07:02, 23/02/2015

Bước tiến trong chuyên ngành thay khớp

Tiếp nhận kỹ thuật thay khớp từ năm 2004, đến nay, chuyên ngành này ở Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã có những bước tiến vượt bậc.

Tiếp nhận kỹ thuật thay khớp từ năm 2004, đến nay, chuyên ngành này ở Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng (CTCH-B), Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã có những bước tiến vượt bậc.

 

1
Giáo sư Trường Đại học Chulalongkorn và bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng trong ca mổ khớp háng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


 

Thay khớp thành công cho nhiều người cao tuổi


Dịp Tết Dương lịch, nhà chị Nguyễn Thị Khôi (Tổ 5, phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh) luôn rộn tiếng cười. Nhiều người đến thăm và chúc mừng cụ Nguyễn Thị Mót (95 tuổi, mẹ của chị Khôi) đã được các y, bác sĩ Khoa CTCH-B của BVĐK tỉnh phẫu thuật thành công thay khớp háng bán phần. Chị Khôi cho biết, cách đó hơn nửa tháng, cụ bị trượt chân té và đau nhức, không đi đứng được. Bác sĩ chẩn đoán cụ bị chấn thương gãy liên mấu chuyển xương đùi trái, biến dạng khớp háng cần phải phẫu thuật, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Chị Khôi kể: “Khi bàn bạc, anh em trong gia đình suy nghĩ, đắn đo vì mẹ tôi đã 95 tuổi, lại mắc bệnh huyết áp cao, tim mạch. Thấy cụ đau đớn nhiều, chúng tôi đã quyết định để bác sĩ mổ cho mẹ, nhưng ai cũng thấp thỏm lo vì nghĩ tỷ lệ thành công sẽ rất thấp. Vậy mà khi mổ xong, 2 ngày sau, mẹ ăn uống bình thường, ngồi dậy được…”. Tuy đi đứng còn khó khăn, nhưng cụ vẫn tự pha trà cho mình. Cho chúng tôi xem vết mổ, cụ hóm hỉnh: “Nhờ bác sĩ giỏi, năm nay, tui vẫn đón Tết được cùng con cháu”.  


Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Hữu Chính - Trưởng Khoa CHCH-B chia sẻ: Những năm gần đây, Khoa đã phẫu thuật thay khớp thành công cho nhiều người cao tuổi, nhưng cụ Mót là người cao tuổi nhất từ trước đến nay. Cái khó khi thực hiện phẫu thuật ở người cao tuổi là họ có nhiều bệnh lý đi kèm như: huyết áp, tim mạch, loãng xương, suy kiệt cơ thể. Vì thế yêu cầu thời gian phẫu thuật không được kéo dài, đòi hỏi tay nghề của bác sĩ phải “cứng”, công tác gây mê, hồi sức trong và sau mổ phải tốt. Hiện nay, tại Bệnh viện, những yếu tố này được thực hiện rất đồng bộ, đều đặn”.

 

1
Giáo sư Hearin, Bệnh viện Minden Đức đang chuyển giao kỹ thuật thay khớp cán ngắn.


Những ngày giáp Tết, anh Đào Văn Dỉnh (21 tuổi, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) tất bật chở hàng ra chợ phụ mẹ bán hàng Tết. Nhìn anh chạy ngược chạy xuôi, ít ai ngờ rằng, cách đây 2 năm, anh đi, đứng vô cùng khó khăn, có khi phải nằm một chỗ vì đau. Anh Dỉnh kể, 4 năm trước, anh bị tai nạn giao thông dẫn đến trật khớp háng, gãy xương chậu, đa chấn thương. Anh đã được phẫu thuật, nhưng do chỏm xương đùi bị hư nặng vì thiếu máu nuôi nên sau mổ, anh vẫn đi khập khiễng và đau kéo dài cả năm. Năm 2012, trong đợt tiếp nhận kỹ thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng cán vặn Spiron (cán ngắn) do các chuyên gia Đức chuyển giao, anh Dỉnh đã được ê-kíp bác sĩ Khoa CTCH-B phẫu thuật thay lại khớp háng bằng kỹ thuật này. Sau mổ mấy tháng, anh Dỉnh đã đi lại được gần như bình thường và không còn thấy đau nhức.


Luôn học hỏi những kỹ thuật mới


Năm 2004, tại BVĐK tỉnh, dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh, ê-kíp y, bác sĩ của Khoa CTCH-B đã phẫu thuật thành công các ca thay khớp háng đơn giản. Tiếp nối những thành công trên, bác sĩ của Khoa tiếp tục sang các nước: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Đức… học tập để nâng cao tay nghề. Đồng thời, Khoa tiếp nhận nhiều kỹ thuật tiên tiến từ các chuyên gia trong và ngoài nước thông qua hình thức hội thảo khoa học, tập huấn… Nhờ đó, 5 năm trở lại đây, ê-kíp y, bác sĩ của Khoa đã cập nhật và triển khai thành công nhiều kỹ thuật khó, phức tạp trong điều trị bệnh khớp như: hoại tử chỏm xương đùi; tổn thương khớp háng sau chấn thương ở người già; gãy cổ xương đùi ở bệnh nhân loãng xương sau chấn thương nhẹ; phẫu thuật nội soi khớp gối ít xâm lấn...

 

1
Sau ca mổ 2 ngày, cụ bà 95 tuổi đã ngồi dậy được.


BVĐK tỉnh cũng là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai thành công kỹ thuật thay khớp háng chui vặn cán ngắn và thay khớp háng bằng vật liệu gốm. 3 năm trở lại đây, Khoa CTCH-B đã triển khai thay khớp háng có xi măng ở bệnh nhân lớn tuổi bị loãng xương. Sau mổ, bệnh nhân có thể tập đứng, đi ngay mà không phải chờ khi vết thương lành hẳn. Chất lượng điều trị được nâng cao, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh lý về khớp tại Khoa tăng dần. Bình quân mỗi năm, Khoa chỉ định thay khớp cho hơn 100 trường hợp.


 Giáo sư - Tiến sĩ Y khoa Ewald Haering - Trưởng khoa Thay khớp háng, BV Minden (Cộng hòa Liên bang  Đức) khẳng định: “Qua 2 đợt chuyển giao kỹ thuật, đội ngũ y, bác sĩ của BVĐK tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận và triển khai rất tốt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để chuyển giao thêm một số kỹ thuật về điều trị khớp…”.


Với việc triển khai thành công các kỹ thuật trong thay khớp, Khoa CTCH-B đã giúp người dân Khánh Hòa được hưởng các kỹ thuật cao ngay tại tỉnh, góp phần giảm tải cho tuyến trên. “Ca phẫu thuật thành công, người nhà bệnh nhân vui một thì chúng tôi vui mười. Chứng kiến niềm vui của bệnh nhân khi đi đứng được bình thường sau phẫu thuật là động lực để chúng tôi nỗ lực hơn trong việc học hỏi thêm những kỹ thuật mới”, bác sĩ Phan Hữu Chính chia sẻ.


THẢO LY