06:06, 13/06/2013

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn về nạn “chặt chém”

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh trả lời phần chất vấn trước Quốc hội (sáng 13-6) đề cập 3 nội dung chính, trong đó nêu giải pháp khắc phục nạn “chặt chém” khách du lịch.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh trả lời phần chất vấn trước Quốc hội (sáng 13-6) đề cập 3 nội dung chính, trong đó nêu giải pháp khắc phục nạn “chặt chém” khách du lịch.

 

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh VGP/Nhật Bắc


Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, từ kỳ họp thứ 2 đến nay, ngành VHTTDL đã nhận được 95 ý kiến của cử tri, trong đó giải quyết được 63 kiến nghị, số còn lại đang triển khai. Với các kiến nghị của ĐBQH, Bộ đã trả lời khá đầy đủ.


Trả lời vấn đề ĐB Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh), Đào Xuân Yên (Thanh Hóa) về giải pháp khắc phục nạn chèo kéo, “chặt chém” du khách ở một số điểm du lịch và giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, điều này có nguyên nhân từ việc phối hợp liên ngành chưa tốt, việc kiểm tra giám sát những điểm có nguy cơ chưa cao, hình thức xử phạt còn thấp.


Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng hiện tượng này không phải là nhiều. Người đứng đầu ngành VHTTDL bày tỏ hoan nghênh một số địa phương đã vào cuộc quyết liệt để xử lý vấn nạn này. Chẳng hạn, tỉnh Thanh Hóa lập đường dây nóng và tổ thường trực tiếp nhận phản ánh của khách hàng để có thể xử lý ngay sự việc xảy ra.


Về giải pháp đưa ngành du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có qua chất vấn của ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết đã có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Du lịch hiện nay đóng góp 6% GDP, giải quyết được việc làm cho 1,4 triệu người. Tại nhiều địa phương du lịch trở thành ngành mũi nhọn như Nha Trang (mỗi ngày có khoảng 5.000 du khách nước ngoài lưu trú). Tuy vậy, ông Hoàng Tuấn Anh cũng thừa nhận du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lớn của đất nước và còn bị các nước trong khu vực “bỏ xa”.


Khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh câu hỏi “Liệu đến 2020, du lịch Việt Nam có phát triển tương xứng với tiềm năng hay không?”, Bộ trưởng cho biết đến năm 2015, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến 2020 phấn đấu thu hút hơn 10 triệu khách quốc tế, thu khoảng 18-20 tỷ USD.
Du lịch có tiềm năng lớn nhưng để biến thành hiện thức cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, Bộ trưởng cho biết.


Liên quan đến nạn “chặt chém” du khách, ĐB Nguyễn Hoài Phương đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về quan điểm nên thành lập lực lượng cảnh sát du lịch. Về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết nhiều nước trong khu vực đã có lực lượng cảnh sát du lịch. Bộ VHTTDL cũng đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhưng đây là vấn đề lớn nên phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong lúc chưa có lực lượng này, ngành du lịch rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của lực lượng cảnh sát trật tự để du lịch môi trường du lịch tốt hơn.


Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị áp dụng camera tại các điểm du lịch trọng điểm, nơi có nguy cơ du khách bị “chặt chém”, bị chèo kéo để giám sát và xử phạt nghiêm hơn. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL đang soạn thảo một nghị định về xử phạt đối với lĩnh vực này một cách nghiêm minh, chặt chẽ với mức phạt cao để đủ sức răn đe những người vi phạm.


Trước chất vấn của ĐB Trương Thị Ánh (TP. Hồ Chí Minh) về tiến trình lựa chọn quốc phục, quốc hoa, đại sứ du lịch hiện nay như thế nào, Bộ trưởng cho hay việc lựa chọn vẫn đang được tiến hành. Đại sứ du lịch sẽ công bố chính thức vào tháng 10 tới.


Trả lời chất vấn của ĐB Phạm Thị Hải trong lĩnh vực văn hóa (về văn hóa lai căng, chương trình nghệ thuật biểu diễn liên quan đến việc ca sỹ, nghệ sỹ, người mẫu ăn mặc phản cảm…), Bộ trưởng cho hay cơ quan chức năng đã tịch thu và tiêu hủy nhiều băng đĩa đồi trụy, phim ảnh bạo lực, hủy cuộc thi Hoa hậu Biển ở Nha Trang. Thời gian tới sẽ tăng cường quản lý như cấp phép biểu diễn phải xét kỹ hồ sơ hơn về nội dung chương trình, năng lực của đơn vị tổ chức, an ninh trật tự có bảo đảm, nghệ sỹ có ăn mặc phản cảm hay không... Tới đây có quy định nghệ sỹ vi phạm sẽ đình chỉ biểu diễn hoặc cấm biểu diễn từ 3-6 tháng.


Cũng trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng trả lời về một số giải pháp cần thiết xây dựng nền văn hóa tiến tiến, nâng cao đạo đức văn hóa xã hội, nâng cao quản lý nhà nước với lễ hội.

