07:04, 01/04/2008

Những chiến công của biệt động Nha Trang thời đánh Mỹ

Chuyện xảy ra đã 41 năm. Các chiến sĩ biệt động thành Nha Trang năm ấy giờ đầu đã nhuốm 2 màu tóc. Vậy mà kỷ niệm trong những ngày chống Mỹ của các biêït động thành...

Các ông: Bùi Chạn, Võ Đình Thu, Trần Ngọc Mỹ (Thành Châu) (từ phải qua trái) chiến sĩ biệt động thành sau 40 năm gặp lại.

Chuyện xảy ra đã 41 năm. Các chiến sĩ biệt động thành Nha Trang năm ấy giờ đầu đã nhuốm 2 màu tóc. Vậy mà kỷ niệm trong những ngày chống Mỹ của các biệt động thành vẫn cứ ùa về. Tất cả như còn mới nguyên.

Giữa năm 1967, trước yêu cầu đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống Mỹ ở TP.Nha Trang, chuẩn bị cho xuân Mậu Thân 1968, Tỉnh ủy Khánh Hoà quyết định tăng cường một số chiến sĩ được huấn luyện chiến thuật đặc công về hoạt động nội thành. Ông Võ Đình Thu là một trong những người như thế. 

Ngày đầu về Nha Trang ông vào làm việc tại một lò bánh mì ở đường Đồng Nai. Bà chủ cơ sở là người của ta, anh chồng không biết điều đó. Hàng tháng, ông trả tiền thuê nhà, lãnh tiền công trước mặt 2 vợ chồng. Sau mộtt thời gian, ông được ông Huỳnh Văn Khoa, còn gọi là Hoài Phong, Thị ủy viên dự khuyết, Chính trị viên và ông Bùi Chạn, Đội trưởng Đội biệt động, dẫn tới giới thiệu với người cai trường Âu Cơ. Đó là bác Nguyễn Ngọc Lương, một cơ sở tin cậy của ta. Ông Thu nhớ lại: “Xem xét địa hình thấy trường có sân rộng, dễ quan sát. Ban ngày nhiều học sinh, nhưng đêm lại vắng, phía ngoài cổng có bác Lương, sau lưng trường là nhà của gia đình bác và xóm lao động. Phía đường Lạc Long Quân, nhà 12 là cơ sở cách mạng. Tất cả tạo cho trường Âu Cơ trở thành một địa điểm mà chúng tôi gọi là “căn cứ lõm”. Suốt năm 1967, trường Âu Cơ là một địa chỉ an toàn tuyệt đối cho hoạt động của biệt động thành. La phông nhà vệ sinh biến thành nơi cất giấu tài liệu và vũ khí. Ban đêm, các phòng học được sử dụng để họp chi bộ, họp đội bàn kế hoạch tác chiến và huấn luyện sử dụng các loại vũ khí, bom mìn. Có cuộc họp đông tới 20-30 người mà kẻ địch không hề biết. 

Hoà chung với chiến trường miền Nam, khoảng tháng 8,9 -1967 ở nội thành Nha Trang bắt đầu xuất hiện một số trận đánh khá táo bạo. Tiêu biểu là trận phục kích sĩ quan Mỹ ngụy chờ xe buýt tại đường Hai Chùa. Nắm được quy luật của địch, cứ tối tối chúng cho xe xuống Bình Tân chở sĩ quan lên xem hát ở rạp Tân Tân và ăn chơi ở đường Độc Lập (nay là đường Thống Nhất). Về khuya, trong trạng thái say sưa, ngái ngủ, bọn chúng chen chúc nhau lên xe về lại Bình Tân, cặp “tình nhân” Bùi Chạn - Lê Thị Chắt, bí mật cài mìn dưới đống sạn trên lề đường, đối diện với địa điểm xe đậu. Đúng thời điểm chúng đang chen nhau lên xe, 2 người cho mìn nổ, “hốt sạch” một lúc gần 30 tên. Sau trận đánh này, Đội trưởng Bùi Chạn và các chiến sĩ biệt động thành tổ chức tiếp trận đánh vào Ty Cảnh sát ngụy ở Cây Dừa (góc đường Lê Lợi - Hàn Thuyên, nay là nơi đóng quân của một đơn vị Công an tỉnh). Hai trận đánh giành thắng lợi lớn làm cho kẻ địch hết sức hoang mang. Đầu tháng 10-1967 là thời điểm quân đội Mỹ có mặt đông nhất ở miền Nam. Thị xã Nha Trang là căn cứ hậu cần của vùng chiến thuật 2 nên ở đâu cũng đầy sắc lính. Để phục vụ sĩ quan Mỹ, chúng tổ chức nhiều điểm ăn chơi … Đội biệt động thành được lệnh đẩy mạnh các hoạt động làm cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên. Thực hiện chỉ thị của trên, từ trường Âu Cơ, lực lượng biệt động thành lên kế hoạch đánh các quán bar dọc đường Duy Tân (nay là Trần Phú), trong đó có kế hoạch đánh tiêu diệt sĩ quan địch tại câu lạc bộ 36 Duy Tân (nay là nhà khách Học viện Lục quân và nhà hàng Phố Biển).

Ông Bùi Chạn và ông Võ Đình Thu không còn nhớ rõ ngày diễn ra trận đánh này, nhưng diễn biến trận đánh thì ông Bùi Chạn không bao giờ quên.

