01:02, 18/02/2018

Thành "sao" từ đam mê

Xuất thân, hoàn cảnh gia đình khác nhau, song những gương mặt vận động viên xuất sắc của thể thao Khánh Hòa năm qua đều có điểm chung là trưởng thành nhờ niềm đam mê mãnh liệt. Niềm đam mê đã giúp họ vượt qua khó khăn thử thách và gặt hái thành công trên các đấu trường trong nước, quốc tế.

 

Xuất thân, hoàn cảnh gia đình khác nhau, song những gương mặt vận động viên xuất sắc của thể thao Khánh Hòa năm qua đều có điểm chung là trưởng thành nhờ niềm đam mê mãnh liệt. Niềm đam mê đã giúp họ vượt qua khó khăn thử thách và gặt hái thành công trên các đấu trường trong nước, quốc tế.

 

Chàng trai vàng Muay Thái

Sinh ra ở miền quê Bình Định, bố là thầy giáo dạy thể dục, mẹ là thợ may, niềm đam mê võ học của Kiên bắt nguồn từ những ngày đầu lớp 3 được bố chở đến võ đường của thầy Lý Xuân Hỷ - võ sư nổi danh với bài quyền “Miêu tẩy diện” của làng võ cổ truyền dân tộc thời bấy giờ. Có lẽ, ban đầu việc học võ đối với chàng trai này chỉ đơn giản là rèn luyện thể lực, hay để tự vệ. Càng lớn, anh càng nhận ra võ thuật không chỉ là đam mê mà còn là một phần trong cuộc sống của mình. Do vậy, anh quyết định biến đam mê ấy trở thành sự nghiệp.

 


Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Trung Kiên chọn thi vào Trường Đại học Thể dục thể thao chuyên ngành Huấn luyện võ cổ truyền. Trong thời gian học đại học, vốn mê võ đối kháng, anh bắt đầu làm quen với Muay Thái và thường được mời tham dự vào thành phần các đội tuyển Muay Thái phía nam tham dự các giải đấu cúp. Đến năm 2014, trong một dịp tình cờ, Trung Kiên được gặp gỡ thầy Lý Hoàng Phong, kể từ đó chàng trai quê võ Bình Định khăn gói về đầu quân cho đội tuyển Muay Thái xứ Trầm. Từ ngày về đội tuyển, dưới sự dẫn dắt của võ sư Lý Hoàng Phong, kỹ năng sử dụng các đòn thế trong môn Muay Thái của chàng trai này càng trở nên điêu luyện. Điển hình, năm nay, trong 2 lần được cử tham dự giải Muay Thái toàn quốc và giải Muay Thái cúp các câu lạc bộ toàn quốc, Trung Kiên đã thi đấu xuất sắc ở hạng cân 81kg và đoạt được 2 huy chương vàng. Với thành tích tốt của mình, tháng 9 năm nay, Trung Kiên được gọi tập trung vào đội tuyển quốc gia để tập huấn chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế quan trọng trong năm 2018. “Đây là niềm vinh dự và tự hào của bản thân tôi khi khoác lên màu áo đội tuyển quốc gia. Tôi sẽ cố gắng tập luyện để đạt thành tích tốt nhất, cống hiến cho nền thể thao nước nhà”, Trung Kiên chia sẻ.


Cô gái nhỏ mê võ dân tộc


Sinh ra trong gia đình con nhà võ có ba và bà nội đều là những người học võ cổ truyền dân tộc, đến năm 8 tuổi, vào một buổi sáng, khi thấy bà nội đi bài quyền võ cổ truyền, cô bé Bùi Ngọc Anh Tài (quê gốc Bình Định) đã nhất quyết nài nỉ ba cho học võ. Cha cô đã đưa cô đến trung tâm Thi Sách gửi gắm thầy Đông Vũ (võ đường Đông Việt đạo).

 


“Lúc mới học, em ngại lắm vì cả lớp chỉ có mỗi em là con gái. Nhưng do quá mê học võ, đi học gặp được nhiều bạn mới cùng chung sở thích rồi về nhà được bà nội chỉ bảo thêm nên niềm đam mê võ cổ truyền trong em càng lớn dần”, Anh Tài chia sẻ. Sau 6 năm gắn bó với võ đường Đông Việt đạo, đến năm 14 tuổi, Anh Tài được một bậc đàn anh giới thiệu đến võ đường Hắc Long của võ sư Nguyễn Trường Sơn và cô hiện là một trong những học trò cưng của vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển võ cổ truyền biểu diễn tỉnh.


Huấn luyện viên Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Anh Tài có tố chất sinh ra để học võ cổ truyền. Bởi ngoài đam mê, Anh Tài còn có sự cảm thụ rất tốt đối với môn này. Đặc biệt, khi được thầy hướng dẫn các bài quyền có cấp độ cao, càng khó em càng tỏ ra thích thú và quyết tâm tập luyện, thực hiện nhuần nhuyễn mới thôi”. Chính niềm đam mê, sự quyết tâm mà chỉ sau hơn 2 năm theo học thầy Trường Sơn, năm 2010, Anh Tài đã được chọn vào đội tuyển tỉnh tham dự giải võ cổ truyền toàn quốc tại Cần Thơ, tuy vậy thành tích cao nhất của cô năm đó chỉ đạt huy chương đồng. “Lần đầu tiên bước ra sân chơi lớn toàn quốc, em rất sợ và căng thẳng. Kết quả chưa được như mong muốn nhưng nó là động lực để em cố gắng hơn”, Anh Tài chia sẻ.


