09:06, 13/06/2013

Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đang chỉ đạo thanh tra việc có nơi cán bộ không tiêm nhưng bảo tiêm để tuồn vaccine ra ngoài.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đang chỉ đạo thanh tra việc có nơi cán bộ không tiêm nhưng bảo tiêm để tuồn vaccine ra ngoài.


Tiếp tục đăng đàn sáng nay (13-6), trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN-PTNT) Cao Đức Phát cho biết: Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương kiểm tra giám sát để làm đúng qui định và xử lý nghiêm các vi phạm khi phát hiện được.


"Chúng tôi chưa phát hiện việc ăn bớt vaccine, có lẽ vì giá trị một liều vaccine trong chăn nuôi cũng rất thấp, đắt nhất là vaccine tai xanh là 33.000 đồng, còn vaccine cúm gia cầm thì mấy trăm đồng/liều. Chúng tôi cũng đang chỉ đạo thanh tra trước thông tin có một số nơi cán bộ không tiêm nhưng khai là tiêm rồi rút vaccine bán ra ngoài" - Bộ trưởng nói.


Về câu hỏi có hay không nhóm lợi ích làm tổn hại lợi ích của nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Bộ NN-PTNT kiên quyết phản đối nhóm lợi ích hoạt động trái pháp luật hoặc lợi dụng kẽ hỡ của pháp luật làm tổn hại đến lợi ích của nông dân. Trước mọi thông tin về lợi ích nhóm, chúng tôi đều chỉ đạo, phối hợp kiểm tra và có biện pháp ngăn ngừa. Tuy nhiên, tới nay chưa có cơ sở để xác định có những nhóm như vậy trong lĩnh vực nông nghiệp.


Trước đó, chiều 12-6, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP. Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc Việt Nam chủ động được bao nhiêu phần trăm cây, con giống cho trồng trọt, vật nuôi, chất lượng của những sản phẩm này như thế nào?


Dẫn tỉ lệ 70% thị phần sản xuất thức ăn công nghiệp hiện đang lệ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, cùng với đó là việc Việt Nam hàng năm phải bỏ ra lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu giống, phân bón,… đại biểu đặt vấn đề về nguy cơ lệ thuộc ở những lĩnh vực đầu vào của sản xuất nông nghiệp.


Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát về những giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng “loạn” giá, chất lượng, nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật mà nguyên nhân chính là do nhiều sản phẩm không thể tự sản xuất được trong nước.


Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định giống cây trồng, vật nuôi, về cơ bản sản xuất trong nước. “Những thông tin như 60% giống lúa phụ thuộc nước ngoài là không chính xác”, Bộ trưởng khẳng định.


Ở các tỉnh phía Nam, hiện sử dụng phần lớn giống thuần do Việt Nam tự sản xuất. Ở phía Bắc, chỉ một tỉ lệ không nhiều giống lúa lai được nhập khẩu. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định, các giống cao su, cà phê và nhiều loại cây khác đều là giống do Việt Nam chủ động sản xuất. Nhiều giống thuần Việt Nam cho chất lượng cao hơn mặt bằng chung của thế giới. Đối với giống gia súc, gia cầm, Bộ trưởng cho biết hiện Việt Nam chỉ nhập một số con đầu dòng để tổ chức nhân ra, lai tạo thành giống phù hợp nuôi trong nước.


Theo số liệu được Bộ trưởng Cao Đức Phát công bố, hiện Việt Nam tự sản xuất, đáp ứng được 1/2  nhu cầu phân phốt pho; 2/3 nhu cầu phân đạm và còn phải nhập khẩu phân kali.


Đối với thuốc bảo vệ thực vật, Việt Nam chủ yếu nhập nhẩu nguyên liệu, sau đó tiến hành đóng gói, sang chai trong nước. Trong nhiều loại vắc xin dùng cho chăn nuôi, Bộ trưởng cho biết ngành cũng đã sản xuất được trong nước, còn một số loại vẫn phải nhập khẩu.


Trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, Bộ trưởng cho biết hiện Việt Nam chỉ mới tự chủ được khoảng 33%, còn lại phải nhập khẩu nguyên liệu để chế biến trong nước, chủ yếu là ngô, đỗ tương, lúa mỳ.


“Ngành đang khuyến khích mở rộng sản xuất ngô, đỗ tương, trong đó riêng đỗ tương thì hiện Việt Nam chưa có giống cho năng suất vượt trội”, Bộ trưởng nói.


“Tổng thể, Việt Nam đã nâng cao tính tự chủ trong sản xuất giống, nâng cấp khả năng nghiên cứu, sản xuất giống, phân bón, thức ăn... Tuy nhiên nhiệm vụ này cần phải tiếp tục thực hiện hiệu quả, tích cực hơn nữa”, Bộ trưởng khẳng định.


Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng kiến nghị các đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét các luật, đặc biệt là luật về thuế có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào những lĩnh vực này. Bên cạnh đó cần tăng cường nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong và ngoài nước, nghiên cứu, chọn, tạo giống để chuyển giao cho nhân dân.


Đối với việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết vấn đề quan trọng nhất là xây dựng hành lang pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời củng cố hệ thống quản lý thuốc, các loại vật tư, tăng cường kiểm tra chất lượng, đấu tranh quyết liệt với buôn lậu.


K.T (Tổng hợp)