05:12, 20/12/2011

Để đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết

Cứ mỗi dịp Tết đến, đa số người dân làm việc xa quê hương đều muốn trở về quê ăn Tết với gia đình, để rồi sau Tết lại khăn gói quay trở lại nơi làm việc.

Cứ mỗi dịp Tết đến, đa số người dân làm việc xa quê hương đều muốn trở về quê ăn Tết với gia đình, để rồi sau Tết lại khăn gói quay trở lại nơi làm việc. Chính vì thế, nhu cầu đi lại trong dịp Tết tăng đột biến. Đây là cơ hội kinh doanh rất tốt của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Nhưng cũng có người lợi dụng cơ hội này để thu lợi nhuận bằng cách vi phạm quy định pháp luật. Điều đó khiến việc an toàn trên những chuyến xe trở nên đáng báo động…

Vừa qua, anh họ tôi gọi điện nhờ tôi mua cho 5 vé tàu đi về Thanh Hóa. Tôi lấy làm lạ bởi bình thường anh thường đi ô tô khách, vì điều kiện gia đình anh chị cũng chẳng dư dả. Hỏi ra, anh kể: Mấy năm trước, anh chị tiết kiệm nên đều đi xe cho rẻ, nhưng năm vừa rồi thì sợ quá. Bởi anh chị đi xe có mua vé hẳn hoi nhưng tài xế cứ bắt khách, nhồi nhét quá chật khiến mấy đứa nhỏ chịu không nổi, cứ khóc suốt. Anh phàn nàn thì tài xế sừng sộ bảo, đó là dịp Tết, phải để cho họ “kiếm ăn”. Trên đường thì chạy xe ầm ầm để bắt khách nên lúc gần về đến nơi, xe gây tai nạn va quẹt với người đi đường. Công an làm việc, giữ xe, vì vậy toàn bộ hành khách phải sang xe khác, mãi đến trưa 30 Tết mới về đến nhà. Năm nay, anh chị rút kinh nghiệm, đi tàu cho chắc ăn, đắt một tý nhưng an toàn, đúng giờ.

Đúng là năm nay giá các loại vé tàu đều tăng so với trước. Thật ra, chẳng phải tàu mà máy bay, ô tô cũng tăng giá vé. Tuy nhiên, mỗi loại phương tiện có mức tăng khác nhau. Nếu so với máy bay thì giá vé tàu không tăng nhanh bằng, nhưng so với ô tô thì giá tàu lại tăng nhiều hơn. Tuy tăng như thế nhưng vé tàu luôn nằm trong tình trạng “khan hiếm”. Quả thực, cũng nhiều người có cùng suy nghĩ với anh tôi vì e ngại về sự an toàn trên những chuyến xe Bắc Nam.

Không có năm nào mà các dịp trước và sau Tết, các phương tiện thông tin không đưa tin về các vụ tai nạn trên các tuyến đường. Tình trạng này có nguyên nhân trực tiếp là do các nhà xe, tài xế thiếu tôn trọng pháp luật về giao thông đường bộ. Các lỗi cơ bản nhất vẫn là các nhà xe bắt khách dọc đường, chở quá số người quy định, thu tiền mà không bán vé; phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành các quy định, biển báo để giành khách; lái xe làm việc liên tục (theo quy định, tài xế làm việc không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ)…

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng là một nguyên nhân. Nhiều tuyến đường xuống cấp (chẳng hạn như ở Khánh Hòa đoạn Quốc lộ 1 qua đèo Rù Rì bị lồi lõm, rất nguy hiểm), nhiều đoạn không đảm bảo hành lang an toàn đường bộ (nhiều đoạn Quốc lộ chay qua các đô thị, các khu dân cư không đảm bảo kích thước, hành lang an toàn bị lấn chiếm), rồi cầu cống xuống cấp, không đủ tải trọng…

Một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng là sự thiếu kiên quyết của lực lượng Cảnh sát giao thông trong việc xử lý các vi phạm. Thật ra, việc đảm bảo được sự lưu thông an toàn thông suốt trên các tuyến đường là một công việc vất vả và nặng nhọc. Lực lượng Cảnh sát giao thông cũng đã nỗ lực hết mình, tổ chức các trạm, chốt, tổ tuần tra, kiểm soát để đảm bảo lưu thông. Tuy nhiên, cũng có lúc có nơi, vẫn còn những cá nhân, đơn vị làm chưa đúng chức trách, dẫn đến tình trạng các tài xế xem thường pháp luật.

Một vấn đề cần đề cập nữa đó là tình trạng, chất lượng của xe. Hiện nay, các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải hành khách đều đã đầu tư các phương tiện ngày càng hiện đại, cộng với những quy định nghiêm về việc kiểm định, hành khách có thể yên tâm về chất lượng phương tiện. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các xe dù, xe kém chất lượng “qua mặt” các cơ quan kiểm định hoặc không thường xuyên tu sửa nên xuất hiện những tai nạn không đáng có vì các sự cố kỹ thuật.

Từ những thực trạng trên, các ngành cần có những phương án nhằm giảm thiểu những nguy cơ gây mất an toàn giao thông trong dịp trước và sau Tết. Cụ thể là nâng cao trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát giao thông, hạn chế tình trạng “mãi lộ” để kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật của các tài xế, chủ xe. Mặt khác, ngành Giao thông phải tăng cường kiểm tra, tu sửa các tuyến đường để đảm bảo an toàn. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về vận tải hành khách, dẹp vấn nạn xe dù, bến cóc… tăng cường kiểm tra xử lý các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo đúng quy định như vé xe, các điểm đón trả khách, quy định về giờ làm việc của tài xế…; mặt khác, nâng cao chất lượng kiểm định các loại xe vận tải hành khách.

Những việc làm trên phải được tiến hành một cách đồng bộ và có sự phối hợp của nhiều cơ quan. Có như vậy mới bảo đảm an toàn giao thông trong dịp Tết, giảm những tai nạn đau lòng không đáng có trên các nẻo đường.

QUANG LONG