02:05, 29/05/2009

Không nên tăng giá phòng

Lâu nay, như đã thành lệ, cứ đến mùa lễ hội là các nhà hàng, khách sạn lại tranh thủ tăng giá kiếm lời.

Vẫn còn tình trạng tăng giá phòng khách ở Nha Trang trong dịp lễ hội (Ảnh minh họa)

Lâu nay, như đã thành lệ, cứ đến mùa lễ hội là các nhà hàng, khách sạn lại tranh thủ tăng giá kiếm lời. Vào thời điểm này, giá cả thường tăng cao, thức ăn đắt đỏ. Có nơi, giá buồng tăng gấp 4 - 5 lần ngày thường. Nhưng phân tích kỹ thì thấy không hẳn có cơ sở để tăng giá phòng trong những ngày lễ hội. Có người so sánh giá buồng phòng với giá tàu xe. Nhưng giá tàu xe tăng vào những ngày lễ Tết lại dễ hiểu. Bởi, những ngày lễ Tết, việc đi lại của khách không đồng đều. Trước Tết, hành khách có xu hướng di chuyển từ các thành phố về tỉnh, từ thành thị về nông thôn, từ Nam ra Bắc, còn sau Tết lại di chuyển theo chiều ngược lại. Do vậy, vé tàu xe tăng là để bù lại chi phí cho những chuyến xe “không tải”, ít người. Còn những ngày lễ hội, các khách sạn có chi phí gì hơn ngày thường? Thực tế là còn giảm tỷ lệ chi phí do khách nghỉ đông hơn. Theo quy luật: trong điều kiện giá không tăng, chỉ cần khách càng đông, chủ kinh doanh càng thu lợi lớn. Vậy, lý gì phải tăng giá phòng trong dịp này? Một lãnh đạo ngành Du lịch cho biết, đây chỉ là “nếp nghĩ”,“thói quen” lâu nay của các nhà hàng, khách sạn! Nếu đã là thói quen, nếp nghĩ không đúng thì cần phải sửa! Trước hết là các chủ khách sạn, sau là những người có trách nhiệm trong các cơ quan Nhà nước và ngành chức năng quản lý công tác này.

Được biết, Khánh Hòa có chính sách bình ổn giá du lịch trong mỗi dịp lễ hội. Festival Biển 2009, UBND tỉnh cũng đã có quyết định bình ổn giá phòng, trong đó vẫn cho phép các khách sạn tăng giá nhưng không được vượt quá mức quy định của tỉnh (không quá 50% giá ngày thường). Nhưng liệu các khách sạn (đặc biệt là các khách sạn nhỏ) có thực hiện đúng quy định của UBND tỉnh? Và dù có thực hiện đúng chăng nữa thì theo tôi, việc tăng giá phòng trong những ngày lễ hội là không hợp lý. Cần giữ nguyên giá phòng, nếu chưa thể giảm được. Thực tế, việc tăng giá phòng trong những ngày lễ hội còn “lợi bấp cập hại”. Trước mắt có kiếm thêm được ít tiền, nhưng về lâu dài, khách sẽ quay lưng lại với lễ hội. Đã có nhiều du khách khuyên không nên đi du lịch trong dịp lễ hội để tránh bị “chém đẹp”!

Festival Biển Nha Trang là hình thức thu hút khách đến với địa phương, là dịp để quảng bá hình ảnh của địa phương tới bạn bè trong nước và quốc tế. Nếu khách đến đông, người hưởng lợi đầu tiên là các khách sạn, nhà hàng. Nhưng nếu khách đến ít do giá phòng cao, cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp… thì đối tượng trực tiếp chịu thiệt hại đầu tiên là các khách sạn, nhà hàng. Thiệt hại lớn hơn là không đạt được mục đích quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút khách đến địa phương, gây tốn kém, lãng phí vô ích.

Chiến dịch giảm giá, khuyến mãi của ngành Du lịch Việt Nam mang tên “Ấn tượng Việt Nam” hiện đang được thực hiện nhằm thu hút du khách và nhà đầu tư vào Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước. Đây cũng là hình thức “kích cầu” của ngành Du lịch. Chiến dịch này đã được một số doanh nghiệp du lịch của Khánh Hòa hưởng ứng, nhưng chưa nhiều. Thiết nghĩ, để hưởng ứng mạnh mẽ chương trình này, trước mắt, dịp Festival Biển Nha Trang 2009, các nhà hàng, khách sạn không nên tăng giá. Điều này không chỉ có lợi cho các doanh nghiệp mà có lợi cho toàn tỉnh và cả nước. Để làm được điều này, rất cần sự hợp tác đồng bộ của các đơn vị kinh doanh du lịch, các cấp chính quyền và ngành chức năng địa phương.

Nguyễn Bá Hưng