07:01, 30/01/2017

Mai này còn ai dệt thổ cẩm?

Người phụ nữ Ê-đê bao đời nay đã biết dệt nên những tấm thổ cẩm đẹp đến nao lòng. Qua tấm vải, sắc màu thời gian cũng như văn hóa tộc người cùng nhau đồng hiện. Thế nhưng, giờ ở Buôn Tương, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), chỉ còn độc nhất amí H-Lát dệt thổ cẩm.

Người phụ nữ Ê-đê bao đời nay đã biết dệt nên những tấm thổ cẩm đẹp đến nao lòng. Qua tấm vải, sắc màu thời gian cũng như văn hóa tộc người cùng nhau đồng hiện. Thế nhưng, giờ ở Buôn Tương, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), chỉ còn độc nhất amí H-Lát dệt thổ cẩm.


Người duy nhất biết nghề dệt thổ cẩm


Chiều cuối năm, về Buôn Tương trong ánh nắng vàng ngọt, những ngôi nhà dài của người Ê-đê chênh chếch theo dáng chiều. Ngồi bên khung dệt, amí H-Lát thoăn thoắt luồn sợi. Thấy khách lạ, amí cười đầy thân thiện. Tuy đã gần 70 tuổi nhưng amí vẫn ngày ngày cố lưu giữ nghề dệt truyền thống, ngày ngày cặm cụi bên khung dệt để tạo ra những tấm vải thổ cẩm với nhiều hoa văn độc đáo. Vừa nhanh tay hoàn thành tấm vải dùng để địu con, amí H-Lát nói chuyện đầy phấn khích: “Thấy có đẹp không? Người Ê-đê ta từ xưa đã biết dệt như thế này rồi. Người mình phải có vải riêng của dân tộc mình chứ. Nhìn trang phục là biết ngay người Ê-đê, chứ chưa cần phải nghe cái giọng. Từ khi amí lớn lên đã có chiếc khung dệt này rồi và nó gắn bó với ta đến tận ngày nay. Thời bắt đầu biết làm đẹp, amí nhìn thấy người già trong buôn dệt mà mê. Chẳng cần ai dạy, tự mình học lóm của các cụ thôi. Thiếu nữ trong buôn, người này bắt chước người kia, làm lâu thành quen. Ngày đó phụ nữ Ê-đê mà không biết dệt thì không bắt chồng được”.

 

Một sản phẩm vừa hoàn thành sau nhiều ngày lao động
Một sản phẩm vừa hoàn thành sau nhiều ngày lao động


Mỗi đường nét hoa văn trên miếng thổ cẩm mà bà làm ra thật đẹp mắt và tinh xảo. Các họa tiết đều mang những hình khối nối tiếp nhau, tạo nên sự khỏe khoắn. Sự độc đáo trên thổ cẩm của người Ê-đê còn ở cách phối hợp màu. Để tạo thành những sợi vải màu khác nhau, người Ê-đê dùng bông kéo sợi và nhuộm thành những màu ưa thích. Công thức nhuộm màu dựa vào kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Tất cả màu sắc đều được lấy từ tự nhiên. Để có màu chàm, người Ê-đê dùng vỏ cây chàm, muốn có màu vàng thì dùng vỏ cây nhàu hoặc củ nghệ, muốn có màu nâu thì dùng vỏ cây dẻ… Tất cả các loại vỏ, rễ, lá cây dùng để nhuộm vải đều là những loại có độ bám rất cao nên rất bền màu. Trang phục của người Ê-đê chủ yếu là màu đen và đỏ. Tuy nhiên, chiếc váy của người phụ nữ Ê-đê thể hiện 5 màu cơ bản: đen, đỏ, vàng, xanh nước biển và xanh lá cây. Đây là 5 màu mà họ chủ động tạo ra được. Mỗi màu sắc sử dụng trong trang phục của người Ê-đê chính là sự kết tinh của văn hóa rất đặc trưng. Với màu sắc trên thổ cẩm của mình, người Ê-đê mong muốn cuộc sống hòa vào thiên nhiên, nương rẫy, núi rừng và màu đất bazan, nơi họ sinh sống. Có một điều khá bất ngờ, dù amí H-Lát không hề biết chữ, nhưng trên tấm vải mà mình dệt ra, amí vẫn dệt được chữ. “Ta không biết cái chữ nhưng nó cũng như hình vẽ thôi. Người nào muốn có chữ trên vải thì cứ vẽ sẵn chữ đó ra, đến lúc dệt cứ nhìn theo đó mà làm”, amí H-Lát cười giải thích.


