10:01, 30/01/2017

Tinh hoa Hùng Kê quyền

Là một trong 10 bài danh quyền được Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam chính thức đưa vào hệ thống các bài quy định môn võ cổ truyền dân tộc, Hùng Kê quyền hay còn được gọi với tên dân gian là võ gà chọi là sự kết tinh của những nét văn hóa truyền thống của dân tộc được lưu truyền đến tận ngày nay.

Là một trong 10 bài danh quyền được Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam chính thức đưa vào hệ thống các bài quy định môn võ cổ truyền dân tộc, Hùng Kê quyền hay còn được gọi với tên dân gian là võ gà chọi là sự kết tinh của những nét văn hóa truyền thống của dân tộc được lưu truyền đến tận ngày nay.


Giai thoại bài quyền gà chọi


Theo các tư liệu được ghi chép lại ở vùng đất võ Tây Sơn - Bình Định, bài Hùng Kê quyền do chính Đông Định Vương Nguyễn Lữ, một trong ba anh em nhà “Tây Sơn tam kiệt” sáng lập dùng cho binh lính tập luyện. Tương truyền, ngoài tinh thông võ nghệ, văn học, Nguyễn Lữ còn được biết đến là một người rất mê chọi gà, một trò chơi dân gian phổ biến. Trong một dịp Tết, ông quan sát thấy đôi gà chọi đá nhau, một con có dáng vẻ to lớn, dũng mãnh tung ra những đòn thế nặng nề, sát thủ nhưng lại phải cụp đuôi bỏ chạy trước một con gà dáng vẻ nhỏ bé, linh hoạt lại bền bỉ tấn công. Từ đó, ông nghiệm ra nguyên lý mà con gà nhỏ áp dụng theo bản năng là: bền bỉ, nhẹ nhàng nhưng dữ dội, có thể chọc phá bất cứ sơ hở nào và bài quyền gà chọi đã ra đời từ đó.

 

Võ sư  Lê Tiến Dũng
Võ sư Lê Tiến Dũng


Tuy nhiên, theo thời gian cùng sự thăng trầm của triều đại nhà Tây Sơn, bài quyền gà chọi này dần bị mai một. Đến năm 1993, trong Hội nghị lần thứ nhất Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, cố võ sư Ngô Bông (sinh năm 1928 tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, mất năm 2011) đã khiến cho giới võ thuật trong nước phải sững sờ khi phục dựng một cách đầy đủ nhất bài Hùng Kê quyền. Từ đó, võ sư Ngô Bông dù không sinh ra tại đất võ Tây Sơn - Bình Định nhưng lại được giới võ thuật tôn vinh là truyền nhân duy nhất của bài Hùng Kê quyền do Đông Định Vương Nguyễn Lữ sáng lập và được lưu truyền đến tận ngày nay.

 


Hùng Kê quyền không chỉ là bài quyền mang đậm chất, khí tiết hào hùng được cha ông ta sáng tạo, sử dụng trong các cuộc binh biến, mà những động tác, thủ pháp, độ linh hoạt, biến ảo của bài quyền này trong tấn công, phòng thủ, hóa giải các đòn thế đối phương rất lợi hại cho người học võ tự bảo vệ mình. Trong một phát biểu về sự tinh túy của bài Hùng Kê quyền trên Bình Định nguyệt san, cố võ sư Ngô Bông nói: “Các đòn đánh của bài quyền Hùng Kê cực kỳ chuẩn xác và biến ảo. Thần thái của bài quyền là sử dụng sức mạnh của nước để đánh đối phương. Mà nước chảy là mạnh lắm, không thể nào tránh né cho khỏi. Các đòn đánh của bài quyền Hùng Kê cũng vậy, nó đánh vây tứ bề, dùng ba đến bốn mũi giáp công chỉ để đánh vào một điểm, đánh từ dưới lên cao, đánh từ trên cao phủ xuống thấp”. Chính những bộ pháp, thủ pháp của bài quyền Hùng Kê qua các động tác của con gà chọi vừa dũng mãnh trong tấn công, kín kẽ trong phòng thủ và mềm mại trong việc hóa giải các đòn tấn công của đối phương nên không phải môn sinh nào cũng có thể lãnh ngộ được.

 


Hùng Kê quyền và danh tiếng Phi Long


Ở Khánh Hòa, hiện có rất nhiều môn phái võ cổ truyền với nhiều võ sư nổi danh cả nước, tuy nhiên chỉ có võ đường Phi Long Chánh do cố võ sư Lý Chánh sáng lập tại Nha Trang, một trong những nhánh của hệ phái Phi Long - Bình Định là truyền bá bài Hùng Kê quyền và lấy đó làm kim chỉ nam để phát huy quang đại môn võ cổ truyền đối kháng vốn nổi danh một thời của võ đường này. Đây cũng được coi là một trong hai bài quyền làm nên danh tiếng Phi Long Nha Trang.

