08:02, 10/02/2008

Hạt mầm lên

Mùa màng. Cày. Gieo. Gặt hái. Ấy là câu chuyện ngày ngày tiếp nối. Như nhật nguyệt hết mờ lại tỏ. Như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mùa màng...

Mùa màng. Cày. Gieo. Gặt hái. Ấy là câu chuyện ngày ngày tiếp nối. Như nhật nguyệt hết mờ lại tỏ. Như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mùa màng. Ấy là niềm vui bất tận, khi thóc đầy bồ, khi lợn đầy sân. Mùa màng. Ấy là nỗi khổ khôn nguôi, khi mưa bất hòa, khi gió bất thuận. Cho nên, nhịp đập mùa màng cũng chính là hơi thở con người.

Một ngọn gió mong manh thoảng qua, sóng lúa mơn man non tơ, hương đồng ngan ngát, cho một mai mùa vàng sây hạt. Đôi cánh diều trẻ thơ no gió, nâng lên cao bao ước mơ tuổi nhỏ. Mấy nhành bưởi đơm hoa trắng muốt, gửi chút hương dịu dàng trên làn tóc gái quê. Làng quê êm êm trong khúc nhạc chiều. Tiếng ai hò nghe rộn rã thương yêu. Bức tranh yên bình và nên thơ ấy, tôi có thể thấy được, cảm được từ muôn vạn nẻo đường trên quê hương này, dẫu ở miền xuôi hay miền ngược.

Một cơn bão đi qua, cửa nhà toác hoác. Một cơn lũ đi qua, ruộng nương tan tác. Mà đâu phải chỉ có một. Bão dồn dập bão. Lũ chồng lên lũ. Bão đi qua. Lũ đi qua. Từ trong ngổn ngang đổ nát, từ trong một nắng hai sương, đã thấy mầm mạ ngoi lên, dẫu thoạt đầu có đôi chút ngập ngừng. Rồi lúa lại lên bông, lúa lại vàng đồng. Thôn trang lại rộn ràng. Dường như, trong gian nan mới tỏ rõ hơn bao giờ hết nghị lực phi thường của những người chân bùn tay lấm. Tôi cứ hình dung một hình ảnh, giữa tiết trời mùa đông tê cóng, trong khi có người vừa thò chân ra khỏi chăn dày đã vội rụt lại thì ngoài ruộng, nhiều người chân trần đã dấn sâu trong bùn đen rét buốt. Tôi gọi những bàn chân trong bùn ấy là những bàn chân Mẹ. Mẹ, cho nên trĩu nặng sinh sôi. Mẹ, cho nên bao dung, độ lượng. Cho bao nhiêu vụ mùa tiếp nối, dẫu có được, dẫu có mất. Ruộng đồng Việt Nam xưa nay vẫn thế, gan góc và thủy chung. Bão. Lũ. Đạn. Bom. Lúa vẫn kiên gan đứng lên, cùng người. Phải. Chính những “hạt gạo làng ta” - những hạt gạo “có bão tháng bảy, có mưa tháng ba” (thơ Trần Đăng Khoa) ấy đã hàng giờ, hàng phút dưỡng nuôi một bản lĩnh Việt Nam thật kỳ diệu. Cho hôm qua, hôm nay, và cho mãi mãi.

Có ai đó nói rằng, chiến thắng lớn nhất là chiến thắng chính bản thân mình. Tôi thấm thía điều ấy. Bởi có chiến thắng được sự yếu đuối của mình mới có thể rút chân ra khỏi chăn ấm mà bước xuống ruộng lạnh. Mà có bước chân xuống ruộng lạnh mới có được ấm áp mùa lên. Nhưng, làm thế nào để chiến thắng được những lười biếng, kiêu căng, tham lam, đố kỵ… của chính mình? Quả thật, đây là một câu hỏi khó. Nhưng từ bao đời nay, nhiều thế hệ người Việt Nam đã vượt qua, để vun đắp cho mỗi lúc một dày thêm bản lĩnh Việt Nam. Còn nhớ, hôm ra quần đảo Trường Sa, tôi mới được tận mắt nhìn thấy cây phong ba. Cây phong ba to lớn, vững vàng đứng giữa giông tố miền biên đảo. Và, thật bất ngờ, một chàng trai ở Trường Sa dắt tôi đi xem cây bão táp. Cây bão táp nhỏ hơn cây phong ba, chỉ một ít rễ bám lên đá mà vẫn kiên cường, ngạo nghễ trước sóng dồi, gió dập. Quả thật, bản lĩnh Việt Nam có thể nhìn từ những hình ảnh thật giản dị như thế.

Hai con trâu đi trước, ông đi sau. Mỗi luống cày đi qua, ông thường ngoái lại ngắm nhìn. Xem có thẳng không. “Đi cày cũng phải cho thẳng thớm!”, ông vẫn hay căn dặn mấy đứa con mình, dẫu lúc ấy chúng đang còn quá trẻ dại để có thể nghiền ngẫm, để có thể hiểu ra rằng chỉ trong mấy chữ nhỏ nhoi đó là cả một bài học nhân sinh. Nhưng không phải triết lý suông, ông cày thẳng thật, thẳng và đều. Phải thật sự công phu trong nhiều năm liền ông mới có được điều đó. “Nhưng mà có thẳng thớm gì thì cũng bừa bằng phẳng hết, có ai còn thấy gì nữa đâu”, nhiều người nghe chuyện của ông, bảo thế. Ông chỉ cười: “Biết!”. Người ta vẫn thấy ông chăm chút cho mỗi đường cày, dường như ấy là thiên bẩm. Thường, trai cày (người xưa thường gọi người đi cày là trai cày) cuối buổi mở trâu thì đi nghỉ. Còn ông cứ nấn ná, ngắm nghía mãi vạt ruộng có những đường cày lật úp thật đều, thật thẳng; hút hết mấy điếu thuốc nữa mới chịu về. Tôi hiểu, ấy không chỉ là cả một tình cảm nặng sâu với đồng ruộng mà còn là một thái độ sống. Trách nhiệm và đam mê.

