06:02, 20/02/2018

Kỷ vật

"Ru mãi ngàn năm, từng ngón xuân nồng; bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm...". Ca từ và giai điệu của bản nhạc, qua cách hát của thiếu nữ nghe như lời thầm thì, như tiếng run rẩy đang ngân lên nỗi niềm đơn côi, đau đáu trong hồn người.

“Ru mãi ngàn năm, từng ngón xuân nồng; bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm...”. Ca từ và giai điệu của bản nhạc, qua cách hát của thiếu nữ nghe như lời thầm thì, như tiếng run rẩy đang ngân lên nỗi niềm đơn côi, đau đáu trong hồn người.


Nơi góc phòng hội quán, người đàn ông với khuôn mặt vuông có vết sẹo trên má trái, mắt lơ đãng nhìn ra ngoài khung cửa sổ, nơi mấy giò lan đung đưa trong gió, vừa khẽ lật giở quyển sổ nhỏ một cách vô thức. Tại sao nhìn cô bé này quen thế nhỉ? Ông cố nhớ mà không nghĩ ra được mình gặp cô bé này bao giờ.


- Dạ! Thưa chú…


Giật mình, ông ngẩng lên. Cô gái đã đứng cạnh ông từ lúc nào.


- Dạ, ông chủ nói chú muốn gặp cháu. Chú bảo cháu điều gì ạ?


- Tôi… Tôi… Tự nhiên ông hơi lúng túng, cứ như mọi người xung quanh đang đổ dồn mắt vào ông vậy. Rất nhanh, ông lấy lại bình tĩnh, đưa tay kéo chiếc ghế bên cạnh:

 


- Cháu ngồi xuống đi!


- Dạ! Cô bé lễ phép ngồi xuống.


- Chú thấy cháu quen quen. Cháu hát ở đây lâu chưa?


- Dạ, cũng chừng đầy năm thôi ạ.


- Cháu nói giọng Bắc. Nhà cháu ở đâu? Sao lại đi hát thế này?


Cô bé thoáng lúng túng. Cô nhìn quanh, mấy người phục vụ đang đến ghi thực đơn của nhóm khách mới đến. Cô trả lời, giọng nhẹ như một tiếng thở dài:


- Dạ, con gốc Bắc, con đi làm thêm!


Cô khẽ nở nụ cười ngượng ngập. Cứ như cô có lỗi vậy. Còn ông thì lặng nhìn đôi tay cô gái. Một chiếc vòng đá mã não màu xanh ngọc có cái khoen bằng bạc hình nửa trái tim với một chấm đỏ. Cô gái dường như cảm nhận được cái nhìn của ông nên hơi rụt tay lại, và chiếc vòng lại khuất sau tay áo.


- Cháu… Chiếc vòng kia...


- Dạ, của mẹ cho con ạ.


Cô bé nói nhanh và nhìn ông với vẻ băn khoăn. Quán lại thêm khách đến, cô khẽ gật đầu chào ông và nhẹ nhàng quay lên bục nơi góc quán. Và cô lại hát. Nhưng lần này ca từ của Trịnh không làm ông chú ý nữa. Ông chỉ thấy hình ảnh chiếc vòng với chiếc khoen hình nửa trái tim nơi cổ tay cô gái.

 

