06:04, 25/04/2011

Dù ở cương vị nào, các đại biểu Quốc hội tỉnh cũng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực tham gia các hoạt động trong nghị trường cũng như nhiều hoạt động bên lề; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà để kịp thời đề đạt, kiến nghị...

Trong nhiệm kỳ Quốc hội (QH) khóa XII, Đoàn đại biểu (ĐB) QH tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực tham gia các hoạt động trong nghị trường cũng như nhiều hoạt động bên lề; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà để kịp thời đề đạt, kiến nghị đến QH và các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương giải quyết. Phóng viên Báo Khánh Hòa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa xung quanh những kết quả đạt được của Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa.

- P.V: Nhiệm kỳ qua, QH khóa XII đã quyết định được nhiều vấn đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ổn định quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội của đất nước. Những kết quả đó có sự đóng góp tích cực của Đoàn ĐBQH tỉnh. Xin ông cho biết kết quả nổi bật mà Đoàn ĐBQH tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua?

- Ông Nguyễn Tấn Tuân: Nhận định về QH khóa XII, nhiệm kỳ 2007 - 2010, kỳ họp thứ 9 QH khóa XII đã nhất trí đánh giá như sau: QH khóa XII hoạt động trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn, thách thức. Công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo sau 20 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế tăng trưởng nhanh; cơ sở vật chất được tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị xã hội ổn định; uy tín và vị thế của nước ta trên trường thế giới được nâng cao. Tuy nhiên, kinh tế vẫn ở trình độ thấp, chất lượng tăng trưởng còn hạn chế; cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; thiên tai dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi; tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ và suy giảm kinh tế thế giới đã tác động bất lợi đến phát triển KT-XH của nước ta. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng còn tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Trong bối cảnh đó, QH khóa XII đã kế thừa, phát huy những thành quả, bài học kinh nghiệm của QH các khóa trước, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ cả về tổ chức và phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn vào những thành tựu chung của đất nước. Hoạt động lập pháp tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều tiến bộ cả về số lượng, chất lượng và quy trình, thủ tục; cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước; hoạt động giám sát được tăng cường, có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức tiến hành, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân; hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.

Trong thành tựu chung mà QH khóa XII đạt được có sự đóng góp tích cực của Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa. Nhiệm kỳ qua, được sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ QH, sự quan tâm của Tỉnh ủy, sự phối hợp của HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã tăng cường các hoạt động theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức QH, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần cho sự thành công của QH khóa XII. Đoàn đã thực hiện tốt 3 chức năng cơ bản là xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, nhiệm kỳ qua, Đoàn đã chủ trì tổ chức góp ý kiến vào 67 dự án luật bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý các dự án luật, đặc biệt là lấy ý kiến các đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của luật như: phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật…; hợp đồng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân là chuyên gia trong từng lĩnh vực liên quan để đóng góp ý kiến cho các dự án luật.

Đoàn đã tổ chức 8 cuộc giám sát chuyên đề. Việc giám sát được chuẩn bị chu đáo, khoa học; giám sát đến tận cơ sở tổ, thôn, hộ gia đình. Qua đó đã kịp thời ghi nhận và phản ánh với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Công tác tiếp xúc cử tri có sự đổi mới theo hướng ngày càng thiết thực, hiệu quả, tạo không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, giữa ĐBQH với cử tri, nắm bắt đầy đủ, sâu sắc tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Thường trực UBMTTQVN vàø Thường trực HĐND các cấp tổ chức 578 buổi tiếp xúc cử tri tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, thu hút hơn 170.000 lượt cử tri tham dự. Qua các buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn đã ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp, kiến nghị của cử tri, tổng hợp báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ QH cũng như gửi đến UBND tỉnh những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương để xem xét và từng bước giải quyết. Nhiệm kỳ 2007 - 2011, Đoàn đã tổng hợp gửi Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ và các bộ, ngành 448 ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh và đã nhận được sự quan tâm trả lời của các cơ quan hữu quan.

