05:04, 19/04/2016

7 kỹ năng cần có của đại biểu HĐND

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII khẳng định một trong những phương hướng, nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là: "Tổ chức thực hiện tốt Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, ....

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII khẳng định một trong những phương hướng, nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là: “Tổ chức thực hiện tốt Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, bảo đảm cơ cấu, nâng cao chất lượng đại biểu, tăng số lượng đại biểu chuyên trách một cách hợp lý”. Chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND một mặt lệ thuộc vào cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu, mặt khác, còn lệ thuộc vào kỹ năng hoạt động của đại biểu.


Do đặc điểm hoạt động của đại biểu HĐND là hoạt động không chuyên trách, không mang tính chuyên nghiệp, không thường xuyên, lại biến động sau mỗi nhiệm kỳ bầu cử; đại biểu được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, trình độ khác nhau và điều kiện tham gia vào hoạt động HĐND cũng không giống nhau; nên đòi hỏi đại biểu HĐND cần phải được bồi dưỡng kiến thức, đặc biệt là việc bồi dưỡng kỹ năng hoạt động đại biểu mới đem lại chất lượng hiệu quả hoạt động cao. Kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND thể hiện ở 7 kỹ năng sau:


Một là, kỹ năng tiếp xúc cử tri: kỹ năng tiếp xúc cử tri của người đại biểu đòi hỏi đại biểu khi tiếp xúc cử tri phải có thuật giao tiếp, thích hợp với từng loại cử tri. Đó là việc lựa chọn địa bàn tiếp xúc, thời gian, địa điểm tiếp xúc, thái độ, tâm lý, cách ứng xử cũng như thuật nghe, ghi nhớ, ghi chú, phân loại ý kiến của cử tri khi tiếp xúc. Trong quá trình tiếp xúc, người đại biểu cần phải phân biệt các hình thức tiếp xúc, thực hiện tốt các quy trình, các bước tiếp xúc cũng như phải biết lựa chọn phương pháp, cách thức trả lời cử tri cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của cử tri.


Hai là, kỹ năng chất vấn: kỹ năng chất vấn của đại biểu HĐND phản ánh trình độ, năng lực, sự hiểu biết, nghệ thuật chất vấn của đại biểu; cần phải chú ý chất vấn là một hoạt động thuộc về phạm trù hoạt động giám sát của đại biểu, do vậy, người đại biểu phải lựa chọn câu hỏi chất vấn hết sức thận trọng, câu hỏi đúng trọng tâm, khúc chiết và dứt khoát, những bằng chứng, những thông tin, những dữ liệu trong câu hỏi chất vấn phải mang tính xác thực, có địa chỉ rõ ràng, đúng với đối tượng bị chất vấn. Trước khi chất vấn vấn đề gì, nội dung gì, đòi hỏi người đại biểu phải tìm hiểu thật kỹ vấn đề, nội dung cần chất vấn, thu thập các thông tin, các bằng chứng xác thực. Câu hỏi, chất vấn của đại biểu thường gắn với hệ quả pháp lý, buộc đối tượng bị chất vấn phải giải trình rõ ràng cái đúng, cái sai và xác định rõ trách nhiệm pháp lý trước HĐND, trước cử tri và trước đại biểu. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tầm quan trọng của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của người đại biểu HĐND, phải bồi dưỡng những kiến thức kỹ năng chất vấn, phương thức hoạt động trong các cơ quan dân cử. Đại biểu HĐND phải tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri hiểu rõ mục đích, yêu cầu chất vấn, kỹ năng thu thập, phân tích, xử lý thông tin, kỹ năng đặt câu hỏi “trúng và đúng” vấn đề chất vấn.


Ba là, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, bao gồm: kỹ năng thu thập; kỹ năng phân loại thông tin; kỹ năng sắp xếp; kỹ năng phân tích; kỹ năng kiểm tra độ chính xác của thông tin; kỹ năng chọn lọc thông tin… Các kỹ năng này giúp đại biểu có khả năng tham gia vào các báo cáo, dự án, nghị quyết của kỳ họp HĐND đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.


Bốn là, kỹ năng giám sát: đây là kỹ năng khó và phức tạp, đòi hỏi người đại biểu cần phải nắm vững các nội dung và các yêu cầu sau: đại biểu phải hiểu và quán triệt sâu sắc pháp lệnh về giám sát và các định hướng hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nắm vững mục đích giám sát và phải danh mục hóa được các nội dung giám sát của HĐND. Đại biểu HĐND phải xác lập kỹ năng so sánh; xác lập cơ cấu đoàn giám sát, kỹ năng tổ chức các cuộc báo cáo, nghe tường trình của các cơ quan có liên quan đến hoạt động giám sát của HĐND. HĐND quy định rõ chức năng, cơ chế, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức xử lý các vấn đề qua hoạt động giám sát của đại biểu.


Năm là, kỹ năng phân tích thông tin: đây là loại kỹ năng phản ánh một cách đầy đủ và chuẩn xác trình độ năng lực của đại biểu, đồng thời cũng là căn cứ để đánh giá hiệu quả của các nghị quyết, các quyết định của HĐND có chất lượng không?


Sáu là, kỹ năng đánh giá của đại biểu: như chúng ta biết, muốn có quyết định đúng đắn cần phải đánh giá đúng vấn đề, đúng nội dung. Điều kiện tiên quyết để đánh giá đó là sự quan tâm thường xuyên của đại biểu đến sự đổi mới của kinh tế, văn hóa, xã hội… trên địa bàn, để từ đó có cơ sở đánh giá đúng và đưa ra được những quyết định có chất lượng và hiệu quả tốt.


Bảy là, kỹ năng xây dựng chương trình hoạt động: xây dựng chương trình hoạt động bắt đầu bằng việc xây dựng kế hoạch công tác tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm và cho cả nhiệm kỳ HĐND dựa trên chương trình hoạt động chung của HĐND. Chương trình này cần phải có sự kết hợp chặt chẽ với các hoạt động chuyên môn tại các đơn vị, cơ quan của người đại biểu. Nội dung chương trình xây dựng gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu trước cử tri, trước HĐND.


Tiến sĩ Luật học Nguyễn Nam Hà