Nét xưa còn một chút này...

Nắng cuối ngày nhạt dần, trong khói lam chiều, bên ô cửa nhà dài, con cháu của amí H-Lát vừa đi làm về cũng quây quần bên khung vải. H-Chức (cháu H-Lát) ngồi mân mê mấy tấm thổ cẩm mà bà ngoại vừa dệt xong. Mặc dù lớn lên bên khung cửi, được tận mắt thấy từng đường sợi của ngoại từ thuở nhỏ nhưng cũng như bao cô gái Ê-đê khác, H-Chức không biết dệt thổ cẩm. Khi được hỏi, H-Chức ngượng ngùng tâm sự: “Nhìn thấy ngoại dệt vải mình thích lắm. Nhưng cái tay không biết làm, khó quá!. Học mấy lần rồi nhưng mình không làm được nên nản không học nữa. Ngày mình đi bắt chồng, toàn bộ quần áo, mền đều phải nhờ bà dệt cho”.

 

Amí H-Lát ngồi bên khung dệt
Amí H-Lát ngồi bên khung dệt


Qua trò chuyện với những người ở Buôn Tương, giờ cả Ninh Tây chỉ còn duy nhất cụ H-Lát còn dệt thổ cẩm. Một số người biết dệt thì nay đã quá già yếu nên không đủ sức để dệt. Vì để có tấm vải đẹp thì cái chân phải mạnh, cái tay phải chắc. Có như vậy tấm vải mới bền và cứng. Đầu óc phải minh mẫn để ước lượng mà tự tạo ra những hoa văn yêu thích. Thấy chúng tôi nói về dệt thổ cẩm, anh Y Léc (con rể cụ H-Lát) tỏ vẻ ngậm ngùi: “Giờ người Ê-đê ở Ninh Tây vẫn còn mặc thổ cẩm trong các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, phụ nữ khi bắt chồng phải có đầy đủ lễ vật. Trong đó mền, khăn địu con và quần áo bằng thổ cẩm là không thể thiếu. Hồi xưa các cụ đều tự tay làm hết, giờ bọn trẻ không còn đứa nào biết làm, toàn phải nhờ bà cụ làm, hoặc mua thổ cẩm công nghiệp. Mình tiếc nghề này lắm, bảo mấy đứa nhỏ học nhưng không đứa nào chịu học”.

 

Mong truyền lại nghề truyền  thống cho con cháu
Mong truyền lại nghề truyền thống cho con cháu


Tâm sự về chuyện này, ông Y Hy - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây cho biết: “Tôi rất muốn khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm ở Ninh Tây nhưng chưa có điều kiện. Thổ cẩm là tượng trưng cho văn hóa tộc người. Cùng với nhiều phong tục khác, nó đã tạo nên một nét văn hóa rất riêng của người Ê-đê. Giờ đây, cả Ninh Tây chỉ còn mình cụ H-Lát làm thổ cẩm, kể ra thật đáng tiếc. Mong rằng, cụ sớm có thêm những truyền nhân, không để mai một nghề truyền thống này”.


Chia tay Buôn Tương, hình ảnh về những tấm thổ cẩm với biết bao nhiêu hoa văn sắc sảo cứ như ẩn hiện trong tâm trí chúng tôi. Bao thế hệ phụ nữ người Ê-đê đã biết tự làm ra những hoa văn, họa tiết đặc trưng của mình trên từng tấm vải. Ngày nay, những tinh hoa văn hóa ấy đang dần mai một và trở thành thứ hiếm. Mong rằng, mai này về lại Ninh Tây, bên bếp lửa hồng của căn nhà dài, lại được thấy hình ảnh những cô gái Ê-đê ngồi bên khung dệt để cho ra đời những tấm thổ cẩm đẹp mê mẫn lòng người.


Đ.L - T.A