09:09, 24/09/2011

Phụ thuộc vào nhận thức của gia đình và cộng đồng

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có gần 70 trẻ em bị tai nạn thương tích. Nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của người lớn. Vì thế, việc phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ cần được coi là việc làm cần thiết, trước tiên phải từ người thân của các em.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có gần 70 trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT). Nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của người lớn. Vì thế, việc phòng, tránh TNTT cho trẻ cần được coi là việc làm cần thiết, trước tiên phải từ người thân của các em.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 65 trẻ em bị TNTT, trong đó có 9 em tử vong (7 em bị tử vong do đuối nước, 2 em tử vong do tai nạn giao thông). Năm 2009, số trẻ em bị TNTT là 375 trường hợp, trong đó có 10 em tử vong (9 em bị đuối nước và 1 em bị điện giật); năm 2010 có 112 trường hợp bị TNTT, trong đó có 15 em tử vong, đều do đuối nước.

TNTT đến với các em bởi nhiều lý do khác nhau và rất bất ngờ. Ở miền núi thường xảy ra tai nạn do rắn cắn, ngộ độc nấm, quả cây lạ. Khu vực gần sông suối, biển thì các em bị đuối nước. Khu vực gần đường, các em thường tràn xuống lòng đường để chơi đùa, đá bóng nên tai nạn giao thông dễ xảy ra. Có trường hợp đáng buồn, TNTT lại xảy ra ở chính trong ngôi nhà các em đang sống. Người lớn cứ nghĩ ở nhà là mọi thứ đều an toàn; nhưng thực ra, có nhiều nguy cơ gây mất an toàn đối với các em. Ổ cắm điện, lọ thuốc, ấm nước sôi, bếp, bậc cầu thang, dao, kéo và các vật sắc nhọn đều có thể gây tai nạn cho các em.

Trẻ em cần phải được bảo vệ và chăm sóc tốt mới phòng tránh được tai nạn.

 

Nguyên nhân chính dẫn đến TNTT đối với các em là do sự bất cẩn, sự thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em của các bậc làm cha mẹ. Trẻ em vốn rất hiếu động, thích khám phá, thấy người lớn làm gì thì bắt chước làm theo. Vì vậy, để phòng, tránh TNTT đối với trẻ em, rất cần các bậc cha mẹ giám sát, loại bỏ những nguy cơ gây mất an toàn. Những nơi mất an toàn như: bếp ga, giếng nước... phải có vách ngăn. Những vật sắc nhọn, nguy hiểm như: ổ điện, dao kéo, thuốc uống cần để ở nơi ngoài tầm với của trẻ, đồng thời phải luôn luôn để mắt tới quá trình vui chơi của trẻ ở mọi lúc mọi nơi.

Về công tác phòng, chống TNTT trẻ em ở cộng đồng, ông Trần Thanh Trí - cán bộ Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho biết: Hàng năm, các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn đều có kế hoạch triển khai thực hiện hoạt động phòng, chống TNTT cho trẻ em. Đó là cấp phát tài liệu truyền thông về phòng, chống đuối nước, bỏng, ngã, điện giật... cho các cơ sở, đơn vị bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống TNTT bằng cách lồng ghép nội dung phòng, chống TNTT vào nội dung xây dựng gia đình văn hóa, khu phố - làng văn hóa; thực hiện các hoạt động truyền thông trực tiếp ở địa bàn dân cư thông qua các buổi tư vấn cộng đồng hoặc lồng ghép nội dung phòng, chống TNTT vào các cuộc họp, sinh hoạt thôn, tổ, đoàn thể và các câu lạc bộ “Ông bà cháu”, “Quyền trẻ em”. Đặc biệt, đối với công tác phòng tránh đuối nước trẻ em, năm 2009 - 2010, Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, Phòng Giáo dục tổ chức tập huấn kỹ năng bơi cho các giáo viên dạy môn thể dục và giáo viên tổng phụ trách Đội. Riêng TP. Cam Ranh đã tập huấn kỹ năng bơi cho 120 giáo viên mầm non, 120 giáo viên tiểu học; TP. Nha Trang tổ chức các lớp dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở các xã, phường ven sông, biển.

Thông qua những hoạt động như vậy nhằm nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng về bảo vệ an toàn cho trẻ không để xảy ra TNTT đáng tiếc. “Tuy nhiên, thời gian qua, TNTT trẻ em vẫn liên tục xảy ra. Một phần do ý thức của người lớn, một phần do hệ thống thu thập thông tin về phòng, chống TNTT trẻ em vẫn còn hạn chế do đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở còn thiếu và yếu. Trong khi đó, nguồn kinh phí tỉnh chi cho công tác phòng, chống TNTT cho trẻ em còn thấp. Việc triển khai thực hiện thí điểm ngôi nhà an toàn cho trẻ em chỉ thực hiện được ở một số địa phương do chưa được đầu tư và hỗ trợ kinh phí” - ông Trí cho biết. Do đó, công tác phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền để những đơn vị bảo vệ và chăm sóc trẻ em đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống TNTT cho trẻ em. Bên cạnh đó, xây dựng mạng lưới “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” theo Quyết định 548/QĐ-LĐTBXH về quy định tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng, chống TNTT trẻ em của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành ngày 6-5-2011. Đặc biệt, tập trung cho công tác phòng tránh đuối nước cho trẻ em, bằng cách phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo nâng cao kiến thức về phòng, chống TNTT trẻ em trong trường học. Hàng năm, tổ chức thi bơi cho học sinh các cấp nhằm đẩy mạnh phong trào phổ cập bơi phòng tránh đuối nước cho trẻ em…

Đâu là môi trường an toàn cho trẻ em? Điều này phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người lớn trong mỗi gia đình và sự quan tâm của chính quyền các cấp.

[poll(7815)]

MINH THIẾT