 

Câu lạc bộ sĩ quan tại 36 Duy Tân là nơi hàng đêm tập trung khá nhiều sĩ quan Mỹ ngụy. Việc tiêu diệt mục tiêu này do 4 chiến sĩ biệt động thực hiện. Đó là Đội trưởng Bùi Chạn; chính trị viên Huỳnh Văn Khoa, 2 tổ viên là Trần Ngọc Mỹ và Võ Thứ. Ngoài ra còn có chị Lê Thị Ngọc Mai, một nữ biệt động xinh đẹp. Lúc đầu anh em đưa ra phương án mỹ nhân kế, sử dụng nữ biệt động mang mìn vào đánh trực tiếp như biệt động Sài Gòn, nhưng sau khi thảo luận thấy cách đánh này không ổn, mức độ sát thương thấp, anh em lại chuyển sang phương án vượt qua nhà ông Võ Đình Dung, là thầu khoán cầu đường giàu có ở nhà 34 liền kề câu lạc bộ. Nghiên cứu nhà ông Dung và sinh hoạt của các gia đình công nhân cầu đường phía sau, thường vào buổi tối có nhiều người tò mò đến gần bờ rào xem sĩ quan Mỹ nhảy đầm, khi mìn nổ khó tránh khỏi thương vong nên các chiến sĩ biệt động quyết định chọn đêm Thứ bảy khi ông Dung cho số anh em công nhân đi xem xi nê và gia đình ông cũng đi ăn tối, ở nhà chỉ còn 2 người giúp việc, nhân chủ nhà đi vắng, say đắm chuyện tình nên lơ là việc bảo vệ. Thực hiện trận đánh, khoảng 19 giờ 30 phút, ông Bùi Chạn và ông Trần Ngọc Mỹ bằng chiến thuật đặc công “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” nhẹ nhàng đột nhập vào nhà ông Dung. Ở ngoài, Huỳnh Văn Khoa và Võ Thứ lần lượt chuyển 3 quả mìn định hướng (mỗi quả nặng 15 kg, được nhồi thuốc C4, có nhiều mảnh chai, sắt vụn để tăng độ sát thương do anh em trong đội chế tạo) qua bờ rào để các ông Bùi Chạn và Trần Ngọc Mỹ ở bên trong cài vào vị trí đã tính trước. Trong lúc công việc cài mìn đang được tính từng giây thì Lê Thị Ngọc Mai trong bộ quần áo mát mẻ, môi son má phấn loè loẹt, nước hoa sực nức thả cửa cợt nhả với đám lính gác làm cho bọn chúng như bị hút hồn, không nhớ gì đến nhiệm vụ. Công việc trót lọt, các chiến sĩ biệt động mỗi người rút lui một hướng. Trận đánh thắng lợi lớn, gây chấn động Sài Gòn và Lầu năm góc. Đài Giải phóng, BBC và Hoa Kỳ đều đưa tin và xác nhận con số thương vong lên tới 219 tên từ trung úy đến trung tá. Đội biệt động Nha Trang được Chính phủ Cách mạng lâm thời tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Đội trưởng Bùi Chạn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai và chiến sĩ Trần Ngọc Mỹ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Sau trận đánh, để tránh sự phát hiện của địch, Đội biệt động thành tạm rời khỏi trường Âu Cơ đến số 1 Đồng Nai. Tết Mậu Thân, họ trở lại trường Âu Cơ chuẩn bị địa điểm đón một trung đội thuộc 2 đơn vị đặc công K90 – K91 vào ém sẵn để đánh chiếm khu quân lao, giải phóng số tù binh và tù chính trị. Tối 29 và 30 Tết, anh em biệt động thành ra ga Phú Vinh đón bộ đội, cải trang đưa lên xe lam vào nội thành. Một số ém ở chợ Đầm đánh vào tỉnh đường; khu tiếp vận 5; trung tâm truyền tin… số về ém ở trường Âu Cơ đánh vào khu quân lao. Chiến dịch không thắng lợi như mong muốn, các ông Bùi Chạn, Võ Đình Thu, Huỳnh Văn Khoa, Trần Ngọc Mỹ …  và cả bác Nguyễn Ngọc Lương đều bị bắt. Toà án binh địch xử  ông Thu 5 năm, ông Mỹ 8 năm, ông Khoa 12 năm, ông Chạn 18 năm tù và bị đày đi Côn Đảo. Riêng bác Lương do anh em trong Đội biệt động đấu tranh mạnh tại toà nên được tha bổng. Năm 1974, ông Võ Đình Thu được trao trả tù binh. Riêng ông Chạn, ông Khoa, ông Châu khi miền Nam giải phóng mới được đưa về đất liền.

Ngày giải phóng, trở lại Nha Trang các ông tìm đến người cai trường Âu Cơ năm trước với niềm vui khôn tả. Bây giờ sau 41 năm, khi bác Lương không còn, những chiến sĩ biệt động thành tuổi ngoài 60 vẫn coi bác và gia đình bác là ân nhân, một gia đình cách mạng trung kiên có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến, và trường Âu Cơ, một “căn cứ  lõm” không thể nào quên của biệt động thành những năm đánh Mỹ.

NGUYỄN XUÂN