 


Chúng tôi hẹn gặp võ sư Lý Hoàng Tuấn vào một ngày cuối năm. Ngoài cương vị trưởng môn võ đường Phi Long Chánh, ông còn đảm nhiệm chức vụ thành viên Ban chuyên môn Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, thành viên Ban lãnh đạo một công ty bảo vệ tại Nha Trang. Khi nói đến võ thuật, chuyện đời, chuyện nghề và những tinh hoa của bài quyền Hùng Kê, võ sư Lý Hoàng Tuấn lại thao thao bất tuyệt. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà võ, thuở nhỏ võ sư Lý Hoàng Tuấn đã được chân truyền của cha (cố võ sư Lý Chánh, một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển môn võ cổ truyền Khánh Hòa) nên ông sớm thành thạo các ban võ nghệ. Là người nối dõi võ đường, đồng thời là truyền nhân của quyền Hùng Kê tại Khánh Hòa, ông đã kinh qua không biết bao nhiêu trận chiến, lời thách đấu của các võ sư môn phái khác và đa số ông đều giành chiến thắng, tạo nên tiếng tăm cho võ đường, thu hút được nhiều môn sinh. Học trò của ông không biết bao nhiêu lứa, nhưng phải kể đến các võ sư hiện đang là trụ cột của làng võ cổ truyền Khánh Hòa như: Nguyễn Trường Sơn, Lê Đức Dũng, Đặng Quốc Khánh… Tuy nhiên, theo ông, mặc dù là một trong 10 bài danh quyền được Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam chính thức đưa vào nội dung thi đấu tại các giải đấu quốc gia, quốc tế, song bài Hùng Kê quyền vốn có độ khó về kỹ thuật cũng như tính sát thương cao nên rất hạn chế các môn sinh tập luyện. Chỉ có những võ sinh đã có thâm niên, cấp huấn luyện viên trở lên, đủ độ chín mùi mới có thể luyện tập và phát huy được những tinh hoa bài quyền này. Và đó cũng chính là lý do vì sao, ở tỉnh chỉ duy nhất võ đường Phi Long Chánh truyền dạy bài Hùng Kê quyền.

 

 

Quyền gà chọi trước đây hay Hùng Kê quyền ngày nay lấy sức mạnh của nước (thủy) làm yếu lĩnh, động tác được mô phỏng theo hình tượng con gà đang chiến đấu như: sử dụng ngón tay trỏ để đâm (mỏ gà); các ngón còn lại cong vào (cựa gà) tấn công, phòng thủ một cách toàn diện. Các bộ pháp, thủ pháp của bài quyền hết sức linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển một cách biến ảo khiến đối thủ không kịp trở tay và phải hứng chịu những đòn thế có tính sát thương cao. 

Được biết, hàng năm, võ đường Phi Long Chánh Khánh Hòa thu nạp hơn trăm môn sinh, trong đó có không ít người vì đam mê môn võ cổ truyền thực chiến, những tinh hoa của bài quyền Hùng Kê đã gắn bó hơn nửa đời với võ đường trong vai trò người “truyền lửa” dẫn dắt cho các thế hệ sau. Năm nay đã gần 60 tuổi, võ sư Lê Tiến Dũng, học trò của võ sư Lý Hoàng Tuấn, người đã có hơn 10 năm trực tiếp đứng lớp dạy môn võ cổ truyền thực chiến và bài Hùng Kê quyền tại võ đường Phi Long Chánh vẫn không thể quên được cảm giác hạnh phúc khi múa bài quyền này tại giải quốc gia năm 1996 và giành huy chương đồng trong sự nghiệp võ thuật của mình. “Võ đường Phi Long Chánh và bài Hùng Kê quyền không chỉ khiến tôi tự tin, sống với đam mê võ Việt mà còn giúp tôi có một công việc, cuộc sống ổn định”, võ sư Dũng tâm sự. Hiện nay, võ sư Dũng đang là huấn luyện viên phụ trách chuyên môn chính, tổ chức dạy võ cho hơn 50 võ sinh/khóa tại võ đường Phi Long Chánh, trụ sở ở Nhà Thi đấu tỉnh.


Những năm gần đây, môn võ cổ truyền dân tộc đang có sự phát triển mạnh mẽ không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thế giới. Điều đó được minh chứng khi Việt Nam đã tổ chức thành công giải vô địch thế giới võ cổ truyền lần đầu tiên vào năm 2015 tại TP. Hồ Chí Minh và hầu hết các võ sinh nước ngoài đều nắm vững kỹ thuật của các bài quyền võ cổ truyền Việt, trong đó có bài Hùng Kê quyền. Ngoài ra, trong kế hoạch sắp tới, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam sẽ có sự phối hợp với ngành Giáo dục đưa môn võ cổ truyền vào trường học. Đây chính là cơ sở để bài Hùng Kê quyền, một trong 10 bài quyền nổi tiếng của võ cổ truyền Việt sẽ được phát huy rộng rãi đến thế hệ trẻ. Đây cũng là mong mỏi của võ sư Lý Hoàng Tuấn sau hơn 30 năm theo nghiệp võ cổ truyền dân tộc và truyền bá bài quyền Hùng Kê trên đất Khánh Hòa.


Phúc Hiếu