09:11, 05/11/2013

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh sẽ được điều chỉnh

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 4-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và dự án Luật Hải quan (sửa đổi).

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 4-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và dự án Luật Hải quan (sửa đổi).


Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh sẽ được điều chỉnh về chiều dài, hướng tuyến, quy mô, phân kỳ đầu tư… Cụ thể, tổng chiều dài toàn tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ được điều chỉnh tăng thêm 16km (từ 3.167km lên 3.183km). Lý do điều chỉnh là nhằm tránh các thành phố, thị xã, thị trấn để giảm khối lượng giải phóng mặt bằng. Đề xuất này cũng nêu tuyến chính giảm 168 km, nhánh Tây tăng 184 km.


Về vốn đầu tư, tổng nhu cầu vốn đầu tư từ nay đến năm 2020 cho việc thực hiện thông tuyến 2 làn xe là khoảng 103.682 tỷ đồng, nhưng mới chỉ có 40.763 tỷ đồng. Trừ huy động vốn từ BT và BOT, Chính phủ đề nghị bổ sung vốn từ trái phiếu Chính phủ 24.003 tỷ đồng. Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ vì nếu tính cả vốn cho thực hiện các dự án đường ngang kết nối với đường Hồ Chí Minh thì yêu cầu về vốn là một thách thức không nhỏ.


Thảo luận tại tổ, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh Nghị quyết 38/2004/QH11, tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn mà các đại biểu Quốc hội đề cập, nhất là về khâu vốn đầu tư và tính hiệu quả của dự án này.

 

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ chiều 4-11- Ảnh:Đỗ Thoa
Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ chiều 4-11- Ảnh:Đỗ Thoa

Tán thành với sự điều chỉnh của Chính phủ, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đưa ra nhận định: “đường Hồ Chí Minh có tác dụng tích cực trong việc giảm tải quốc lộ 1 A cũng như góp phần tạo diện mạo mới cho phía Tây của đất nước, phát huy được nhiều lợi thế, bước đầu đã tạo ra ấn tướng tốt đẹp thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội từ năm 2004. Qua đó, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung vốn để hoàn thành đoạn Năm Căn - Đất Mũi trong năm 2016.


Đồng tình với đại biểu Khánh, đại biểu Nguyễn Văn Minh (TPHCM) nói đây là dự án huyết mạch song song với Quốc lộ 1, vì thế cần tăng cường nguồn lực để đầu tư các đường nhánh xuống đường Quốc lộ 1, vì trong mùa bão lũ đường Hồ Chí Minh rất quan trọng.


Đại biểu Minh cho rằng, xây dựng tuyến đường này cần tính toán phân luồng để bảo đảm an toàn giao thông, nhất là khu vực Tây Nguyên, không thể làm đường mà không có người đi. Ngoài ra, cần bảo đảm việc cắm mốc cho tuyến đường này để sau này chúng ta không phải mất công điều chỉnh, vì thực tế đi khảo sát cho thấy có nhiều nhà dân áp sát đường.


Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cùng với xây dựng đường Hồ Chí Minh, cần quan tâm đầu tư cho tuyến đường tuần tra biên giới, cần dồn kinh phí hơn để bảo đảm tuyến đường này cũng song song với đường Hồ Chí Minh. Hiện nay kinh phí cho tuyến này còn nhỏ giọt, tiến độ chậm.


“Về đường tuần tra biên giới, cần bố trí vốn để thực hiện đúng tiến độ. Qua khảo sát, đoạn từ Đắk Nông, Tây Ninh về Đồng Tháp nhiều tuyến đường chưa hoàn thành, Chính phủ cần quan tâm, bố trí vốn cho tuyến đường này” - đại biểu Ngô Ngọc Bình (TPHCM) nói.


Chỉ ra những bất cập trong tổ chức thực hiện dự án trong khi thời gian kéo dài, quy mô lớn, rất rộng, nguồn vốn đa dạng (ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA, BOT, BT), quản lý các dự án thành phần không giống nhau, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP. HCM) kiến nghị không nên giao cho Bộ Gao thông Vận tải phụ trách mà nên do một Phó Thủ tướng phụ trách, với sự tham gia của nhiều bộ.”


Bày tỏ băn khoăn về vốn đầu tư cho công trình này, đại biểu Võ Thị Dung (TP. HCM) cho rằng: Nguồn vốn trong tờ trình của Chính phủ không thấy phần đầu tư đường kết nối vào đường Hồ Chí Minh mà nếu thiếu thì tuyến đường không hiệu quả. Tuyến đường xương cá này cũng cần số vốn rất khổng lồ.


Cùng chung mối băn khoăn này, đại biểu Vũ Chí Thực (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, việc tiếp tục đầu tư vào con đường này là tốt nhưng không biết lấy vốn ở đâu. Tờ trình của Chính phủ về vốn và phân kỳ đầu tư còn rất “tù mù”. Nếu chưa bố trí được vốn thì có nghĩa là phải phát hành trái phiếu nữa vì phần lớn trái phiếu phát hành năm tới tập trung vào QL1a và 14.


Đại biểu Thực đề xuất: trong thời gian hiện tại, khi đường 1 thường xuyên ngập lụt, thì nên tập trung vào duy tu, bão dưỡng để tránh lũ. Về lâu dài thì cần thiết mở rộng con đường này còn hiện nay không phải cấp bách.


Ở khía cạnh khác, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) đề cập, đường Hồ Chí Minh hiện nay xe khách ít đi vì không bắt được khách, xe tải cũng ít vì không gắn với dân sinh, xe cá nhân cũng ít đi qua vì dịch vụ sửa chữa thưa vắng, có khi cả trăm km mới có khu dân cư, dịch vụ. Chủ yếu là xe du lịch trọn gói. Trong khi quốc lộ 1A vừa mở rộng cũng đã tắc. “Chúng ta xây đường là để đi, không phải để ngắm. Vốn đang khó khăn thì phải tính, giống như cứu đói phải cứu nơi đói khát trước. Về lâu dài thì phải đầu tư, nhưng trong bối cảnh hiện nay, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn bỏ ra, nên thu hẹp đầu tư, dành vốn để làm quốc lộ 1A, tránh tình trạng chỗ cần đi thì không có đường, chỗ không cần thì có đường để ngắm”, đại biểu Đương nói.


Theo Báo điện tử ĐCSVN