01:10, 22/10/2012

Chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Sau gần 2 năm triển khai đào tạo, bồi dưỡng, mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong tỉnh Khánh Hòa đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước.

Sau gần 2 năm triển khai đào tạo, bồi dưỡng, mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ (CB), công chức (CC) trong tỉnh Khánh Hòa đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước.

Chủ động trong đào tạo, bồi dưỡng

Với mục tiêu xây dựng đội ngũ CB, CC chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, năm 2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CB, CC giai đoạn 2011 - 2015. Qua gần 2 năm triển khai, chất lượng CB, CC trong tỉnh đã được nâng cao. 100% CB, CC tỉnh và cấp huyện có trình độ trung học phổ thông (THPT), trong đó có gần 70% trình độ đại học (ĐH), 5,3% trên ĐH. Đối với cấp xã, CB trình độ THPT chiếm gần 82,2% (trong đó có hơn 17,1% trình độ ĐH); CC trình độ THPT chiếm 98% (trong đó có gần 16,1% trình độ ĐH). Bên cạnh đó, trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước... của CB, CC cũng được chú trọng. Tỉnh cũng quan tâm đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ để chuẩn hóa đội ngũ CB, CC theo từng ngạch CC. Trên cơ sở ý kiến phê duyệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Trường Chính trị tỉnh đã liên kết với các trường ĐH, học viện để chiêu sinh, tổ chức các lớp bậc ĐH, trung cấp ở nhiều chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau. Các lớp đã thu hút hơn 900 CB, CC đăng ký thi tuyển, xét tuyển để tham gia học (trong đó CB, CC cấp xã tham gia học chiếm hơn 60%). Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, viên chức ở trình độ cao như: thạc sĩ, tiến sĩ,  chuyên khoa I, chuyên khoa II. Mặt khác, hàng năm, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ nhằm cập nhật thông tin, kiến thức chuyên ngành...

 Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đang từng bước nâng cao trình độ trong xử lý công việc.
  Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đang từng bước nâng cao trình độ trong xử lý công việc.

Để đạt được kết quả trên, bên cạnh hướng dẫn của Bộ Nội vụ và kế hoạch của địa phương, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan căn cứ vào tình hình thực tế để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hàng năm. Trong năm 2011, HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết quy định về chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, viên chức với mức tăng hơn 40% so với Nghị quyết năm 2008. Những chủ trương, chính sách hợp lý đã giúp các sở, ban, ngành và cấp huyện chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CB, CC hàng năm nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, chuẩn hóa đội ngũ kế cận đến năm 2015 và giai đoạn 2015 - 2020.

Chú trọng về nội dung đào tạo và giáo viên

Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC của tỉnh đảm bảo đúng khung chương trình cũng như chuẩn xác về nội dung tài liệu được Bộ Nội vụ ban hành. Ngoài ra, đối với tài liệu theo phân cấp, từ cuối năm 2011, Sở Nội vụ đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh biên soạn một số tài liệu để phục vụ tập huấn đại biểu HĐND cấp huyện và xã. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác, các bộ, ngành Trung ương để soạn thảo và xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chuyên ngành; chương trình, tài liệu cập nhật theo vị trí làm việc, tổ chức... trong thời gian tới.

Mặt khác, khi triển khai thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh đã giao Sở Nội vụ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho CB, CC cấp xã. Trong tháng 8-2012, UBND tỉnh đã phê duyệt 51 CB, CC, viên chức thuộc các sở, ban, ngành, trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh tham gia làm giảng viên để bồi dưỡng CB, CC cấp xã. Bên cạnh đó, tỉnh đã cử giảng viên nguồn tham gia các lớp tập huấn do Bộ Nội vụ tổ chức. Đây là những giảng viên tập huấn lại cho các giảng viên trực tiếp giảng dạy các lớp bồi dưỡng CB, CC cấp xã. Vừa qua, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Tiến sĩ Nguyễn Nam Hà - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho rằng, hiện nay, trường đảm nhiệm đào tạo, bồi dưỡng hơn 90% số lượng học viên là CB, CC trong tỉnh. Việc tập trung đào tạo về một mối sẽ đảm bảo cho công tác quản lý. Về chương trình khung, trường đang đào tạo theo đúng quy chế của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Đề nghị Bộ Nội vụ cũng có chương trình khung để tỉnh xây dựng chương trình đào tạo theo đặc thù của tỉnh...

Tuy đạt được những kết quả rõ rệt nhưng hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC của tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, cần quan tâm tháo gỡ. Tuy chế độ, chính sách của tỉnh đã từng bước được điều chỉnh nhưng vẫn chưa thực sự động viên CB, CC đi học sau ĐH; chưa thu hút được nhiều lực lượng trẻ, CB được đào tạo trình độ cao về địa phương công tác. Trong khi đó, cơ chế khoán chi trong các cơ quan hành chính đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc cử CB, CC đi đào tạo, bồi dưỡng. Mặt khác, quy định không giảng vượt giờ quá 200 tiết đối với giảng viên đã gây nhiều bất cập cho Trường Chính trị, giảng viên kiêm chức phần lớn chưa được bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp sư phạm, hay bị động vì công việc chuyên môn...

HOÀNG TRIỀU

Tính từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức 3 lớp Cao cấp Lý luận Chính trị - Hành chính với 354 học viên, 23 lớp Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính với 1.585 học viên; 9 lớp Quản lý nhà nước với 696 học viên (chương trình chuyên viên và chuyên viên chính). Tỉnh cử 165 trường hợp đi đào tạo sau ĐH; hơn 250 CB, CC học các lớp Tiếng Anh thương mại…

Vừa qua, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đánh giá cao công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC của địa phương. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, tỉnh cần chú trọng tuyển dụng chuẩn đầu vào, đặc biệt là ở cơ sở, Nhà nước chỉ đào tạo nâng cao hoặc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm bồi dưỡng CB, CC theo chế độ bắt buộc (40 tiết/năm) theo vị trí việc làm và nhu cầu công việc để khắc phục tình trạng đào tạo nhiều nhưng không có chất lượng.