Ruộng ông năm nay được mùa. Nhưng phân đắt, thuốc đắt, gì cũng đắt nên lời lãi không được bao nhiêu. Tuy vậy, tiền gửi cho mấy đứa con đi học, ông không hề bớt lại một xu nào. Có điều, thường xuyên đến thăm ông, tôi cảm nhận bữa cơm trong gia đình ngày mỗi thêm đạm bạc. Có lúc hai vợ chồng chỉ có một tẹo cá kho, với ít rau muống luộc. Cá ông lặn lội bắt ngoài đồng. Rau bà ngắt trong vườn. Nhưng, ông vẫn sướng trong lòng. Bởi ông cho rằng, những đứa con ông lớn lên bằng chính những hạt lúa của ông, chứ không phải bằng bất cứ một thứ gì khác. Cả những đứa con ông cũng thế, chúng luôn tự hào về điều đó. Nhiều lần, ông gọi chúng lại, bảo: “Ba không có nhiều ruộng đất để lại cho các con. Nhưng ba đang cố gắng để mỗi đứa có một gia tài lớn, đứa nào cố học thì được nhiều. Học được nhiều thì sau này mang ra dùng được nhiều. Mà dùng được nhiều thì thu hoạch được nhiều”. Tuổi ông, tuổi đã tri thiên mệnh, xem ra chưa già, nhưng cũng không còn trẻ nữa. Ông bảo với tôi rằng của nả không nhiều nhưng ông có hẳn một gia tài giàu sụ (theo cách nói của ông) là mấy đứa con học rất giỏi. Tôi thầm cảm phục cái cách chia của cho con của ông. Không có nhà lầu, xe hơi. Nhưng tôi tin cái vốn của ông chia, các cháu sẽ là những người giàu có, có thể hiểu theo nhiều nghĩa.

Tết năm nay, ông không sắm gì nhiều. “Còn phải dành tiền để thêm cho mấy đứa nhỏ đi học”, ông bảo tôi như thế. Không sắm nhiều, nhưng ông trồng rất nhiều hoa. Hai bên đường vào nhà rực vàng một màu hoa vạn thọ. Chao ôi! Một màu vàng đẹp đến nao lòng. Đầm ấm và no đủ. Những ai không để ý sẽ chẳng biết được hoa vạn thọ có một mùi hương thật lạ. Nó cứ ngai ngái, thoang thoảng, ngỡ như gần, ngỡ như xa. Mà nhìn cho thật kỹ, dưới những gốc hoa vạn thọ kia, hãy còn thấy có chút rác trôi từ đâu đến, vết tích của những trận lũ vừa đi qua.

Đêm cuối năm, ông nhắn tôi sang uống rượu. Lạ! Trước giờ ông có uống được nhiều rượu đâu. “Mừng quá đi, ông ạ!”, ông vồn vã đón tôi ngay từ ngoài cửa. Thì ra, đứa con lớn của ông đang học năm cuối đã được một doanh nghiệp cỡ lớn cam kết ra trường sẽ nhận về làm việc, với mức lương hậu. Bỗng dưng, ông bảo: “Này, thế một tháng lương của nó bằng cả mấy tấn lúa của tôi, ông nhỉ?”. Nói rồi ông bắt tay tôi, nắm thật chặt. Tôi cố nắm tay ông thật lâu, để cảm nhận hơi ấm và cả sự… sần sùi của vô số những cục chai trong lòng bàn tay. Gì cũng tính bằng lúa. Hẳn như thế, người làm ruộng thì có gì khác ngoài lúa. Những tấn lúa của ông, nói khác hơn là những hạt lúa của ông, đã bắt đầu lên mầm, bắt đầu thắp lên một sức sống mới, cho một lớp người mới.

Tôi lại gọi những hạt lúa ấy là Mẹ. Mẹ, cho nên bao dung, độ lượng. Mẹ, cho nên trĩu nặng sinh sôi. Sức sống ấy, bản lĩnh Việt Nam, cứ âm thầm mà dũng mãnh đi qua bão, đi qua lũ để đến bến bờ no ấm, thanh bình. Xin tri ân những “hạt gạo làng ta”, những hạt gạo có đầy mưa, có đầy bão.

Chừng đã tối, có lẽ không mấy lúc nữa đã đến giao thừa. Tôi xin phép ông ra về. Những đóa vạn thọ đương độ xuân thì trong đêm tối nhìn vẫn cứ ngời ngời. Phía ngoài kia, dưới ruộng, những thân lúa nhỏ cứ rung rinh, rung rinh, như muốn nhắn nhủ cùng ai đó một điều gì…

Nha Trang, trước thềm Xuân Mậu Tý

PHONG NGUYÊN