11:05, 18/05/2016

Cần được quan tâm hơn nữa

Chế độ điều dưỡng người có công (NCC) là một trong những chính sách lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho NCC với cách mạng. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn hạn chế, cần sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, ngành, địa phương.

Chế độ điều dưỡng người có công (NCC) là một trong những chính sách lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho NCC với cách mạng. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn hạn chế, cần sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, ngành, địa phương.


Chính sách thiết thực


Những ngày này, tại Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc NCC tỉnh có gần 50 NCC trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh về điều dưỡng tập trung. Ông Nguyễn Quang Tạo (là nạn nhân chất độc da cam, ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng được đi điều dưỡng, nghỉ dưỡng. Chúng tôi cảm thấy rất vui vì đây là dịp được gặp lại bạn bè thời chiến đấu, được chăm sóc tận tình từ bữa ăn, giấc ngủ. Bên cạnh đó, còn được đi tham quan danh lam, thắng cảnh, tắm bùn khoáng, tập vật lý trị liệu… Nhờ đó, sức khỏe cũng tốt lên nhiều. Đây thật sự là một chính sách thiết thực mà Đảng, Nhà nước, địa phương quan tâm đến NCC với cách mạng”.

 

Khám sức khỏe cho người có công về điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công tỉnh
Khám sức khỏe cho người có công về điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công tỉnh


Ông Lê Vinh Lợi, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc NCC tỉnh cho biết, công tác điều dưỡng luân phiên NCC luôn được trung tâm chú trọng. Việc tổ chức đón tiếp và chăm sóc sức khỏe được thực hiện chu đáo. Trung tâm đã phân công các y, bác sĩ, điều dưỡng viên theo dõi sức khỏe của từng đối tượng NCC, căn cứ vào tình trạng bệnh tật, sức khỏe của từng người để chỉ định phương thức chăm sóc và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp. Trong khoảng thời gian 7 ngày ở đây, trung tâm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, tập vật lý trị liệu, tổ chức các đoàn đi tham quan khu di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh, tắm bùn khoáng; mời báo cáo viên của Tỉnh ủy về nói chuyện thời sự, thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước... Trung bình, mỗi ngày, NCC được hưởng chế độ theo tiêu chuẩn 160.000 đồng/người/ngày. Chính vì được chăm sóc chu đáo nên hầu hết NCC sau thời gian điều dưỡng tại đây đều khỏe lên và luôn cảm thấy phấn khởi, đánh giá cao hoạt động điều dưỡng.


Hạn chế cần tháo gỡ


Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), hiện nay, toàn tỉnh có hơn 8.300 đối tượng NCC đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, trong đó có hơn 7.600 người thuộc diện được hưởng chính sách điều dưỡng, phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều năm qua, công tác điều dưỡng tập trung chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Đơn cử, năm 2015, ngành LĐ-TBXH đặt mục tiêu điều dưỡng tập trung cho khoảng 1.000 NCC, nhưng hết năm chỉ tổ chức điều dưỡng tập trung được hơn 300 người. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước ở một số địa phương còn hạn chế; chưa phổ biến sâu rộng về lợi ích của điều dưỡng tập trung nên NCC chưa hiểu và thụ hưởng chính sách thiết thực này; công tác rà soát, lập danh sách đối tượng thuộc diện điều dưỡng còn sơ sài dẫn đến trùng lặp, phải điều chỉnh nhiều lần gây khó khăn cho công tác tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, một số đối tượng NCC không muốn đi điều dưỡng tập trung tại một địa điểm nhiều lần. Một số địa phương thiếu quan tâm trong khâu tổ chức, xét chọn đối tượng đi điều dưỡng tập trung, không tìm hiểu rõ mong muốn của đối tượng cũng như sức khỏe của đối tượng.


Bà Trịnh Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết, năm 2016, toàn ngành đặt mục tiêu tổ chức điều dưỡng cho hơn 4.100 NCC với tổng kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện điều dưỡng tại gia đình cho hơn 3.200 người, với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng; điều dưỡng tập trung cho hơn 860 người với số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra, hiện nay, đơn vị chỉ đạo phòng LĐ-TBXH cấp huyện tổ chức rà soát, lập danh sách NCC đi điều dưỡng từng năm theo đúng niên hạn, đảm bảo về sức khỏe. Đồng thời, hướng tới liên kết mở rộng đi điều dưỡng ngoài tỉnh; tăng cường tuyên truyền chính sách, lợi ích điều dưỡng tập trung đến từng NCC; nâng cao chất lượng điều dưỡng NCC; tăng cường công tác giám sát chế độ điều dưỡng, cấp đúng, cấp đủ đối với đối tượng điều dưỡng tại gia đình, đảm bảo đối tượng sử dụng số tiền đó đúng theo quy định, mục đích mà chính sách đề ra…


Có thể nhận thấy, nhu cầu được điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe của NCC với cách mạng ở Khánh Hòa rất lớn. Để thực hiện tốt chính sách chăm sóc, điều dưỡng NCC, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành từ tỉnh đến địa phương; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi để NCC thụ hưởng chính sách một cách tốt nhất.


VĂN GIANG