11:09, 29/09/2010

Một số giải pháp nhằm thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng bộ tỉnh

Ngày 28-9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa (46 Trần Phú, Nha Trang), trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVI, các đại biểu đã nghe một số tham luận của đại diện các đơn vị, ban, ngành. Dưới đây là tham luận của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa về “Một số giải pháp nhằm thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa”

Ngày 28-9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa (46 Trần Phú, Nha Trang), trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVI, các đại biểu đã nghe một số tham luận của đại diện các đơn vị, ban, ngành. Dưới đây là tham luận của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa về “Một số giải pháp nhằm thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa”

Trong nhiệm kỳ qua, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp ở tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy Đảng và bước đầu đã đạt được những kết quả thiết thực; rõ nét nhất là đã chủ động tạo được nguồn cán bộ nhiều hơn về mặt số lượng, chuẩn hóa về mặt chất lượng, trình độ đội ngũ cán bộ được nâng lên một bước đáng kể, góp phần quan trọng trong việc khắc phục dần tình trạng bị động, lúng túng, hụt hẫng trong công tác cán bộ ở các cấp. Theo đó, cấp tỉnh quy hoạch Ban Chấp hành (BCH) 103 đồng chí, Ban Thường vụ (BTV) 25 đồng chí, 6 chức danh chủ chốt 26 đồng chí; cấp sở, ban, ngành tỉnh quy hoạch 222 đồng chí; cấp huyện quy hoạch BCH 564 đồng chí, BTV và các chức danh chủ chốt 159 đồng chí, cấp xã - phường - thị trấn đã triển khai quy hoạch BCH, BTV và các chức danh chủ chốt ở 137/137 đơn vị.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch cán bộ các cấp trong tỉnh cũng còn những thiếu sót, khuyết điểm ở những mức độ khác nhau. Trong đó, hạn chế và yếu kém nổi bật là: tình trạng khép kín công tác quy hoạch cán bộ vẫn còn ở một số địa phương, đơn vị; chưa có quy hoạch tổng thể cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của toàn hệ thống chính trị. Ở một số đầu ngành, địa phương, đơn vị, công tác quy hoạch cán bộ còn bị động và lúng túng, vẫn còn tình trạng hẫng hụt cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ và cán bộ cấp xã, phường, trị trấn là khâu yếu nhất; chất lượng quy hoạch đội ngũ cán bộ ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu cả trước mắt cũng như lâu dài.

Để công tác quy hoạch cán bộ các cấp của tỉnh trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 phấn đấu đạt được mục tiêu tổng hợp là tạo nguồn và xây dựng đội ngũ cán bộ một cách chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng yêu cầu cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; khắc phục cơ bản tình trạng bị động, hẫng hụt, nhất là hẫng hụt cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong công tác cán bộ các cấp, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề xuất một số vấn đề trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới: Thứ nhất là, đầu năm thứ hai sau đại hội đảng bộ của mỗi cấp (nhiệm kỳ 2010 - 2015), trên cơ sở đánh giá cán bộ cuối năm, cấp ủy các cấp cần sớm có kế hoạch chỉ đạo và tiến hành công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của cấp mình và cấp dưới cho nhiệm kỳ tiếp theo. Việc thực hiện quy hoạch cán bộ phải đồng bộ từ cấp dưới lên cấp trên; cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới quy hoạch cán bộ; lấy quy hoạch cán bộ cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ cấp trên, quy hoạch cấp trên thúc đẩy quy hoạch cấp dưới. Đồng thời, hàng năm phải rà soát, bổ sung quy hoạch.

Thứ hai, cấp ủy các cấp trước khi tiến hành công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ 2015 - 2020 cần tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị khóa IX, Kế khoạch số 25 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy để tạo sự thống nhất về nhận thức và có nhận thức đúng về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong cấp ủy, trong cán bộ đảng viên các địa phương đơn vị. Trong đó, cần thông suốt nhận thức trong cấp ủy và cán bộ, đảng viên về cán bộ ở thời điểm quy hoạch không nhất thiết phải đáp ứng đầy đủ điều kiện và tiêu chuẩn của chức danh quy hoạch, mà còn gồm cả những người đáp ứng cơ bản tiêu chuẩn chức danh quy hoạch, có triển vọng phát triển và cần được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn hoặc đào tạo bồi dưỡng để chuẩn bị nguồn nhân sự cho chức danh quy hoạch.

Thứ ba, khi tiến hành công tác quy hoạch cán bộ, cấp ủy các cấp cần thực hiện đúng nguyên tắc bảo đảm vai trò lãnh đạo tập trung của các cấp ủy Đảng đi đôi với việc phát huy trách nhiệm các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, mở rộng dân chủ trong việc phát hiện nguồn, phát hiện tài năng, nhất là chú trọng phát hiện nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ; đồng thời phải thực hiện đầy đủ các bước quy hoạch cán bộ. Trong đó, cần làm tốt một số vấn đề trọng tâm: Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gắn với các khâu khác trong công tác cán bộ (đánh giá, luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng…) và gắn kết với quy hoạch chung của đội ngũ cán bộ. Quy hoạch cán bộ phải bảo đảm phương châm “mở” và “động”. Cần nhận thức đúng mối quan hệ giữa quy hoạch cán bộ và bố trí nhân sự, trong đó, quy hoạch cán bộ là tạo nguồn chủ động chuẩn bị cán bộ cho chức danh quy hoạch, bố trí nhân sự là sự lựa chọn người có thể đảm đương ngay vị trí lãnh đạo, quản lý khi có nhu cầu; phải đảm bảo về số lượng nguồn đưa vào quy hoạch theo quy định là quy hoạch BCH, BTV có 1,5 - 2 lần so với số lượng đương nhiệm; quy hoạch mỗi chức danh có từ 2 - 3 cán bộ và mỗi cán bộ quy hoạch vào từ 2 - 3 chức danh; phải đảm bảo yêu cầu về cơ cấu độ tuổi, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch cán bộ nữ và cán bộ trẻ nhằm tạo nguồn đáp ứng yêu cầu của công tác nhân sự nhiệm kỳ 2015 - 2020; cần nghiêm túc thực hiện việc công khai trong công tác quy hoạch cán bộ.

Thứ tư, để nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác quy hoạch cán bộ, yếu tố có ý nghĩa quyết định hàng đầu là vai trò, trách nhiệm lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của cấp ủy Đảng. Do đó, đòi hỏi mỗi cấp ủy Đảng, người đứng đầu phải có tư duy chiến lược, có tầm nhìn xa trong lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác quy hoạch cán bộ. Đồng thời, cấp ủy cấp trên cần quy định rõ trách nhiệm của tập thể cấp ủy và nhất là người đứng đầu cơ quan; đơn vị cấp dưới phải chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả và chất lượng lượng của công tác quy hoạch cán bộ, coi đây là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trụ của tập thể và cá nhân lãnh đạo mỗi cơ quan, đơn vị.

Thứ năm, Tỉnh ủy và các huyện ủy, thị ủy, thành ủy cần chỉ đạo xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của toàn hệ thống chính trị các cấp nhằm khắc phục tình trạng khép kín trong công tác quy hoạch cán bộ ở các cấp, các ngành, là bước chuẩn bị để chủ động trong công tác luân chuyển, bố trí cán bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Thứ sáu, nâng cao hơn nữa vai trò, năng lực tham mưu của cơ quan tổ chức và cán bộ làm công tác tổ chức các cấp để đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ nói chung và công tác quy hoạch cán bộ nói riêng trong giai đoạn mới.

X.T