 hải lý thì tàu bị 4 tàu chiến của địch bao vây, đồng loạt bắn pháo sáng lên sáng rực cả một vùng biển rồi nã pháo tới tấp, tiếp đến chúng khép dần vòng vây hòng bắt sống con tàu. Máy bay địch xuất hiện và nã rốc két như mưa. Sau hơn 3 giờ chiến đấu ngoan cường, ta đã bắn cháy 1 tàu chiến, bắn rơi 3 máy bay HU-1A và làm hư hại nhiều tàu cao tốc khác của địch. Tàu ta trúng đạn, 3 chiến sĩ hy sinh, 14 người còn lại thì 12 người bị thương. Trong giờ phút hiểm nghèo, thuyền trưởng Thắng hạ lệnh đập khói mù, dùng phao cứu nạn đưa thi thể các chiến sĩ hy sinh, thương binh lên bờ và ra lệnh hủy tàu. Khi vào bờ, cán bộ và chiến sĩ được du kích và bà con xã Phổ Hiệp, Đức Phổ cấp cứu, bảo vệ, tránh được sự truy lùng gắt gao của địch. “Đến giờ này, tôi vẫn không quên hình ảnh đồng chí Ruệ bị thương nặng ngã xuống ca bin nhưng tay vẫn ghì chặt vòng lái để giữ cho tàu lao đúng hướng vào bờ, rồi trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi khi tôi chưa kịp băng xong vết thương. Hay đồng chí Tòng, y tá kiêm pháo thủ trúng đạn hy sinh, toàn thân ngã vào chân pháo nhưng tay vẫn ôm chặt quả đạn…”, ông Tuấn kể lại với gương mặt xúc động.

 

Đền thờ liệt sĩ tàu 235 mới được tỉnh đầu tư xây mới khang trang
Đền thờ liệt sĩ tàu 235 mới được tỉnh đầu tư xây mới khang trang


Lắng nghe câu chuyện của những cựu binh tàu không số, chúng tôi mới hiểu hết những hy sinh của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đã làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong những chuyến vượt biển không hẹn ngày về ấy đã có không ít người nằm lại với biển khơi.


XUÂN THÀNH - THÀNH NAM


Kỳ 2: Khúc tráng ca trên biển Hòn Hèo