Đối với hoạt động tiếp công dân, Đoàn đã tổ chức 18 buổi tiếp công dân, với hơn 29 lượt công dân đến khiếu nại, phản ánh và bày tỏ nguyện vọng với các cơ quan Trung ương và địa phương. Đoàn cũng rất quan tâm đến công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong khóa XII, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được 312 đơn khiếu nại và 63 đơn tố cáo của công dân, đã chuyển đơn thư đến các cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đoàn đã tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như: kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm; quyết định chủ trương đầu tư dự án, công trình quan trọng quốc gia như: chủ trương đầu tư Dự án Thủy điện Lai Châu và Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận… Đoàn cũng tham gia quyết định tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của Nhà nước; điều chỉnh địa giới hành chính giữa một số tỉnh; thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.

Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh còn làm tốt vai trò là cầu nối giữa tỉnh với QH, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, góp phần vào việc phát triển KT-XH của tỉnh nhà.

Nhìn chung, QH khóa XII, nhiệm kỳ 2007 - 2011 tuy rút ngắn 1 năm so các khóa trước, song đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc đối với đất nước, với cử tri. Đoàn ĐBQH Khánh Hòa rất tự hào được tham gia đóng góp vào thành công chung của QH khóa XII.

- P.V: Trong từng lĩnh vực được phân công, các ĐBQH tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Ông có thể cho biết tinh thần trách nhiệm đối với các kỳ họp; tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri để thảo luận tại diễn đàn QH của các ĐB tỉnh Khánh Hòa trong nhiệm kỳ qua?

- Ông Nguyễn Tấn Tuân: Đoàn ĐBQH tỉnh có 7 ĐB, trong đó có 3 ĐB Trung ương và 4 ĐB địa phương, có 2/7 ĐB hoạt động chuyên trách gồm: 1 đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, 1 đồng chí Phó trưởng Đoàn; các ĐB khác hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: công tác Đảng, quân đội, giáo dục. Các ĐB đều có trình độ về chuyên môn và lý luận, từ đó có thuận lợi cơ bản trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ người đại diện cho nhân dân tỉnh Khánh Hòa tại cơ quan quyền lực cao nhất đất nước. Tất cả ĐBQH của đoàn đều là thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Đây là một thuận lợi để các vị ĐBQH trong Đoàn phát huy được hiểu biết và kiến thức chuyên môn trong việc tham gia các hoạt động giám sát, xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Hoạt động của các ĐBQH tỉnh trên các lĩnh vực đã thể hiện là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, là cầu nối thường xuyên giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đáp ứng với yêu cầu đổi mới hoạt động của QH, thực hiện được lời hứa của mình khi đã được cử tri tín nhiệm bầu mình làm ĐBQH. Trong quá trình hoạt động, từng ĐB vừa cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa thực hiện một cách cơ bản nhiệm vụ quyền hạn của ĐBQH, đồng thời hoàn thành được nhiệm vụ là thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH.

Các vị ĐBQH trong đoàn đã chấp hành tốt nội quy kỳ họp QH, tích cực tham gia các hoạt động chung của QH, của Đoàn ĐBQH tỉnh với tinh thần trách nhiệm là người đại diện của cử tri tỉnh nhà tại cơ quan quyền lực cao nhất; thường xuyên gắn bó, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri nhằm phát hiện, ghi nhận các vấn đề bức xúc trong thực tiễn để đề xuất ý kiến, thảo luận hoặc thực hiện quyền chất vấn; tham gia đầy đủ các kỳ họp QH và tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận ở hội trường, các phiên chất vấn; vừa phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri gửi gắm đến QH, Chính phủ, vừa thể hiện rõ quan điểm của cá nhân đối với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước cũng như đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện các dự án luật. Trong nhiệm kỳ, các ĐBQH tỉnh đã tham gia phát biểu tại hội trường 76 lần, tham gia phát biểu tại tổ 266 lần. Các ý kiến góp ý của Đoàn được Đoàn thư ký kỳ họp ghi nhận, tổng hợp, được Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ tiếp thu. Đoàn cũng đã tham gia các đợt giám sát, khảo sát do Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH, các ban của Ủy ban Thường vụ QH và Đoàn ĐBQH tổ chức; nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, thường xuyên theo dõi và đôn đốc việc giải quyết đơn thư công dân của các cơ quan có thẩm quyền.

