10:05, 10/05/2016

Đơn vị bầu cử số 13 (toàn huyện Khánh Sơn)

       

L.T.S: Để phục vụ công tác bầu cử sớm ở các xã, thị trấn tại huyện đảo Trường Sa và kịp thời đưa thông tin đến một số xã vùng sâu vùng xa của huyện Khánh Sơn, trong số báo này, Báo Khánh Hòa đăng tải tóm tắt tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với Đơn vị bầu cử số 13. Các số báo sau đăng theo thứ tự những đơn vị bầu cử còn lại.

 

Chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021

(Đăng theo đơn vị bầu cử và theo thứ tự a, b, c)

 

Đơn vị bầu cử số 13

(toàn huyện Khánh Sơn)

 

----------------------------------------------------------------------------------

 

Ưu tiên phát triển kinh tế miền núi một cách bền vững


- Họ và tên: Mấu Thái Cư; sinh ngày 22-7-1964


- Quê quán: xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa


- Trình độ chuyên môn: Cử nhân chuyên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước


- Nghề nghiệp, chức vụ: Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn; Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn


Nếu được cử tri tin tưởng bầu tôi làm người đại biểu HĐND tỉnh, với trách nhiệm của mình, tôi sẽ dành nhiều sự quan tâm đến việc ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội miền núi một cách bền vững. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Thúc đẩy mạnh mẽ việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn liền với việc giao lưu, trao đổi, tiêu thụ sản phẩm các mặt hàng nông sản do đồng bào làm ra. Nâng cao ý thức tiết kiệm cho người dân để phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống, phấn đấu thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, sẽ tìm ra các giải pháp cụ thể để giúp người dân có thể nâng cao giá trị sử dụng đất trên cùng diện tích, tránh tình trạng lãng phí đất, sản xuất không hiệu quả.


Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn đang thí điểm các mô hình cây trồng xen canh và bước đầu đã có những tín hiệu tích cực. Trên nền tảng đó, tôi sẽ có hướng chỉ đạo nhân rộng các mô hình đó đến nhiều hộ dân. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa nước không hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn. Cụ thể, trồng mía tím, quýt đường hoặc trồng cỏ nuôi bò, tái sinh rừng lồ ô vừa để làm nguyên liệu, vừa phục vụ du lịch, khôi phục lại các rừng le để lấy măng…, phát triển kinh tế vườn rừng, kinh tế trang trại gắn với sản xuất nông nghiệp phục vụ du lịch sẽ là những mô hình kinh tế chủ lực của Khánh Sơn.


Ngoài ra, tôi sẽ đề nghị chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm… cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số; đề xuất các chính sách để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Raglai trên địa bàn nói riêng…


N.Tâm (Ghi)

 

----------------------------------------------------------------------------------

 

Khuyến khích người dân phát huy vai trò làm chủ trong lĩnh vực kinh tế


- Họ và tên: Hồ Thị Hoàng Oanh; sinh ngày  24-3-1982


- Quê quán: xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa


- Trình độ chuyên môn: Cử nhân Kinh tế đối ngoại


- Nghề nghiệp, chức vụ: Thành viên Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Truyền thông GTO


Nếu được cử tri tín nhiệm bầu chọn làm đại biểu HĐND tỉnh, tôi sẽ tập trung khuyến khích người dân phát huy vai trò làm chủ của mình trong lĩnh vực kinh tế. Cụ thể, tôi sẽ thực hiện các hoạt động gắn kết người dân với các hiệp hội, khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm giúp người dân bổ sung những kiến thức cần có, hoàn thiện các kỹ năng cơ bản cũng như lộ trình tiến tới việc trở thành những chủ doanh nghiệp thực sự trong xã hội. Bên cạnh đó, tôi quan tâm đến việc tổ chức các chương trình trao đổi kỹ năng nghề nghiệp, các hội thảo hướng dẫn và thi hành luật, các chương trình đào tạo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong công tác quản lý doanh nghiệp. Từ đây, hướng tới sự phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế, triển khai công tác tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại và trao đổi hàng hóa giữa doanh nghiệp tại địa phương với các tỉnh, thành trong cả nước và thế giới nhằm phát triển hoạt động giao thương kinh tế của địa phương.


Đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng kế hoạch hành động cụ thể trong việc kêu gọi người dân cùng triển khai, thực thi các giải pháp bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống, nguồn nước sạch và thực phẩm an toàn. Kịp thời phản ánh kiến nghị của cử tri về các vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái lên các cấp chính quyền địa phương để có giải pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời. Tôi cũng sẽ nỗ lực phối hợp với các hiệp hội, tổ chức bảo vệ môi trường nhằm tìm ra các giải pháp để người dân có ý thức và giải pháp chủ động bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống.  


Bên cạnh đó, tôi sẽ tích cực đề xuất các ý kiến, chương trình hoạt động, những giải pháp cho ngành giáo dục nhằm giúp thế hệ trẻ hướng tới nếp sống văn minh, có lý tưởng, hoài bão, năng động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội…


Nhân Tâm (Ghi)


 

----------------------------------------------------------------------------------

 

 

Tiếp tục kiến nghị để các chính sách dân tộc miền núi được hoàn thiện hơn


- Họ và tên: Nguyễn Quốc Thịnh; sinh ngày  6-8-1960


- Quê quán: xã Thuận Ninh, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định


- Trình độ chuyên môn: Cử nhân Luật


- Nghề nghiệp, chức vụ: Phó Trưởng ban Ban Dân tộc HĐND tỉnh Khánh Hòa


Tôi đã có thời gian công tác hơn 26 năm tại huyện Khánh Sơn, nên thấu hiểu được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của phần lớn cử tri ở khu vực miền núi. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND tỉnh, tôi hứa sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan nhà nước nghiên cứu, ban hành các thể chế, chính sách về dân tộc miền núi ngày càng đồng bộ và hoàn thiện hơn.


Cụ thể, về các chính sách hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, tôi sẽ đề xuất Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, nhất là xây dựng các hồ chứa nước, nhằm đảm bảo đủ nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất. Tiếp tục chuyển đổi từ hình thức cấp phát, cho không giống cây trồng và vật nuôi, sang hình thức Nhà nước hỗ trợ lãi suất, vốn vay; nâng mức hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất; tiếp tục đầu tư mở đường giao thông vào những khu vực sản xuất tập trung; giải quyết tốt hơn nữa việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Đề xuất tỉnh xây dựng chính sách khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư khu vực miền núi, nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh hiện có. Đối với các chính sách xã hội, tôi sẽ tiếp tục kiến nghị tỉnh nghiên cứu hỗ trợ tiền học phí cho học sinh khu vực miền núi, hỗ trợ kinh phí học ngày hai buổi cho học sinh người Kinh đang học tại các trường mầm non, tiểu học tại các xã miền núi; bổ sung, tăng cường bác sĩ cho các phòng khám và bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; quan tâm chính sách hỗ trợ tìm việc làm sau đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; đề xuất tỉnh nghiên cứu xây dựng chính sách về việc sưu tầm, khôi phục và bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các đồng bào dân tộc thiểu số bản địa trên địa bàn tỉnh.


N.T (Ghi)