11:09, 29/09/2010

Những giải pháp để ổn định và phát triển nguồn thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015

Ngày 28-9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa (46 Trần Phú, Nha Trang), trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVI, các đại biểu đã nghe một số tham luận của đại diện các đơn vị, ban, ngành. Dưới đây là tham luận của Sở Tài chính Khánh Hòa về “Những giải pháp để ổn định và phát triển nguồn thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015.

Ngày 28-9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa (46 Trần Phú, Nha Trang), trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVI, các đại biểu đã nghe một số tham luận của đại diện các đơn vị, ban, ngành. Dưới đây là tham luận của Sở Tài chính Khánh Hòa về “Những giải pháp để ổn định và phát triển nguồn thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015.

Mục tiêu thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn đến năm 2015 sẽ tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Năm 2010, dự kiến thu NSNN trên địa bàn đạt trên 7.000 tỷ đồng. Như vậy, số tuyệt đối phải thu đạt trên 17.500 tỷ đồng và tăng thu ngân sách hàng năm bình quân khoảng 20%/năm. Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện tốt nhiều giải pháp như: tổ chức tốt việc quản lý thu, chi ngân sách; vận dụng các chính sách và cơ chế tài chính để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường mọi biện pháp huy động vốn từ các thành phần kinh tế; cải tiến công tác thu thuế để thu đúng thu đủ, không bỏ sót nguồn thu; Thực hiện quản lý chi ngân sách theo dự toán được giao, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm cần có sự thay đổi mang tính đột phá, tránh tình trạng đầu tư phân tán. Trong công tác quản lý ngân sách cần chú trọng đến khâu lập dự toán và phân bổ ngân sách sát với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, phải tiếp tục cơ cấu lại ngân sách địa phương, ưu tiên cho đầu tư phát triển đạt trên 50% tổng chi ngân sách địa phương, chú trọng đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm, tạo cú hích cho việc tăng trưởng kinh tế. Thực hiện tốt các chính sách xã hội hóa ở các lĩnh vực có tỷ trọng chi ngân sách cao như giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao… để giảm áp lực chi ngân sách, dành vốn cho đầu tư phát triển. Thực hiện triệt để tiết kiệm đi đôi với nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước.

Phương hướng đầu tư phát triển của tỉnh trong những năm tới và định hướng đến năm 2015 là phải đầu tư có trọng điểm, tập trung nhất là các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch… để đem lại hiệu quả cao. Nhưng để đạt được mục đích đề ra, cần khai thác cao nhất các nguồn vốn đầu tư xã hội thông qua các kênh như tín dụng Nhà nước, khu vực doanh nghiệp Nhà nước và dân cư thuộc các thành phần kinh tế, cùng với vốn từ NSNN để đáp ứng kịp thời tiến độ thi công các công trình và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế của tỉnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Bên cạnh đó, tập trung huy động vốn với nhiều chính sách đa dạng, phong phú nhằm phát huy cao nguồn lực tại địa phương và phân bổ nguồn lực hợp lý đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển. Việc huy động vốn được thực hiện thông qua 2 kênh chủ yếu với các công cụ tài chính khác nhau. Đó là kênh huy động vốn gián tiếp được thực hiện thông qua các hệ thống ngân hàng, các quỹ tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển trên địa bàn tỉnh, huy động nguồn vốn ODA của nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Thứ hai là kênh huy động vốn trực tiếp thực hiện thông qua thị trường chứng khoán.

Huy động nguồn vốn đầu tư đạt kết quả chính là góp phần rất lớn đến quá trình tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, gia tăng xuất khẩu và tăng tích lũy cho nền kinh tế của tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và văn hóa ngày càng tăng của nhân dân trong tỉnh Khánh Hòa.

B.K