07:02, 23/02/2015

Tết quê xưa...

Những chiếc lộc non mang trong mình búp hoa xanh nõn lớn dần trên những cành mai, màu nắng vàng tươi, tinh khiết vừa tỉnh giấc sau một kỳ nghỉ đông dài... báo hiệu một mùa xuân lại về...

Những chiếc lộc non mang trong mình búp hoa xanh nõn lớn dần trên những cành mai, màu nắng vàng tươi, tinh khiết vừa tỉnh giấc sau một kỳ nghỉ đông dài... báo hiệu một mùa xuân lại về...


Ngồi nhâm nhi ly cà phê trong không gian yên tĩnh, từng giọt nắng xuyên qua kẽ lá, tiếng sóng rì rào, vỗ nhịp, tôi lại miên man nghĩ về những ngày Tết nơi quê xa. Ở đó, tôi đã lớn lên trong sự rộn ràng, háo hức cùng nhịp thở mùa xuân của những đứa trẻ vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.


Ngày ấy, để được vui chơi cùng bè bạn trong 3 ngày xuân, từ giữa tháng Chạp, chúng tôi, những đứa trẻ lên 10 cũng tất bật lắm. Buổi sáng đi học, buổi chiều về trên vai gánh đôi giỏ tre, tay cầm lưỡi liềm dạo quanh các bờ ruộng lúa để cắt cỏ. Quê tôi là xứ trồng mía đường, vào mùa này, mầm mía con mọc nhiều nên được cắt về trữ lại cho trâu bò cùng ăn Tết. Bọn nhỏ chúng tôi, hàng ngày chỉ biết khoe với nhau đã chuẩn bị được bao nhiêu cỏ, bao nhiêu mầm và chừng ấy trâu bò sẽ ăn được bao lâu, đã đủ số ngày nghỉ chưa... Người lớn thì chao ôi là việc, từ vệ sinh vườn tược, nhà cửa đến chuẩn bị bánh mứt, rau quả, quần áo cho 3 ngày xuân. Không khí thật sự nhộn nhịp.


Nhà tôi, ở giữa một xóm nhỏ, ruộng lúa bao quanh, mỗi khi nước lũ dâng tràn, nó trở thành ốc đảo cách biệt nên được gọi là “xóm đảo”. Mùa xuân về cũng là lúc những bông lúa non đồng loạt tỏa hương thơm ngọt ngào phảng phất. Thi thoảng, cơn gió nhẹ lướt qua làm những bông lúa chao nghiêng như háo hức vẫy chào mùa xuân mới. Những cánh đồng xanh mướt một màu, chạy xa tít đến tận bờ sông quê, nơi mà hàng năm khi mùa lũ lớn mang theo rất nhiều phù sa màu mỡ bồi đắp. Vào ngày cuối năm, nhà nào trên “ốc đảo” này cũng làm cơm cúng thỉnh ông bà, ông táo, ông công về với gia chủ. Tiếng pháo nổ vang khắp xóm làm tụi nhỏ chúng tôi đứng ngồi không yên và vui nhất, rộn ràng nhất là lúc giao thừa, cái khoảnh khắc thiêng liêng, mọi cảm xúc như vỡ òa...


Tết đến rồi. Mặt trời ửng hồng phía đầu ngõ, những tia nắng dịu nhẹ của ngày đầu tiên rọi vào giọt sương đêm còn đọng lại trên cánh mai. Phía xa, bên kia cánh đồng, người dân làng đã tụ tập đông vui với nhiều trò chơi dân dã dưới gốc cây cổ thụ sừng sững giữa sân trường. Khác hẳn với ngày thường, hôm ấy, từ người già đến con trẻ, ai cũng khoác trên mình bộ cánh mới, đôi dép mới...


Khuôn viên của sân trường không hề có rào chắn trở thành nơi tụ tập vui chơi ngày đầu xuân. Người lớn thì hái trái mùa xuân, bài chòi, thi đấu bóng chuyền; con trẻ thì bắn bi, nhảy dây, tía vụ... Tôi còn nhớ như in cái giọng khàn khàn của ông Năm, người chuyên quản trò bài chòi, hay còn gọi là “Anh hiệu”, dùng một miếng tôn mỏng cuốn lại thành chiếc loa đầu to đầu nhỏ và cầm đi xung quanh để hô cho người chơi nghe được con bài vừa bốc ra từ ống tre để ở giữa. Người tham gia trò chơi này chỉ đứng vòng tròn theo sự hướng dẫn của anh, không có chòi dựng sẵn như hiện nay. Tuy đơn sơ, nhưng trò chơi này lại thu hút rất đông người tham gia bởi sự mộc mạc, chân chất, gần gũi.


Ngày đầu năm, ai cũng cũng muốn thử vận may bằng trò chơi “Hái trái mùa xuân”, người trúng giải chỉ được lon nước ngọt, gói kẹo, gói thuốc, câu chúc phúc gia chủ… nhưng vui lắm, họ xem đây là “lộc” đầu xuân. Con trẻ như tôi, những ngày này thật sự hạnh phúc, được vui chơi thỏa thích từ sáng sớm đến chiều muộn, hết bắn bi mù u lại tía vụ, nhảy dây... Cuộc vui chơi cứ thế tiếp tục nhiều ngày cho đến khi mọi người bắt đầu quang gánh ra đồng, trả lại sân trường, trả lại sự yên bình và ở đó chúng tôi lại ngân nga những câu chữ đầu đời bên cánh đồng lúa xanh thẳm.


Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp về quê. Tôi đứng bên triền sông quê, nơi mà thời thơ bé ngày nào lũ nhóc chúng tôi cũng ngụp lặn vui đùa trong dòng nước mát lạnh. Hàng tre ngà đứng 2 bên bờ vẫn còn đó, từng cơn gió lướt nhẹ mang theo hương lúa mơn man vỗ về như thấm vào da thịt. Tết quê tôi bây giờ có nhiều đổi thay. Công việc chuẩn bị thực phẩm cho 3 ngày xuân trở nên đơn giản. Đa số bánh mứt đều mua sẵn. Cảnh các gia đình quây quần bên nồi bánh tét, ánh lửa tí tách, bập bùng đêm giao thừa cũng trở nên thật hiếm hoi. Dưới bóng cây dầu lai rợp mát giữa làng không còn bọn trẻ chơi tía vụ, bắn bi mù u...


Tôi như lạc lõng giữa những đổi thay từng ngày ở thôn quê. Con đường đất ngoằn ngoèo năm cũ giờ đã được bê tông sạch đẹp, điện thắp sáng vào từng con hẻm nhỏ. Hương lúa thơm ngọt ngào như mời gọi... Tôi nghĩ thầm, năm sau sẽ thu xếp cho cả gia đình về đây để tận hưởng một mùa xuân yên bình, tìm lại ký ức mùa xuân năm nào bên bếp lửa hồng ấm áp đêm giao thừa...


Như Thảo