 

Tiếp tục phần trả lời chất vấn chiều 13-6, liên quan đến những tiêu cực trong bóng đá, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: “Những tiêu cực trong bóng đá là nỗi day dứt của cử tri, đồng bào cả nước, những người hâm mộ bóng đá”. Bộ trưởng cũng thừa nhận “mặc dù chúng tôi đã có nhiều biện pháp nhưng phản hồi hết sức thấp”. Tiêu cực trong bóng đá tập trung vào 4 đối tượng gồm: vận động viên, huấn luyện viên; cổ động viên; trọng tài; các chủ câu lạc bộ.


Báo cáo với đại biểu Quốc hội những giải pháp khắc phục vấn đề này, Bộ trưởng nói: “Chúng tôi có trách nhiệm xem xét hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hành vi ứng xử của các đối tượng này”. Bên cạnh đó, các chủ đội bóng, câu lạc bộ phải tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức cho các vận động viên. Bản thân huấn luyện viên, vận động viên cũng phải ý thức được trách nhiệm phải rèn luyện phấn đấu, không để tiêu cực xảy ra. Đối với các cổ động viên, chúng tôi đã ban hành những thông tư hướng dẫn cần thiết cho những cổ động viên bóng đá.


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng nhấn mạnh việc tiếp tục củng cố Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thành địa chỉ tin cậy xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước cũng như của cử tri. “Không có gì thay đổi thì tháng 10 này chúng tôi chỉ đạo Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam theo hướng có báo cáo kiểm điểm nghiêm túc, rõ ràng về định kỳ bóng đá vừa qua và phương hướng sắp tới. Đồng thời lựa chọn những người tham gia vào Liên đoàn phải có phẩm chất, năng lực, hết lòng về bóng đá.”


Bộ trưởng cũng cho hay, biện pháp cần thiết cuối cùng là tăng cường xử phạt hành vi vi phạm trong hoạt động thể thao, đặc biệt là trong bóng đá.


Về câu hỏi liên quan đến cơ sở thể thao sau SEA Games 23, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói: “Bộ đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Mặc dù kinh phí còn khó khăn, nhưng đến nay, các thiết chế văn hóa được đầu tư từ Seagame đến giờ được bảo quản tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm nâng cấp sửa chữa để phục vụ ASIAD 2019 sắp tới”.


Về đào tạo vận động viên phục vụ ASIAD 2019, Bộ trưởng cho biết đã khảo sát, tập hợp các số liệu liên quan đến cơ sở vật chất chuẩn bị cho ASIAD cũng như vận động viên, huấn luyện viên, lực lượng trọng tài. Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án triển khai kế hoạch chuẩn bị ASIAD, trong đó có đề án đào tạo vận động viên.


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói: “Việc đào tạo vận động viên rất cần thiết, và kết quả cuối cùng là chúng ta đứng ở vị trí nào? Trên chiến lược về phát triển thể thao của Chính phủ, chúng ta sẽ phấn đấu đứng ở tốp 15/45 quốc gia, vùng lãnh thổ vào năm 2019”. Giải trình trước Quốc hội về sự kiện “hòn đá lạ” ở Đền Hùng, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, sau khi dư luận phản ánh, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện đây là hòn đá do một cá nhân cung tiến, trên hòn đá có chữ viết khó hiểu và Ban quản lý đồng ý cho đặt tại Đền Hùng. “Chúng tôi thấy đây là việc vi phạm pháp luật di sản văn hóa. Chúng tôi đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo Ban quản lý đưa hòn đá này khỏi khu vực Đền Hùng. Và, việc này đã thực hiện xong.” – Bộ trưởng nói.


Về việc có yếu tố tâm linh hay mê tín dị đoan trong vấn đề này hay không, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định, theo quy định của Luật di sản văn hóa thì phải bảo đảm nguyên trạng di tích. Đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt, mọi công việc tu bổ, tôn tạo di tích này đều phải có ý kiến của Bộ. Trong trường hợp này, nếu địa phương báo cáo xin ý kiến Bộ thì sẽ có cả một Hội đồng khoa học, thậm chí là Hội đồng di sản văn hóa thẩm định, cho ý kiến thì chắc chắn không xảy ra trường hợp đáng tiếc.


“Đây là bài học kinh nghiệm, đặc biệt khi hiện nay chúng ta đang xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích. Chúng tôi đề nghị xã hội hóa nhưng không hiện đại hóa di tích, cần bảo đảm yếu tố gốc của vấn đề.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.


Phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng cơ bản đã giải đáp được các câu hỏi của đại biểu.


Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng phối hợp với các Bộ, ngành để có những biện pháp tích cực phát huy cho được sức mạnh của nền văn hóa là động lực tinh thần của đất nước. Đồng thời khắc phục những tồn tại mà các ĐBQH đã nêu trong phiên chất vấn.
 

Theo VOV, Báo điện tử ĐCSVN