11:07, 28/07/2013

“Đại hội Đoàn kết - Trí tuệ - Dân chủ - Đổi mới”

Ngày 28-7, Ðại hội XI Công đoàn Việt Nam chính thức khai mạc tại Hà Nội. Chủ đề của Ðại hội là “Ðoàn kết, trí tuệ, dân chủ, đổi mới”. Trên 900 đại biểu đại diện cho gần 8 triệu đoàn viên Công đoàn, công nhân viên chức, lao động cả nước tham dự Đại hội.

Ngày 28-7, Ðại hội XI Công đoàn (CĐ) Việt Nam chính thức khai mạc tại Hà Nội. Chủ đề của Ðại hội là “Ðoàn kết, trí tuệ, dân chủ, đổi mới”. Trên 900 đại biểu đại diện cho gần 8 triệu đoàn viên CĐ, công nhân viên chức, lao động cả nước tham dự Đại hội.

 

Đại hội vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự.


Phát biểu tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những thành tích, tiến bộ của phong trào công nhân và hoạt động CĐ cả nước trong nhiệm kỳ qua. Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp CĐ Việt Nam cần nắm vững và quán triệt thật sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Cương lĩnh chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; nắm bắt tình hình và các nguyện vọng chính đáng của công nhân để tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những chính sách, biện pháp cụ thể đưa các quan điểm, tư tưởng, chủ trương của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.


Tổng Bí thư nêu rõ, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, CĐ càng cần phải làm tốt vai trò là người đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, lao động; chủ động tham gia thương lượng với người sử dụng lao động và tổ chức tốt việc ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tốt các tranh chấp lao động, tham gia xây dựng phương án sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh; đổi mới tổ chức và hoạt động ở các doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tham gia rà soát, xây dựng định mức lao động, nhất là ở những đơn vị cổ phần hóa, sắp xếp lại hoặc giải thể.


CĐ cần hướng phong trào thi đua vào mục tiêu “năng suất - chất lượng - hiệu quả”, “việc làm - đời sống - dân chủ và công bằng xã hội”, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập, cải thiện đời sống công nhân, lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương. CĐ cần chủ động tham gia và bảo vệ, tạo mọi điều kiện để công nhân, lao động có quyền chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh và được hưởng lợi xứng đáng với những đóng góp của mình khi tham gia các công việc của doanh nghiệp.


Diễn ra từ  ngày 27 đến 30-7, Ðại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá toàn diện, khách quan những kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm từ quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội X CĐ Việt Nam. Đồng thời, Đại hội quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” từ đó xác định mục tiêu và phương hướng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ trong 5 năm tới (2013 - 2018); bổ sung, sửa đổi Điều lệ CĐ Việt Nam cho phù hợp với Luật CĐ mới được sửa đổi; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước và tổ chức CĐ với Ðảng, Nhà nước; bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị và đạo đức, có đủ trí tuệ và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI CĐ Việt Nam.


P.V