Có thể nói, dù ở cương vị nào, các ĐBQH tỉnh cũng đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của người ĐBQH và cơ bản đáp ứng được kỳ vọng của cử tri gửi gắm vào người ĐB dân cử.

- P.V: Chỉ còn gần một tháng nữa, cử tri trong tỉnh sẽ thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình để lựa chọn những ứng cử viên ưu tú làm ĐBQH khóa XIII. Nhằm phát huy vai trò của ĐBQH trong nhiệm kỳ tới, theo ông, các ĐB của tỉnh cần phải làm gì để thật sự là người đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước?

Nhiệm kỳ QH khóa XIII sẽ bắt đầu và hoạt động trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng vào cuộc sống nhằm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Để đáp ứng được yêu cầu là cơ quan ĐB cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, đòi hỏi QH khóa XIII phải đổi mới tổ chức và hoạt động một cách căn bản hơn, tạo một bước tiến mạnh mẽ về xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam theo thiết chế dân chủ. Nhiệm vụ của QH nói chung và từng ĐBQH nói riêng là rất nặng nề.

Theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ QH, nhiệm kỳ 2011 - 2016, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa sẽ có 7 ĐB, trong đó có 3 ĐB Trung ương. Để phát huy tốt vai trò của người ĐB dân cử, theo tôi, các ĐBQH của tỉnh cần phải hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ của người ĐB được quy định tại Luật Tổ chức QH. Trước hết, mỗi ĐBQH phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật; phải hoàn thành tốt công tác chuyên môn; tham gia đầy đủ các hoạt động của QH, các cơ quan của QH, Đoàn ĐBQH; phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người ĐBQH. Có như vậy, cùng với việc không ngừng học tập, nghiên cứu, nắm bắt thực tiễn, người ĐBQH mới có điều kiện để thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với QH và cơ quan Nhà nước hữu quan, đồng thời có cơ sở để tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình, người ĐBQH còn đại diện cho nhân dân cả nước, là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong QH; do đó, việc tiếp xúc cử tri phải là nhiệm vụ thường xuyên, không chỉ giới hạn ở việc tiếp xúc với cử tri tại đơn vị bầu cử của mình mà còn phải tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi công tác và phải là cầu nối giữa cử tri với QH và chính quyền. Thực tiễn cho thấy, do yêu cầu công tác, có ĐB, nhất là những đồng chí giữ trọng trách quan trọng trong các cơ quan Nhà nước rất khó bố trí thời gian để tiếp xúc cử tri theo kế hoạch chung của Đoàn ĐBQH, song với ý thức trách nhiệm cao với cử tri, các đồng chí đã bố trí tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi công tác, đồng thời tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Một trong những vấn đề mà theo tôi ĐBQH cần quan tâm đó là xử lý hài hòa quyền lợi giữa địa phương và quyền lợi của cả nước. Khi tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, người ĐB phải hoàn thành tốt vai trò là người đại diện cho nhân dân cả nước tại cơ quan quyền lực cao nhất, đồng thời phải làm cầu nối giữa địa phương với Trung ương, giữa nhân dân với chính quyền các cấp. Xác định việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân là nhiệm vụ của mình, người ĐB sẽ hoàn thành tốt trọng trách mà cử tri, nhân dân giao phó cho mình qua lá phiếu bầu cử.

P.V: Xin cảm ơn ông!

HOÀNG TRIỀU (Thực hiện)