Sau kết quả giải toàn quốc năm 2010, Anh Tài đã được Huấn luyện viên Trường Sơn hướng sang tập với loại binh khí mới là côn tam khúc và đây được coi là bước ngoặt trong sự nghiệp của cô. Côn tam khúc và bài quyền Tam Thiết Côn khi bước vào tập rất khó; kỹ thuật đánh côn tam khúc rất đa dạng và phong phú. “Khi mới tiếp xúc với binh khí này, cả người em toàn bị bầm tím, thậm chí chảy máu vì bị côn quấn, quật, nhiều lúc nản muốn bỏ nhưng được gia đình, thầy động viên, đến giờ em đã có thể sử dụng thành thạo loại binh khí này”, Anh Tài nói. 5 năm gần đây, với bài quyền Tam Thiết Côn, Anh Tài cùng với đội tuyển võ cổ truyền biểu diễn tỉnh giành không ít huy chương trên đấu trường trong nước, quốc tế. Trong đó nổi bật nhất là huy chương vàng giải võ cổ truyền thế giới năm 2015 và 4 huy chương vàng giải cúp các câu lạc bộ, giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc trong năm nay.  


Tài năng bóng chuyền bãi biển


Trong làng nữ bóng chuyền bãi biển cả nước, vận động viên trẻ Nguyễn Thị Thanh Trâm (23 tuổi, quê Cam Lâm) của đội bóng chuyền bãi biển Sanna Khánh Hòa không phải cái tên xa lạ bởi khả năng bật cao thực hiện những cú đập, gõ bóng vừa khéo léo, vừa uy lực để khuất phục đối phương tại các giải đấu.

 


Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuộc hộ nghèo, ba mẹ làm nông, Thanh Trâm đến với môn bóng chuyền bãi biển khá muộn. Sở hữu chiều cao lý tưởng, lại rất đam mê thể thao, đặc biệt là môn bóng chuyền nên trong một dịp tình cờ đại diện trường phổ thông thi đấu giải Hội khỏe Phù Đổng tỉnh năm 2010, Thanh Trâm đã nhanh chóng lọt vào cặp mắt tinh tường của Huấn luyện viên đội tuyển bóng chuyền bãi biển Sanna Khánh Hòa Nguyễn Cao Đông. “Trước khi gặp thầy Đông, em rất thích đánh bóng chuyền nhưng lại không biết môn bóng chuyền bãi biển phải chơi như thế nào. Bây giờ, càng ngày em càng mê môn này và không thể thiếu nó”.


Làm quen với bóng chuyền bãi biển muộn, lại không có tố chất thể thao bẩm sinh nhưng với sự đam mê, quyết tâm, chăm chỉ và ham học hỏi, sau 2 năm tiếp cận và tập luyện môn thể thao này (năm 2012), Thanh Trâm đã được huấn luyện viên tin tưởng chọn thi đấu giải toàn quốc. Mặc dù năm đó, thành tích của Thanh Trâm không cao (chỉ xếp hạng 5 - 6), song đó được coi là bước ngoặt trong sự nghiệp bóng chuyền bãi biển của cô khi được gọi tập trung vào đội tuyển trẻ quốc gia và có thời gian hơn 1 năm tập huấn tại Trung tâm Thể dục thể thao quốc gia 3 (Đà Nẵng). Trong thời gian tập huấn, nhờ sự đam mê, chăm chỉ tập luyện và ý chí quyết tâm, trình độ của Thanh Trâm tiến bộ vượt bậc. Do vậy, trong 2 kỳ Đại hội Thể thao bãi biển châu Á gần đây (năm 2014 tại Thái Lan, 2016 tại Việt Nam), Thanh Trâm đều được chọn vào danh sách tuyển nữ quốc gia thi đấu. Đặc biệt, ở mùa giải 2017, trong màu áo cặp nữ vận động viên bóng chuyền bãi biển Sanna Khánh Hòa, sức trẻ của Thanh Trâm kết hợp với kinh nghiệm của Nguyễn Thị Mãi (cựu vận động viên Hải Phòng) đã trở thành cặp đôi vô đối. Cụ thể, trong cả 3 tour đấu giải bóng chuyền bãi biển quốc gia 2017, cặp Thanh Trâm - Nguyễn Thị Mãi đều xuất sắc đoạt chức vô địch, riêng Thanh Trâm được Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam trao tặng danh hiệu nữ vận động viên xuất sắc nhất năm. Huấn luyện viên Nguyễn Cao Đông nhận xét: “Khi được gọi vào đội, Thanh Trâm còn đang học phổ thông. Ban đầu, các chỉ số chuyên môn của em chỉ ở dạng khá, không có gì đặc biệt. Tuy vậy, nếu so với các bạn cùng trang lứa hay thậm chí là các vận động viên lứa trên, Thanh Trâm có sự tiến bộ rõ rệt nhất. Trong em luôn có một ngọn lửa đam mê và sự tự tin vào khả năng bản thân, điều đó rất hiếm và chỉ có ở những vận động viên chuyên nghiệp”.


Tuổi đời khá trẻ, cùng với những thành công của đội tuyển nữ bóng chuyền bãi biển Sanna Khánh Hòa, con đường sự nghiệp của Thanh Trâm đang ngày càng rực rỡ. Ấy vậy mà cô lại tỏ ra rất khiêm tốn: “So với bậc anh chị, em chưa bằng được, hiện động tác chuyền của em chưa hoàn thiện và em cần học hỏi nhiều”.

An Nhiên