06:06, 16/06/2009

Tự hào truyền thống Sư đoàn 305

Cách đây 55 năm, ngày 30-8-1954, theo quyết định của Liên khu ủy, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5, Đại đoàn 305 được thành lập tại Quảng Ngãi (sau đổi tên thành Sư đoàn 305)...

Cách đây 55 năm, ngày 30-8-1954, theo quyết định của Liên khu ủy, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5, Đại đoàn 305 được thành lập tại Quảng Ngãi (sau đổi tên thành Sư đoàn 305). Sư đoàn 305 gồm 3 Trung đoàn bộ binh 108, 96, 210 và Trung đoàn 44 pháo binh (Trung đoàn 108 và Trung đoàn 96 đã được Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân).

NHỮNG CHIẾN CÔNG LẪY LỪNG CỦA SƯ ĐOÀN 305

Tại chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, hội nghị Trung ương IV của Đảng (tháng 1-1953) đã phân tích kỹ toàn bộ tình hình địch, ta; trong đó có kế hoạch Nava (Tổng Chỉ huy quân đội Pháp trên chiến trường Đông Dương). Cụ thể: đối với chiến trường Liên khu 5, địch sẽ tập trung 40 tiểu đoàn gồm 6 binh đoàn cơ động điều từ Bình Trị Thiên vào, Nam bộ ra, Tây Nguyên xuống, mở chiến dịch Át-Lăng nhằm đánh chiếm vùng tự do liên khu 5. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã sáng suốt chỉ đạo: “Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, Liên khu 5 cần tập trung lực lượng tấn công lên Tây Nguyên; phát triển lên Tây Nguyên phải là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất, nhiệm vụ củng cố vùng tự do là nhiệm vụ quan trọng thứ hai”.

Chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị của Bộ Chính trị - Trung ương Đảng, mở đầu chiến dịch, đêm 27 rạng 28-1-1954, Trung đoàn 108 đã tiêu diệt tiểu khu Mangđen; Tiểu đoàn 59 của Trung đoàn 803 tiêu diệt cứ điểm Kon Rãy; Tiểu đoàn 89 được tăng cường bộ phận đặc công tiêu diệt cứ điểm Mang Bút. Sau đó, Trung đoàn 108 tiếp tục đánh chiếm quận lỵ Đăk Tô, Đắklay, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum. Chấp hành lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh, Bộ Chỉ huy chiến dịch Liên khu 5 lệnh các Trung đoàn 108, 803 tiếp tục tấn công về phía Nam; Tiểu đoàn 365, Trung đoàn 803 tiêu diệt cứ điểm Đăk Đoa; Trung đoàn 108 tập kích thị xã Pleiku, tiêu diệt địch ở Thượng An, Đầu Đèo, cắt đường 19, cô lập tiểu khu An Khê. Quân địch ở An Khê rút chạy, Trung đoàn 96 phục kích tiêu diệt hoàn toàn binh đoàn cơ động 100 của địch (đây là đơn vị thiện chiến, được trang bị hỏa lực mạnh, có sức cơ động cao, được địch điều từ chiến trường Triều Tiên về). Tiếp sau đó, Trung đoàn 108 tiêu diệt binh đoàn 42 tại Chư-Drek trên đường 14. Đường 14 và đường số 7 bị cắt hẳn. Quân địch ở Cheo Reo và Pleiku bị cô lập hoàn toàn. Trên đà thắng lợi, bộ đội ta bao vây Cheo Reo, chuẩn bị đánh địch rút chạy khỏi Pleiku, tấn công Buôn Ma Thuột... Đúng lúc này, ta nhận được tin Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (20-7-1954), mệnh lệnh ngừng bắn của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-8-1954.

Chiến dịch tấn công lên Tây Nguyên là chiến thắng to lớn nhất của quân và dân Nam Trung bộ trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, góp phần đánh bại cuộc hành quân Át Lăng, phá tan âm mưu của địch đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5.

