11:10, 11/10/2013

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.

Sáng 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.

 

Phiên họp thứ 22 của UBTVQH (Ảnh: TTXVN)
Phiên họp thứ 22 của UBTVQH (Ảnh: TTXVN)


Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, có mặt được tăng cường hơn. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Lãi suất tín dụng giảm, cùng nhiều biện pháp miễn giảm thuế, giãn thuế… đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng trrưởng tín dụng đã có những chuyển biến khả quan. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định… GDP cả năm 2013 tăng khoảng 5,4% so với năm 2012, đạt mục tiêu tổng quát đề ra là tăng trưởng cao hơn năm 2012 (5,25%).


Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế còn nhiều tồn tại, hạn chế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù có cải thiện so với năm trước nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Lạm phát tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại…


Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ và qua giám sát, Ủy ban Kinh tế đánh giá với kết quả 9 tháng và xu hướng 3 tháng còn lại của năm 2013 nền kinh tế nước ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”; dự kiến có 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng diễn biến kinh tế - xã hội vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức gay gắt, có khả năng không hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch 5 năm 2011-2015.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, một số ý kiến lưu ý, kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối diện với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Lạm phát giảm, nhập khẩu giảm, nhập siêu không đáng kể nhưng không phải là tín hiệu phục hồi vững chắc của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, ở mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5 - 7%).


Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu như sau: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8% so với năm 2013; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với ước thực hiện năm 2013; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP là 5,3%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội chiếm khoảng 30% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%.


Thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và 3 năm 2011-2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, Ủy ban Kinh tế cũng thể hiện nhiều ý kiến khác nhau về các chỉ tiêu chủ yếu.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, một số ý kiến đề nghị tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 chỉ nên ở khoảng 5,5% sẽ là mức hợp lý, tránh tạo áp lực lạm phát, bảo đảm giữ được việc làm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 6%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30 - 31% GDP; tăng tín dụng ở mức 14 - 15%; đầu tư từ ngân sách tăng ít nhất 10%. Một số ý kiến khác cơ bản nhất trí với dự kiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8%; nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 13 - 15% so với ước thực hiện năm 2013, nhập siêu tiếp tục duy trì ở mức hiện nay; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%.


Về bội chi ngân sách nhà nước, đa số ý kiến tán thành đề nghị tăng bội chi ngân sách để bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội, tuy nhiên nhấn mạnh phần bội chi tăng thêm cần phải được tập trung cho chi đầu tư phát triển với địa chỉ cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả cao nhất. Một số ý kiến không tán thành mức bội chi ngân sách 5,3% GDP như Tờ trình, đề nghị cắt giảm triệt để chi thường xuyên, tiếp tục giữ dưới 5% GDP để bảo đảm an toàn nợ công và cân đối vĩ mô. Một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của chỉ tiêu tạo việc làm mới 1,6 triệu người trong bối cảnh một số lượng không nhỏ doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; bổ sung chỉ tiêu đánh giá tỷ lệ thất nghiệp chung của nền kinh tế.


Theo Báo điện tử ĐCSVN