10:01, 18/01/2018

Đừng chạy đua theo thành tích

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ quy định Sở Giáo dục và Đào tạo cộng điểm khuyến khích cho học sinh khi xét tuyển vào lớp 10 là một trong những biện pháp để góp phần khắc phục việc chạy theo quá nhiều cuộc thi để giành thành tích.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bỏ quy định Sở GD-ĐT cộng điểm khuyến khích cho học sinh (HS) khi xét tuyển vào lớp 10 là một trong những biện pháp để góp phần khắc phục việc chạy theo quá nhiều cuộc thi để giành thành tích. Nhưng nếu chỉ nhìn nhận ở khía cạnh cộng điểm khuyến khích thì chưa đủ, mà cần phải xem hiện nay còn những cuộc đua thành tích nào trong nhà trường, trong ngành GD?


Những năm gần đây, Khánh Hòa đều tiến hành phương thức xét tuyển vào lớp 10 dựa trên điểm học tập và hạnh kiểm của HS trong 4 năm học THCS. Có một điều dường như đã trở thành quy luật, đó là năm sau điểm xét tuyển vào các trường hầu như cao hơn năm trước. Đơn cử nhất là trong đợt xét tuyển vào lớp 10 năm học 2017 - 2018, số HS đạt điểm giỏi tuyệt đối 4 năm THCS (40 điểm) và điểm nghề phổ thông loại giỏi (cộng 1,5 điểm) tăng cao và vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường. Khi đó, nhiều ý kiến đã chỉ ra những bất cập của việc cộng điểm thi nghề nói riêng và cuộc đua chạy theo thành tích nói chung, không chỉ ở một vài cuộc thi mang tính phong trào, hình thức, mà còn ở trong từng giờ học, từng bài kiểm tra, từng điểm số trên học bạ phục vụ cho kỳ xét tuyển, trong thành tích HS giỏi ở các trường. Sự thắc mắc, nghi ngại không phải không có cơ sở, bởi đã có những HS giỏi đạt điểm tuyệt đối ở cấp 2 lại có kết quả học tập làng nhàng, thậm chí là lẹt đẹt ở cấp 3; bởi số HS giỏi tăng lên nhưng những năm qua kết quả thi HS giỏi quốc gia nói riêng và chất lượng GD mũi nhọn nói chung của tỉnh vẫn chưa có gì khởi sắc…


Tại diễn đàn “Có nên cộng điểm khuyến khích” trên Báo Khánh Hòa vừa qua, bạn đọc đã bày tỏ, đưa ra nhiều ý kiến xung quanh những bất cập trong một số cuộc thi nói riêng và trong công tác dạy và học nói chung. Đến đây, diễn đàn xin được khép lại. Trong khi chờ Bộ GD-ĐT chính thức ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, thì ngay từ lúc này, ngành GD nên đưa ra những giải pháp cụ thể, chặt chẽ hơn nhằm khắc phục tình trạng chất lượng GD không đảm thực chất, hiệu quả. Thiết nghĩ, đó mới là mấu chốt của vấn đề.


Nhưng muốn loại bỏ căn bệnh thành tích trong ngành GD vốn tồn tại từ lâu, trước tiên, phải thay đổi tư duy GD ngay từ những nhà quản lý.


A.THÁI