Tháng 10-1954, các trung đoàn lần lượt lên tàu tập kết ra Bắc trong niềm thương yêu, lưu luyến của nhân dân…

HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO

Không chỉ xuất sắc trong chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 305 còn đạt nhiều thành tích trong công tác bảo vệ an ninh, xây dựng phát triển kinh tế… Sư đoàn đã tham gia cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương đập tan âm mưu cưỡng ép di cư của địch đối với đồng bào công giáo ở Ba Làng (Thanh Hóa), Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy, Tiền Hải (Nam Định, Thái Bình), qua đó làm cho nhân dân miền Bắc thêm tin yêu bộ đội Cụ Hồ, tin yêu những người con từ miền Nam tập kết ra Bắc.

Sư đoàn cũng đã có nhiều đóng góp công sức trong việc xây dựng công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải; được Bác Hồ, Chính phủ và Bộ Thủy lợi khen ngợi và tặng cờ. Năm 1955, Sư đoàn đã bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong cơn bão đổ bộ vào Hải Hậu (Nam Định)... Năm 1958, khi xảy ra vụ vỡ đê Mai Lâm, Sư đoàn đã huy động hàng vạn cán bộ chiến sĩ lấy thân kết thành những tuyến ngăn dòng lũ qua đê và tham gia hàn khẩu, nêu tấm gương sáng về tinh thần dũng cảm kiên cường…

Về công tác huấn luyện quân sự, Sư đoàn đã giành được cờ luân lưu danh hiệu ba nhất (điều lệnh, kỹ thuật, chiến thuật). Sư đoàn đã được Bác Hồ tặng thưởng Huy hiệu Hồ Chí Minh.

Sau khi có nghị quyết 15 của Bộ Chính trị - Trung ương Đảng (tháng 1-1959), các cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 305 làm nhiệm vụ kinh tế hoặc chuyển ngành phần lớn đều được gọi trở lại quân đội, cùng với nhiều lớp cán bộ các cấp học tập trong và ngoài nước, đều được lần lượt trở về miền Nam chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Cụ thể: Ngày 19-5-1959, đoàn vận tải 559 thành lập, lực lượng đầu tiên gồm 500 cán bộ chiến sĩ tuyển chọn từ Lữ đoàn dù thuộc Sư đoàn 305, do đồng chí Võ Bẩm - nguyên Chính ủy Trung đoàn 803 phụ trách, được Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ mở đường Đông Trường Sơn. Tháng 4-1961, Tiểu đoàn 19 được lệnh gấp rút lên đường, mở đường Tây Trường Sơn trở về quê hương. Đến tháng 7-1961, Tiểu đoàn đã về đứng chân trên căn cứ địa Quân khu 5. Chỉ sau một tháng (tháng 8 và đầu tháng 9-1961), D19 phối hợp với đơn vị bạn tiêu diệt quận lỵ ĐăkHà (8-1961) và đánh tiêu diệt 2 tiểu đoàn địch (2-9-1961) giải phóng 28 xã, mở rộng căn cứ địa Kon Tum. Tuy phiên hiệu các Trung đoàn 108, 96, 210 không còn nhưng nhiều cán bộ, chiến sĩ của các Trung đoàn 108, 96, 210 đã có mặt tại chiến trường miền Nam ngay những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng với nhân dân và lực lượng vũ trang lập nên nhiều chiến công xuất sắc…

55 năm xây dựng và trưởng thành của Sư đoàn 305 gắn với nhiều sự kiện lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, các đồng chí nguyên là cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 305 đã giữ vững và phát huy truyền thống Sư đoàn, lập nhiều chiến công hiển hách. Nhiều đồng chí được phong tặng danh hiệu anh hùng, nhiều cán bộ trở thành tướng lĩnh giữ các trọng trách trong quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định khôi phục lại phiên hiệu Sư đoàn 305 nhằm tiếp tục phát huy truyền thống của Sư đoàn 305 trước đây.

Nhiều cựu chiến binh cư trú ở tỉnh Khánh Hòa trước là cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 305, nay vẫn tích cực tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Những cựu chiến binh của Sư đoàn 305 luôn tự hào, trân trọng, giữ gìn và không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang của Sư đoàn…

LÊ GIÁO (Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 305 Khánh Hòa)