10:10, 31/10/2012

Chủ động tạo nguồn phát triển đảng viên

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, qua hơn 8 năm thực hiện Quy định 123 của Bộ Chính trị, việc tạo nguồn, phát triển đảng viên là người có đạo trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Khánh Hòa, qua hơn 8 năm thực hiện Quy định 123 của Bộ Chính trị, việc tạo nguồn, phát triển đảng viên (ĐV) là người có đạo trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Chuyển biến

Thực hiện Quy định 123-QĐ/TW ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị “Quy định một số điểm về kết nạp ĐV đối với người có đạo và ĐV có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo”, hơn 8 năm qua, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp 374 ĐV là người có đạo; trong đó đạo Phật 182 người, đạo Thiên chúa 143, đạo Tin lành 27, đạo Cao Đài 21 và đạo Balamon 1 người. Trong số ĐV được kết nạp có 205 nữ, đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: 220, công chức Nhà nước: 90, viên chức sự nghiệp: 147, công nhân lao động: 61, nông dân: 83; trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên là 300 ÐV. Riêng 3 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh kết nạp 20 ĐV là người có đạo, chiếm 4,3% số ĐV kết nạp mới, nâng tổng số ĐV kết nạp là người có đạo đến tháng 3-2012 là 453 người.

Đạt được kết quả trên là sự nỗ lực lớn của toàn Đảng bộ, bởi thời điểm trước năm 2004, tỷ lệ ĐV kết nạp là người có đạo hàng năm hầu như chỉ chiếm 1% so với số ĐV được kết nạp và đa số ĐV kết nạp là người theo đạo Phật. Đến năm 2007 (thời gian đầu thực hiện Quy định 123), tỷ lệ này tăng từ 1 đến 3%. Những năm về sau (2008 - 2011), tỉ lệ kết nạp ĐV là người có đạo bình quân hàng năm chiếm từ 3,5% trở lên (tăng từ 0,5%) số ĐV kết nạp, trong đó nhiều nhất là đạo Phật và đạo Công giáo.

Đánh giá của BTV Tỉnh ủy cho thấy, đa số ĐV có đạo được kết nạp tuổi đời còn trẻ, năng động, sáng tạo, được đào tạo về chuyên môn, được giáo dục, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị, phát huy năng lực, gương mẫu, quy tụ quần chúng đoàn kết. Đặc biệt, đa số ĐV có khả năng thuyết phục và vận động quần chúng tín đồ thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; được chi bộ, ĐV và quần chúng nhân dân tín nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người ĐV và chức trách, nhiệm vụ chuyên môn được giao. Nhiều đồng chí hiện đảm nhiệm các chức vụ trưởng, phó phòng, ban của huyện, thị, thành phố và lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, thời gian qua chưa có ĐV nào là người có đạo vi phạm kỷ luật.

Quan tâm công tác tạo nguồn

Tuy đạt được kết quả trên, nhưng theo đánh giá của BTV Tỉnh ủy, việc thực hiện Quy định 123 thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, vận động, theo dõi giúp đỡ quần chúng ưu tú có đạo và có nguyện vọng vào Đảng chưa được thường xuyên, rộng rãi; động cơ phấn đấu vào Đảng của người có đạo còn hạn chế. Một số ĐV, nhất là ĐV lớn tuổi chưa nhiệt tình, tự giác giúp đỡ quần chúng trưởng thành để kết nạp Đảng. Một số địa phương chưa chủ động, tích cực và quan tâm đúng mức đến công tác tạo nguồn, phát triển ĐV là người có đạo. Thậm chí có đảng bộ cấp huyện, nơi nhiều đồng bào theo đạo nhưng đến nay vẫn chưa xem xét kết nạp được ĐV là người có đạo. Bên cạnh đó, một bộ phận quần chúng nhân dân là người có đạo do chưa hiểu đúng, chưa nhận thức đầy đủ về Đảng nên còn có những băn khoăn. Tỷ lệ kết nạp ĐV là người có đạo còn thấp so với số được cử đi học tập, bồi dưỡng nhận thức về Đảng; chưa phát triển được ĐV là các chức sắc, chức việc.

Để việc thực hiện Quy định 123 đạt kết quả cao hơn, BTV Tỉnh ủy yêu cầu trong thời gian tới, các cấp ủy đảng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Quy định 123 của Bộ Chính trị cũng như hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương cho cán bộ, ĐV, nhất là cấp ủy đảng hiểu và thực hiện đúng. Hàng năm, các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, đề ra chủ trương, định hướng về công tác tôn giáo; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, giúp đỡ những quần chúng ưu tú là người có đạo phấn đấu vào Đảng; quan tâm tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào có đạo thực hiện tốt đường lối, chính sách tôn giáo, đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước. Chủ động làm tốt công tác tạo nguồn phát triển ĐV, phát động sâu rộng các phong trào với nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm tình hình ở từng địa phương, đơn vị nhằm tạo điều kiện phát hiện, lựa chọn những quần chúng ưu tú là người có đạo để giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, tạo nguồn kết nạp ĐV. Xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh làm cơ sở cho công tác phát triển ĐV...

NGỌC KHÁNH