07:12, 30/12/2015

Khánh Hòa với ngày bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên

70 năm trước, cùng với cả nước, lần đầu tiên cử tri  Khánh Hòa nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội. Bất chấp đạn bom của thực dân Pháp, người dân xứ Trầm hương vẫn hoàn thành nghĩa vụ công dân của một đất nước độc lập, một lòng hướng về Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa…

70 năm trước, cùng với cả nước, lần đầu tiên cử tri  Khánh Hòa nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Bất chấp đạn bom của thực dân Pháp, người dân xứ Trầm hương vẫn hoàn thành nghĩa vụ công dân của một đất nước độc lập, một lòng hướng về Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa…

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946


Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hàng chục triệu người dân Việt Nam đã vui mừng khôn xiết bởi đã thoát khỏi ách nô lệ, trở thành người dân của một nước độc lập. Ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. Quốc hội, cơ quan quyền lực tối cao của nhân dân sẽ đề cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ.

 

Thế nhưng, thực dân Pháp lại rắp tâm cướp nước ta một lần nữa. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ, sau đó tiến ra các tỉnh Nam Trung Bộ. Trong tình hình hết sức khó khăn với thù trong giặc ngoài, giặc đói giặc dốt đang bủa vây, Chính phủ ta vẫn quyết tâm tổ chức Tổng tuyển cử bầu ĐBQH vào ngày 6-1-1946.


Ở Khánh Hòa, tuy chiến trận căng thẳng, nhưng việc bầu cử vẫn được chính quyền cách mạng chuẩn bị chu đáo. Trong bài hồi ký Việt Minh và trí thức Nha Trang (in trong tập Hồi ký Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa), ông Đồng Sỹ Hiền kể: “Để chuẩn bị cho bầu cử, Ban bầu cử đã tổ chức các đội tuyên truyền xung phong lưu động xuống các huyện trong tỉnh để tuyên truyền. Loa truyền thanh tuyên truyền phổ biến các kiến thức cơ bản về hiến pháp, quốc hội, về thể thức bầu cử. Ban bầu cử còn tổ chức cho các ứng viên tiếp xúc cử tri. Người rất đông, có rất nhiều người đặt câu hỏi, các đại biểu cũng trả lời rất vất vả. Anh Tôn Thất Vỹ đã trả lời và giải thích rất nhiều và rất được hoan nghênh”.


Trong đợt bầu cử ĐBQH lần đầu tiên ấy, ngoài nhân dân Khánh Hòa và cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa còn có phái đoàn của Chính phủ do Bác Hồ phái đi Nam tìm hiểu tình hình. Trong bài hồi ký Bác phái đi Nam (Hồi ký Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa), đồng chí Lê Văn Hiến - Trưởng phái đoàn của Chính phủ hồi ấy kể: “Tôi đã đánh điện về Trung ương báo cáo tình hình ở đây. Đoạn cuối tôi viết: “Mặt trận Nha Trang vẫn hoạt động. Máy bay Pháp thường xuyên bay để uy hiếp dân chúng. Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày mai, tôi sẽ bỏ phiếu tại đây, trước mặt quân thù để dân chúng bớt phần lo ngại”. Điều khá thú vị, trước năm 1930, đồng chí Lê Văn Hiến từng hoạt động bí mật ở Nha Trang, bị giặc Pháp bắt đi đày ở Kon Tum. 15 năm sau, khi nước nhà vừa độc lập, đồng chí lại là cử tri của làng Phước Thạnh đi bỏ phiếu bầu cử ĐBQH tại Khánh Hòa.


Theo hồi ức của đồng chí Lê Văn Hiến, mờ sáng ngày 6-1-1946, các địa điểm bầu cử đã sẵn sàng, nơi nào cũng có hầm hào đề phòng Pháp khủng bố. Đồng bào lần lượt đi bỏ phiếu rất bình tâm và vui vẻ, bộ đội bỏ phiếu ngay trên phòng tuyến bao vây địch. Đến trưa, tàu bay địch đến thả bom phá hoại bầu cử. “Một quả bom nổ cách đồng chí Hiến vài chục thước nhưng nhờ cùng đồng bào nấp trong hầm nên an toàn. Trong đợt ném bom này, một cụ già và 3 em nhỏ bị chết, 12 người bị thương, nhưng người dân vẫn tiếp tục đi bầu cử. Tôi và anh em trong ban bầu cử đến thăm số đồng bào bị nạn. Tại các hòm phiếu, đồng bào vẫn tiếp tục đi bầu. Tôi càng thấy rõ hơn lòng dân Khánh Hòa đối với Cụ Hồ, tin tưởng vào thắng lợi cách mạng do Cụ Hồ lãnh đạo. Dù giặc Pháp cố tình uy hiếp, tung tin phá hoại, cuộc Tổng tuyển cử vẫn diễn ra trong không khí đầy tin tưởng và đã thắng lợi. Tối đó, tôi điện báo cáo với Chính phủ về tinh thần đồng bào chiến sĩ Nha Trang - Khánh Hòa trong ngày Tổng tuyển cử”, đồng chí Lê Văn Hiến nhớ lại.


Cũng trong tập Hồi ký Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Kỳ (cán bộ lão thành cách mạng) kể: Giặc Pháp đã ném bom và bắn phá vào một số nơi bỏ phiếu, nhằm uy hiếp tinh thần cử tri. Tuy nhiên, nhân dân Diên Khánh coi ngày bầu cử là ngày hội lớn, đồng thời xác định đây cũng là một mặt trận đấu tranh với kẻ thù nên đã hăng hái đi bầu cử. Ban vận động bầu cử tổ chức đưa thùng phiếu lưu động đến tận các chiến hào, tới các giường bệnh của thương binh để cán bộ, chiến sĩ được thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Hơn 90% cử tri Diên Khánh đã đi bầu cử để chọn ra ĐBQH của tỉnh.


Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh, việc tổ chức bầu cử đã được thực hiện tốt, đồng bào, chiến sĩ khu vực Diên Khánh, Vĩnh Xương (Nha Trang) bất chấp đạn bom của kẻ thù vẫn đi bỏ phiếu đông đủ. Trong đợt bầu cử ĐBQH lần đầu tiên, toàn tỉnh có 97.515 cử tri, số cử tri đi bầu là 82.245 người, trong đó có 82.015 phiếu bầu hợp lệ. Kết quả, 3 đồng chí Nguyễn Văn Chi, Tôn Thất Vỹ và Đào Thiện Thi đã trúng cử, trở thành ĐBQH nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I của tỉnh Khánh Hòa.


Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong tình hình hết sức khó khăn đã ghi một mốc son lịch sử của thể chế dân chủ Việt Nam. Việc tổ chức Tổng tuyển cử thành công đã thể hiện lòng tin vững chắc của đồng bào cả nước với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập và xây dựng chế độ mới - chế độ dân chủ cộng hòa.


XUÂN THÀNH