Tháng 5-1975, vẫn khí thế của những ngày sau chiến thắng, thành phố Sài Gòn rợp màu đỏ cờ hoa và tiếng nhạc rộn rã. Hòa trong dòng người nô nức, Tâm ra ga về quê với tâm trạng bồi hồi. Chiếc ba lô ôm chặt trong lòng, anh thiếp đi trong giấc ngủ rồi lại bừng mắt khi thấy hình ảnh Thắng với lớp băng đỏ máu và lời dặn: “Nhớ đưa cho vợ mình… Nói cô ấy nuôi dạy con cho tốt”. Chiếc vòng đá mã não với chiếc khoen hình nửa trái tim có một chấm son đỏ là vật kỷ niệm cặp mà vợ chồng Thắng mua dịp lấy nhau. Thắng thường đem ra ngắm nghía,và kể về vợ mình, cô hàng xóm có mái tóc đen óng ả, lúm đồng tiền xinh xinh trên má. Anh thường mong nhanh hòa bình để về gặp vợ con, nhất là cô con gái mà anh chưa được biết mặt. Vậy mà anh đã không còn cơ hội thực hiện ý nguyện ấy. Tâm trở về quê, khi anh tìm về quê Thắng thì mẹ con Ngọc đã chuyển vào làm ăn ở Tây Nguyên. Tâm quay về học nghề mỹ nghệ, phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Thời gian trôi thật nhanh, chả mấy chốc anh đã sang tuổi bốn mươi và là chủ một xưởng mỹ nghệ có tiếng. Trong guồng quay của công việc, rất nhiều lần ký ức về những tháng ngày quân ngũ lại ùa về trong anh. Một lần gặp cờ sao ngập phố ngày lễ hội, một bóng áo quân phục bạc màu thoáng qua tán lá cây ven đường... và Thắng - người bạn đã cùng anh chia sẻ quãng đời quân ngũ với đôi mắt lấp lánh niềm vui khi nói về vợ con. Chiếc vòng đá của Thắng, ông vẫn giữ cẩn thận. Lúc này nó đang nằm trong túi áo ngực của ông. Bất giác ông đặt tay lên ngực, hình như chiếc vòng đá trĩu nặng lớp áo nơi đó...
Ông chợt sực tỉnh khi tiếng hát sát bên. Thì ra cô gái đã đến bên ông. Cô vừa hát và trao cho ông một ánh nhìn thân thiện. Ánh mắt ấy dừng lại tay ông đang cầm chiếc vòng đá. Tiếng hát dừng lại. Cô nhìn trân trối và buông xuôi tay. Chiếc vòng mã não lộ ra.


- Chú... Chú cũng có vòng này ạ?


Cô khẽ hỏi. Ông run run giơ chiếc vòng mã não lên sát chiếc vòng trên tay cô gái. Hai chiếc khoen bạc sát cạnh nhau thành hình một trái tim với hai chấm đỏ tạo thành một búp lửa thật đẹp.


- Cháu... cháu là con mẹ Ngọc? Đến lượt giọng ông run lên.


- Vâng, sao chú biết mẹ cháu a? Cô cũng ngỡ ngàng.


Ông lập bập lấy chiếc bóp rồi đưa cho cô một tấm hình sau mấy lần túi ni lông.


Cô bé ngỡ ngàng cầm tấm hình lên. Bức ảnh chụp đã lâu. Nước ảnh đã ố vàng nhưng vẫn nhận ra vẻ cương nghị trên vầng trán cao, nét môi rắn rỏi của người đàn ông và đôi mắt đen nhánh cùng má lúm đồng tiền của người phụ nữ.


- Hình bố mẹ cháu? Cô khẽ hỏi và lật tấm hình lên. Dòng chữ nghiêng nghiêng: “Tình yêu của tôi - Ngọc -Thắng”.


- Chú là chú Tâm? Cô nghẹn lời.


- Chú đây. Đúng cháu là con bố Thắng thật rồi.


- Vâng, cháu tên Trang ạ. Mẹ cháu vẫn giữ những bức thư bố kể về chú. Mẹ sẽ vui lắm đây. Mẹ con cháu vào đây mấy năm nay rồi, mẹ bị đau miết chú ạ. Cháu học xong cao đẳng kế toán mà không xin được việc.

Sắp Tết rồi nên cháu đi làm thêm phụ mẹ chữa bệnh.


- Phải vì thế mà hát bài buồn không?


- Dạ, cũng hơi đúng thôi. Nhiều lúc thấy có hai mẹ con, buồn lắm chú ạ.


Trang hồn nhiên nói mà không để ý đến khóe mắt ông Tâm đang đỏ lên. Ông siết chặt tay cô bé và nói, giọng khẽ mà rành rọt:


- Chú xin lỗi vì giờ mới tìm thấy mẹ con cháu. Đợi mẹ hết đau, chú sẽ kiếm việc cho cháu. Giờ cháu dẫn chú về thăm nhà cháu đi. Mà năm mới rồi, hát bài hát vui cho mẹ và chú nghe nha!


- Vâng ạ! Cô bé khúc khích cười.


Hai chú cháu cùng đi về. Con đường rợp bóng cây. Gió lao xao thổi bồng màu tóc của thiếu nữ. Hàng cây ven đường với những nõn lá xanh non cứ dào dạt theo từng làn gió chạy qua.


Xuân đang về xôn xao trên phố núi.



Truyện ngắn của Bích Thiêm